Ngoại ngữ 1 gì mà tận 7 thứ tiếng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tiếng Hàn và tiếng Đức vừa được Bộ GDĐT quyết định trở thành ngoại ngữ 1, tức là môn học “bắt buộc” trong chương trình giáo dục phổ thông, nâng tổng số ngoại ngữ số 1 lên con số...7.

Quyết định ký rồi. Và sẽ có hiệu lực từ 9.2.2021.

Trước đó đã có 5 ngôn ngữ trong danh sách ngoại ngữ 1 là tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Nhật.

Bản danh sách ngoại ngữ số 1 này đúng là đa dạng, cho phép học sinh lựa chọn dựa trên nhu cầu cá nhân, tuy nhiên, nó cũng cho thấy chuyện ôm đồm...

Ngoại ngữ 1 mà có tới 7 thứ ngôn ngữ thì rõ ràng là đã không hề có những mũi nhọn để ưu tiên.

Có lẽ, cần phải nhắc những con số rất tệ hại trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm ngoái. Điểm trung bình môn tiếng Anh chỉ 4,577. Điểm số có nhiều thí sinh đạt được nhất là…3,4. Thậm chí 543 em có từ 1 điểm trở xuống. Một kết quả tồi tệ khiến tiếng Anh trở thành môn “đội sổ” trong kỳ thi.

Nhớ đến Singapore. Sau 5-6 thập niên phát triển chính sách song ngữ khởi sự bởi Tổng thống Lý Quang Diệu, người Singapore từ lâu đã coi Tiếng Anh chính là gia sản lớn nhất ông Lý để lại cho người dân.

Tiếng Anh, từ trường học, tới gia đình, vào công sở đã khiến Singapore thích ứng cực kỳ tốt trước những áp lực của toàn cầu hoá. Việc sử dụng phổ biến ngôn ngữ quốc tế này giúp Singapore, một quốc đảo chỉ cỡ Đà Nẵng, từ lâu đã trở thành…điểm đến, trở thành một trung tâm tài chính quốc tế.

Năm 2007, trong chuyến thăm “người bạn Việt Nam”, ông Lý cũng có một lời chân thành: “Nếu tất cả sinh viên Việt Nam sau này không thể nghe và nói tiếng Anh trôi chảy, chỉ có thể đọc thôi cũng đã là tụt hậu”.

Biết thêm bất cứ một ngôn ngữ nào cũng có cái lợi. Nhưng ít nhất khi đưa thêm một thứ ngôn ngữ vào danh sách ngoại ngữ 1, bộ cũng phải có lời giải thích rõ tại sao. Ít nhất cũng phải tính đến sự phổ biến, hoặc chí ít ra cũng phân tích từ nhu cầu thị trường lao động... chứ không thể cứ thích là đưa vào.

Sự đa dạng cũng có lợi. Nhưng có lẽ, Việt Nam chúng ta cần xác định một ngôn ngữ phổ biến trong giao tiếp, trong giao thương, trong hành chính quốc tế để ưu tiên phát triển.

Có câu, nhất nghệ tinh, nhất thân vinh.

Có lẽ, chúng ta cần một tư lệnh ngành Giáo dục quyết đoán để chọn 1 thứ làm ngoại ngữ số 1. Ít nhất, để tránh rơi vào cảnh cái gì cũng học nhưng rồi lại chẳng thông thạo cái gì.

Hãy cứ nhìn lại kết quả kỳ thi năm ngoái một lần nữa mà xem. Nó tệ hại vô cùng và đó cũng là một hậu quả của giáo dục.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/ngoai-ngu-1-gi-ma-tan-7-thu-tieng-885884.ldo
 

Theo ĐÀO TUẤN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Va chạm giao thông là điều không ai mong muốn song có thể xảy ra với bất kỳ ai trên đường. Tuy nhiên, điều đáng nói là cách ứng xử giữa những người tham gia giao thông với nhau khi xảy ra những tình huống như vậy để không dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.
“Tôi yêu Tổ quốc tôi”

“Tôi yêu Tổ quốc tôi”

(GLO)- Những ngày tháng 4 lịch sử này, khi cả nước đang hướng đến chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức nhằm nhân lên tình cảm thiêng liêng dành cho Tổ quốc.