NÓI THẲNG: Cứu trợ miền Trung sợ nhất điều gì?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sạt lở đất, lũ lụt, và… từ thiện ở miền Trung là từ khóa tìm kiếm nhiều nhất – cả trên báo chính thống và mạng xã hội những ngày qua.

Cũng như lòng yêu nước được khơi dậy mãnh liệt khi đất nước lâm nguy, chiến tranh, giặc giã; lòng trắc ẩn thường được khơi dậy trong thiên tai, bão lũ.

Truyền thống đáng quý của dân ta là đùm bọc nhau khi khó khăn, hoạn nạn. Nhưng buồn thay, lòng tốt đôi khi cũng bị chỉ trích đặt không đúng chỗ, thậm chí bị nghi ngờ và phê phán "làm màu"!

Từ thiện, trước hết xuất phát từ tâm hướng thiện. Hoạt động thiện nguyện có thể là sự đóng góp, trao gửi cho một người hay một nhóm bạn bè cùng chung chí hướng; hoặc tự mình trực tiếp đến những nơi cần hỗ trợ; hoặc qua tổ chức, đoàn thể…

Những ngày qua, trong lúc mưa lũ nhấn chìm nhiều thôn xã; trong lúc chính quyền còn nhiều lo toan chưa kịp trở bộ và đủ lực để ứng phó, thì các đoàn cứu trợ tự phát của dân đã kịp thời cứu đói (và cả cứu sống) cho nhiều nơi, nhiều người.

Hình ảnh những cá nhân, những nhóm thiện nguyện khắp các miền đất nước len lỏi qua các vùng bị lũ, bão; cứu trợ bằng đủ phương tiện và hình thức…không chỉ làm ấm lòng người dân vùng lũ, mà cả những người con xa quê đang ngóng về đồng bào, người thân của mình.

Nhưng sau những ngợi ca; một số "anh hùng bàn phím" bắt đầu nhìn lại và… đánh giá. Họ cho rằng hàng cứu trợ của các cá nhân hay đoàn thiện nguyện không đến được vùng sâu, vùng bị thiệt hại nặng…Có người còn nghi ngờ rằng, thiện nguyện của cá nhân nào đó hoặc nhóm người nào đó chỉ là một cuộc chơi, sự đánh bóng tên tuổi, làm màu...

Bạn đã tự hỏi, nếu là bạn, giữa lúc mưa bão tơi bời, lũ lụt có thể cuốn phăng cả những cây cầu, ngôi nhà thì bạn có dám ngồi lên chiếc thuyền nhỏ bé đi giữa mênh mong nước để làm từ thiện?

Bạn có dám tham gia trò chơi mà cả người thắng lẫn người thua đều có nguy cơ mất mạng?

Cũng không thể trách các cá nhân hay đoàn thiện nguyện tự phát chỉ "chạy vòng ngoài", đại trà mà không làm sâu, làm kỹ. Chuyện công bằng, cho dân cái "cần câu", đầu tư sâu hơn cho cuộc sống người dân sau lũ, trước hết đó là trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể địa phương. Cứu trợ thiện nguyện của nhân dân, ngẫm cho cùng vẫn là được gì tốt nấy. "Một miếng khi đói bằng gói khi no", gói mì tôm, cái bánh, chai nước… đến đúng lúc với người đang đói, rét mà chỉ chậm chút thôi là có thể buông tay, còn quý hơn vạn lần những lời hứa, còn quý hơn ngàn lần hành động của các "anh hùng cào bàn phím" để lên án, trách móc, phán xét người khác!

Ai cũng thấy (và mong) cứu trợ, cứu nạn…cần một lực lượng chuyên nghiệp. Nhưng là một đất nước có đặc thù nhiều thiên tai bão lũ, một sự chuẩn bị chuyên nghiệp cho nhân lực, trang thiết bị chuyên dụng cứu hộ cứu nạn như hiện nay vẫn còn thiếu và yếu. Nên hoạt động thiện nguyện nhân dân vẫn rất cần thiết.

Cũng không phủ nhận, ở ta đang thiếu những tổ chức từ thiện quy củ và tầm hoạt động chiến lược. Nhưng ngay giữa lúc nhà nước vẫn chưa thể bao phủ hết thì trước hết cần ghi nhận những tấm lòng thiện nguyện, tôn trọng truyền thống "lá lành đùm lá rách" của dân tộc.

Ngay cả nếu có luật quản lý hoạt động từ thiện, thì cũng cần lưu ý truyền thống này.

Lòng tốt không đợi quyền, và từ thiện không thể dùng quyền để ép buộc.

Và lòng tốt không bao giờ ngã gục trước những lời đàm tiếu, càng không dung nạp sự táng tận lương tâm.

Bài: MINH HÀ; ảnh: Phước Tuần
(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.