8 mạng người trong một vụ cháy nhà là lời cảnh báo khẩn thiết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vụ cháy căn nhà nằm trong hẻm 47/58/2 đường Lạc Long Quân, phường 1, quận 11, TPHCM ngày 7.5 làm 8 người chết đã làm cho nhiều người giật mình nghĩ về căn nhà của mình và nhận ra mình đang sống trong một căn nhà tương tự như căn nhà bị cháy.

 

Hiện trường vụ cháy. Ảnh Anh Tú
Hiện trường vụ cháy. Ảnh Anh Tú



Ở TPHCM có rất nhiều căn nhà không an toàn về phòng cháy như vậy, thậm chí còn nguy hiểm hơn. Đó là những căn nhà trong hẻm sâu, xe chữa cháy không thể vào được, thậm chí đưa ống nước chữa cháy vào còn khó khăn. Đối với những căn nhà đó, nếu bị cháy ở tầng dưới, coi như không có cửa thoát.

Rất nhiều người sống trong những căn nhà mất an toàn về phòng cháy, nhưng họ không có ý thức về điều đó. Không thấy mạng sống mình bị đe dọa khi có cháy nổ xảy ra.

Đáng sợ hơn, trong những căn nhà chật chội, trong khu dân cư mất an toàn về phòng cháy, có nhiều người làm cơ sở sản xuất, như làm cửa sắt, hàn gò, sử dụng hóa chất, chế biến hóa chất, những hoạt động rất dễ xảy ra cháy nổ.

Điển hình như vụ cháy vừa rồi tại quận 11, TPHCM, anh N.T.T - người may mắn thoát nạn cho biết, lúc khiêng thùng xi đánh bóng gạch vừa mới nấu xong, không may làm đổ xuống sàn nhà, chảy lan ra bếp lửa đang nấu sáp đèn cầy nên gây ra cháy.

Theo báo cáo nhanh của cơ quan chức năng, căn nhà có tổng diện tích 126m2, kết cấu 1 trệt, 1 lầu, 1 lửng, nhà có 1 cửa trước, 1 cửa bên hông nhưng cửa hông bị khóa chặt.

Nhà sản xuất kinh doanh xi đánh bóng gạch được chế biến từ sáp đèn cầy và dầu lửa, nhưng những người ở trong nhà xem thường về phòng cháy chữa cháy. Nếu có ý thức về đề phòng hỏa hoạn, không bao giờ khóa chặt cửa hông.

Có một điều đặt ra từ vụ cháy, đó là cơ sở này chưa có giấy phép. Chính quyền địa phương không kiểm soát được, không kiểm tra phòng cháy chữa cháy, nên mới có hậu quả 8 mạng người. Tại sao cơ sở này chưa có giấy phép, vẫn ngang nhiên hoạt động mà chính quyền không biết?

Thực tế này đặt ra cho chính quyền về trách nhiệm quản lý, cụ thể ở đây là an toàn cháy nổ trên địa bàn. Ít nhất, chính quyền phải nắm rõ các nhà dân nằm trong khu vực nguy hiểm, không có lối thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn, để khuyến cáo dân, tổ chức các phương án phòng cháy.

Quan trọng hơn, đó là nắm rõ các cơ sở sản xuất trên địa bàn để kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy, cơ sở nào không đạt tiêu chuẩn, không cấp phép hoạt động.

Không cấp phép là một việc, nhưng kiểm soát để không cho hoạt động chui là việc còn cần hơn.

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/8-mang-nguoi-trong-mot-vu-chay-nha-la-loi-canh-bao-khan-thiet-907385.ldo

Theo LÊ THANH PHONG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.