Phải chấm dứt đầu độc con trẻ!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

"Xin vía học giỏi" - clip nhảm nhí, phản cảm của YouTuber Thơ Nguyễn - đã chạm tới giới hạn cuối cùng của sự phẫn nộ từ phụ huynh. Với hàng triệu lượt theo dõi mà hầu hết là trẻ em, rất đông phụ huynh đã mạnh mẽ lên tiếng: Cần xử lý nghiêm những người tung clip này lên mạng.

Không lo lắng sao được khi đầu óc trong sáng của trẻ thơ bị tiêm nhiễm những trò mê tín này. Bắt đầu là hình ảnh búp bê ma, kế đến là mê tín xin vía, rồi quảng cáo uống nước ngọt để học giỏi... Trò này có khác nào gián tiếp phủ nhận nỗ lực học hỏi của trẻ và khiến các em suy nghĩ lệch lạc về việc học.

Không phải đến bây giờ các bậc phụ huynh mới lên tiếng về những đoạn phim độc hại của Thơ Nguyễn. Clip hướng dẫn bỏ đá khô làm nổ chai nước, đun sôi nước ngọt... cũng từng gây lo ngại cho phụ huynh vì trẻ nhỏ rất dễ dàng làm theo và gây tổn thương bản thân. Chỉ riêng với việc tiếp xúc với đá khô không đúng cách đã rất nguy hiểm vì chúng giải phóng CO2 gây ngạt, quá lạnh gây bỏng khô... Những cảnh báo này đã có từ hơn 3 năm trước nhưng không được xử lý triệt để nên trò nhảm nhí và nguy hiểm ấy vẫn tiếp tục cho đến hôm nay.

Trẻ em tò mò, dễ bị cuốn hút ở những trò lạ nên không ít YouTuber xem đây là mảnh đất màu mỡ để kiếm tiền mà bất chấp hậu quả. Những trò bạo lực với vật nuôi, búp bê, nhân vật hoạt hình; trò chơi khăm phản giáo dục; hướng dẫn những trò thí nghiệm nguy hiểm... đều được tận dụng để thu hút trẻ và qua đó kiếm tiền từ các hãng công nghệ.

Hiện nay, trẻ em tiếp xúc với các thiết bị công nghệ để giải trí và cả học tập nên phụ huynh rất khó kiểm soát được những chương trình mà con em mình theo dõi. Đã có rất nhiều phụ huynh bất ngờ với những trò nguy hiểm mà con em mình bắt chước theo các clip được lan truyền trên mạng. Họ cũng thừa nhận quá khó khăn để có thể "tạo sức đề kháng" cho con cái trước sự tấn công của YouTuber độc hại.

Từ vụ việc của YouTuber Thơ Nguyễn, chúng ta cũng thấy đã có lỗ hổng quản lý trong việc kiểm soát các kênh YouTube hoặc các trang mạng dành cho trẻ em. Mục tiêu chủ yếu của các doanh nghiệp công nghệ là lợi nhuận và đây cũng là mục đích của phần lớn YouTuber hiện nay. Chúng ta không hy vọng họ có thể đặt mục tiêu phát triển xã hội hoặc giáo dục lên hàng đầu khi đưa những sản phẩm của mình lên internet.

Tự mỗi quốc gia, mỗi ngành quản lý liên quan và mỗi gia đình phải có trách nhiệm ngăn chặn những clip độc hại như thế tác động đến con trẻ. Đây chính là con cái của chúng ta, là thế hệ kế tiếp bảo toàn sự phát triển của xã hội tương lai nên không cho phép có bất cứ sơ suất nào. Pháp luật hiện hành đã có đủ quy định để xử lý những người đưa thông tin độc hại lên mạng. Không lý do gì chúng ta có thể sao nhãng hoặc làm ngơ để những người vụ lợi có thể truyền bá những suy nghĩ thiển cận, cách thức nguy hiểm đến người khác, đặc biệt là trẻ em.

Theo Hồ Phi (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Va chạm giao thông là điều không ai mong muốn song có thể xảy ra với bất kỳ ai trên đường. Tuy nhiên, điều đáng nói là cách ứng xử giữa những người tham gia giao thông với nhau khi xảy ra những tình huống như vậy để không dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.