Tạm thở phào với... học phí

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

 Nỗi lo của nhiều phụ huynh đã tạm thời lắng xuống sau khi Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Ngọc Thưởng vừa cho biết Bộ GD-ĐT đã có văn bản báo cáo Chính phủ xem xét cho phép gia hạn áp dụng Nghị định 86/CP, giữ nguyên mức học phí hiện hành với tất cả cấp học.

Đúng là thở phào, bởi trước đó không lâu, Bộ GD-ĐT dự thảo lần thứ 2 nghị định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực GD-ĐT, đã đề xuất tăng học phí các cấp học. Theo đó, từ năm học 2021-2022, học phí bậc đại học tăng 12,5%; học phí bậc mầm non, phổ thông tăng 7,5% so với năm học 2020-2021.

Mức tăng này không phải quá cao và nằm trong lộ trình tăng học phí theo các văn bản luật ban hành thời gian qua. Tuy vậy, trong điều kiện nền kinh tế bị tác động bởi dịch Covid-19, sinh kế từng gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì mức tăng nào, dù nhỏ, cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến từng gia đình. Tăng giá nói chung, đều sẽ tác động mạnh đến lạm phát - điều tối kỵ trong tình hình hiện nay.

Cũng liên tục cả tháng qua, miền Trung oằn mình trong bão lũ, nhiều ngôi trường còn chưa kịp lợp lại mái, nhiều học sinh chưa kịp sắm lại tập vở, nhiều gia đình còn thở dài khi nghĩ về những ngày tới thì tăng học phí sẽ làm khó khăn chồng chất thêm lên vai người nghèo.

Kiến nghị tạm hoãn tăng học phí đã đưa ra kịp lúc, cho thấy sự cầu thị và chia sẻ khó khăn với phụ huynh. Nhưng đây cũng chỉ là hoãn tăng chứ không phải là không tăng. Phụ huynh có thể tạm nhẹ lòng và phải chuẩn bị tinh thần học phí sẽ tăng trong niên học kế tiếp 2022-2023.

Lý giải cho việc tăng học phí, đại diện Bộ GD-ĐT nêu rõ học phí theo lộ trình sẽ thực hiện theo Luật Giá. Tại Luật Giáo dục 2019 cũng quy định: Học phí là khoản tiền người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ GD-ĐT; Chính phủ quy định cơ chế thu và quản lý học phí. Như vậy, bản chất học phí hiện nay là giá dịch vụ giáo dục và thực hiện theo cơ chế giá do Chính phủ hướng dẫn.

Đã là luật thì phải thực hiện. Tính đúng, tính đủ sẽ giảm gánh nặng trợ giá một phần cho giáo dục mà lâu nay chúng ta đã thực hiện. Nhưng nói về giá thì hãy xem giáo dục là mặt hàng hết sức đặc biệt, bởi phụ huynh sẽ không có chuyện muốn mua hay không, trả giá như thế nào, tùy ý lựa chọn người cung cấp, trong khi thu nhập nói chung chưa thể thong thả để thực hiện những toan tính rộng dài cho tương lai con em.

Luật Giáo dục năm 2019 quy định giáo dục tiểu học là bắt buộc, nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và phổ cập giáo dục THCS; học sinh tiểu học trong các trường công lập không phải đóng học phí... Những quy định này đã tạo điều kiện tối đa cho trẻ đến trường và mang lại cơ hội công bằng cho mọi học sinh được tiếp cận giáo dục. Học phí tăng, giảm không chỉ là chuyện mua dịch vụ giáo dục mà nó sẽ tác động đến tương lai của những thế hệ kế tiếp.

Theo PHẠM HỒ (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Bao giờ hết khổ vì SIM rác!?

Bao giờ hết khổ vì SIM rác!?

Những ngày qua, không ít người dùng điện thoại di động lại lo lắng mất thời gian khi nghe tin các nhà mạng sắp triển khai chiến dịch rà soát người đứng tên từ 4 SIM trở lên dành cho thiết bị di động, nhằm đảm bảo SIM được sử dụng đúng người đã đăng ký.
Đoàn tập hợp thanh niên vì dân vì nước

Đoàn tập hợp thanh niên vì dân vì nước

Sắp tới kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26.3.1931 - 26.3.2024), chúng ta đều cảm nhận được lý tưởng và hoạt động của Đoàn suốt 93 năm qua là nhất quán, với một mục đích Đoàn tập hợp thanh niên là vì dân vì nước.
Thú cưng đâu chỉ để cưng!

Thú cưng đâu chỉ để cưng!

Trước cao điểm mùa nắng nóng năm nay, các trung tâm kiểm soát bệnh tật và bệnh viện ghi nhận nhiều ca mắc bệnh dại nhập viện và tử vong do bị chó, mèo, khỉ, chuột, thỏ… cắn, cào. Trong đó, phần lớn là trẻ em.