Lại chuyện 'khủng long chui lọt lỗ kim' trong quản lý rừng Lâm Đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chưa hết choáng váng vì làng biệt thự xây trái phép dưới chân núi Voi, bạn đọc Báo Thanh Niên lại phát hoảng vì đại công trường 'xẻ thịt' hàng chục héc ta đất lâm nghiệp cũng ở Lâm Đồng.

Cả một quả đồi bị máy múc và xe ben liên tục đào xới ẢNH: TRÙNG DƯƠNG
Cả một quả đồi bị máy múc và xe ben liên tục đào xới ẢNH: TRÙNG DƯƠNG
Nhiều bạn đọc (BĐ) nhận xét, lần này không phải là “voi” mà đến lượt “khủng long chui lọt lỗ kim”.
Không ai thấy?
Như Thanh Niên đã đưa tin, tại “điểm nóng” tiểu khu 473 thuộc địa phận thôn 1, xã Lộc Tân, H.Bảo Lâm (Lâm Đồng), hàng chục héc ta đất lâm nghiệp đang bị “xẻ thịt”, bị đào múc san phẳng, nhiều quả đồi bị cạo trọc; nhiều ki lô mét đường mở trái phép đâm xuyên nhiều quả đồi rộng lớn... tạo thành cảnh tượng tan hoang. Bạn đọc (BĐ) Văn Minh ngán ngẩm thốt lên “lại là Lâm Đồng” khi nhắc đến làng biệt thự xây trái phép dưới chân núi Voi (TP.Đà Lạt) “bỗng dưng hiện ra” chưa ráo mực thì “bây giờ là cả ngọn đồi bỗng dưng mất đi mà không ai thấy...”. Còn BĐ An Hoang Le Binh nhận xét: “Lần này là khủng long chui lọt lỗ kim luôn rồi vì làm cả con đường lớn, san lấp ầm ầm mà cơ quan quản lý không ai biết thì lạ nhỉ”.
Nhiều BĐ lo lắng liệu có tái diễn cảnh “trên đất lâm nghiệp bất ngờ xuất hiện đường sá hoàn chỉnh rồi rao bán khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng”, rồi khi truy trách nhiệm thì chính quyền địa phương lại than “khổ lắm, lực lượng mỏng, địa bàn rộng, không kiểm soát hết được”.
Băn khoăn này hẳn có lý do khi chính ông Huỳnh Quang Công, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri (H.Bảo Lâm), thừa nhận: “Hơn 1 tháng trước, khi phát hiện vụ việc, đơn vị đã phối hợp với UBND xã Lộc Tân vào kiểm tra, xử lý. UBND xã Lộc Tân cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính”. BĐ Thuan thú nhận mình “cười ra nước mắt” vì cả hàng chục héc ta đất lâm nghiệp bị xâm hại “mà mấy ông ở H.Bảo Lâm lại tỏ ra ngạc nhiên như trên trời rơi xuống”. Còn BĐ Minh Nguyên viết: “Với dấu hiệu ngang nhiên mua bán đất rừng, dù chỉ bằng giấy tay, rồi đưa cơ giới vào san ủi, thì vụ việc phải bị truy tố mới đúng. Nhưng vì sao lại nên nông nỗi hiện nay?”.
Ai sẽ chịu trách nhiệm?
Ông Nguyễn Ngọc Nhi, Chủ tịch UBND H.Bảo Lâm, cho biết: “Sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc, UBND huyện đã lập tức chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý... Quan điểm của địa phương là không có sự bao che và ai sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó”. BĐ Nguyen The Cong nói thẳng: “Chính quyền địa phương để xảy ra vụ việc thì phải chịu trách nhiệm. Sao quản lý địa phương mà không biết? Phải điều tra làm rõ có gì “ngầm” không? Phải xử phạt nghiêm minh, buộc kẻ vi phạm bồi thường san, trồng lại những cánh rừng đã bị phá”. Đồng quan điểm, BĐ Hồng Sơn viết: “Nếu chỉ xử lý, cảnh cáo, rút kinh nghiệm và phạt cho tồn tại thì đừng nói một quả đồi, một ngọn núi mà nhiều quả đồi và nhiều ngọn núi cũng sẽ bị phá và san phẳng”.
Theo nhiều BĐ, việc xử lý hậu quả là đương nhiên, nhưng gốc rễ của tình trạng này phải được chính quyền tìm cho ra, trị cho hết. “Họ san gạt một mảnh đất rừng rộng hàng chục héc ta, chứ đâu phải đào vài nhát cuốc”, BĐ Van Dung Vung ý kiến.

Lại là Lâm Đồng. Cả làng biệt thự bỗng nhiên hiện ra và bây giờ là cả quả đồi mất đi, nhưng không ai thấy...

Văn Minh

Sao kiểm lâm và chính quyền địa phương lại không biết? Tội phá rừng cần xử như tội giết người thì may ra mới cứu được rừng.

Vinh Quang

Phải truy trách nhiệm người đứng đầu địa phương để nạn phá rừng diễn ra ngang nhiên.

Chau Lam Huu

Theo Kim Lan (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cách đây chưa lâu, một chủ thầu xây dựng ở Singapore bị tòa án nước này phạt 25.000 USD vì đã chặt hạ một cây xanh cao 20 m. Một công dân khác chặt 1 cây xoài và 2 cây chôm chôm trong vườn nhà mình cũng bị phạt tổng cộng 6.000 USD.
Dạy bơi trên… giấy

Dạy bơi trên… giấy

Chống đuối nước hiệu quả không chỉ là mệnh lệnh, nhưng phải bằng hành động, trong đó dạy bơi và trang bị các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ là điều rất cần phải làm.