Bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với giáo viên: Loại bỏ giấy phép con gây tiêu cực, lãng phí

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các chứng chỉ tiếng Anh, tin học chỉ mang tính hình thức trong các kỳ thi thăng hạng, tuyển dụng đã tồn tại nhiều năm qua. Đi kèm với đó là bao kỳ thi gian lận, tạo nhiều áp lực, gánh nặng cho giáo viên. Chính vì thế, trước thông tin Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ bỏ các loại “giấy phép con” này trong tháng 12.2020, giáo viên cả nước bày tỏ sự vui mừng, bởi sẽ vơi đi một gánh nặng để chuyên tâm dạy học.

Minh họa của ĐAN
Minh họa của ĐAN



Một loại “giấy phép con” hành giáo viên

Tại buổi tiếp xúc cử tri tại thị xã An Nhơn (Bình Định) sau kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14 diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã thông tin về lộ trình bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên.

Theo đó, trước mong mỏi của cử tri về việc xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, bộ đã làm việc với Bộ Nội vụ để thống nhất việc xóa bỏ những loại chứng chỉ này. Dự kiến, tháng 12.2020 sẽ ban hành quy định cụ thể.

Cũng theo bộ trưởng, việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là mong mỏi từ lâu của giáo viên. Thực tế, trong quá trình đào tạo các thầy cô đã được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học ở những mức độ khác nhau, nên việc tiếp tục phải bồi dưỡng thêm để có chứng chỉ là chưa thiết thực.

“Những nội dung về ngoại ngữ, tin học tới đây sẽ được tính toán để đưa vào chương trình đào tạo giáo viên một cách phù hợp” - Bộ trưởng Nhạ thông tin.

Đây không phải là lần đầu tiên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề cập đến vấn đề này. Tại phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 7.11.2019, Bộ trưởng Nhạ cũng đã nêu quan điểm: “Qua thực tiễn, Bộ GDĐT nhận thấy, đối với giáo viên nói riêng và công chức, viên chức nói chung, quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là không cần thiết. Những yêu cầu này cần lồng ghép trong quá trình bồi dưỡng chức năng nghề nghiệp và cũng đã được Bộ GDĐT quy định trong chuẩn giáo viên”.

Từ nhận thức được việc những chứng chỉ này là thừa thãi, không cần thiết, đến quyết tâm loại bỏ nó, đã cho thấy những nỗ lực thực hiện lời hứa “giảm gánh nặng sổ sách, thủ tục hành chính không cần thiết” cho 1,2 triệu giáo viên của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong suốt nhiệm kỳ của mình. Thời gian qua, Bộ trưởng Nhạ đã thực hiện được nhiều việc giúp giáo viên được “cởi trói”, chuyên tâm vào công tác chuyên môn.

Trong đó, phải kể đến chủ trương giảm hồ sơ sổ sách, thay đổi nội dung các hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi. Tới đây là loại bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn đào tạo và bồi dưỡng.

Giáo viên vui mừng vì được “cởi trói”

Kiến nghị cần loại bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong nâng ngạch, thăng hạng, tuyển dụng công chức, viên chức đã được Báo Lao Động kiên trì thực hiện từ giữa năm 2019. Chúng tôi đã thực hiện nhiều loạt bài, chỉ rõ những góc khuất, gian lận trong các kỳ thi chứng chỉ. Việc yêu cầu một thứ không gắn với chuyên môn, công việc hằng ngày của giáo viên, công chức, viên chức, chỉ có tác dụng “làm đẹp hồ sơ” thì tất yếu xảy ra gian lận. Đặc biệt, quy định về chứng chỉ áp đặt một cách máy móc, cào bằng, khiến đội ngũ công chức, viên chức khổ sở bổ sung hoàn thiện. Những “giấy phép con” đó đã tạo ra những hành vi tiêu cực để “đạt chuẩn” theo yêu cầu. Đồng thời cũng tạo “vùng đất màu mỡ” cho các đối tượng “cò bằng cấp”, “cò chứng chỉ” sống gửi, gây tốn kém, lãng phí cho xã hội.

Chính vì thế, trước thông tin Bộ GDĐT sẽ bỏ chứng chỉ cho giáo viên trong tháng 12.2020, thầy cô trên cả nước đều bày tỏ sự vui mừng. “Tôi đi dạy bao nhiêu năm, cũng từng phải gian lận để có được chứng chỉ ngoại ngữ, để đủ điều kiện thăng hạng. Có trải qua rồi mới thấy chứng chỉ này học xong không có tác dụng gì. Tất nhiên là chỉ đóng tiền học phí đầy đủ là đảm bảo thi đậu. Vì sao giáo viên lại phải làm trái đạo đức nghề nghiệp để lấy những tấm chứng chỉ bằng cách thi gian dối đó? Thiếu gì tiêu chuẩn sát thực để đánh giá trình độ giáo viên. Bây giờ mới bỏ những loại giấy phép con này là quá muộn, nhưng có còn hơn không, để những thế hệ giáo viên sau này không phải khổ sở vì chứng chỉ nữa”- cô H.A.T (giáo viên dạy tiểu học ở Hà Nội) tâm sự.

Những giờ qua, trên nhiều diễn đàn, giáo viên bày tỏ vui mừng vì được “cởi trói”, bớt đi gánh nặng. Thầy cô mong quy định sớm được ban hành, để giáo viên không còn phải nhịn ăn nhịn tiêu, thậm chí là phải vay ngân hàng để lấy tiền đi thi chứng chỉ.


Bộ Nội vụ: Tiến tới bỏ các quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học

Tháng 11.2020, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, khi trả lời các vấn đề liên quan đến quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với viên chức, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, trong thời gian qua, bộ đã xem xét giảm bớt, bỏ nhiều quy định về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong việc thăng hạng, nâng ngạch với công chức, viên chức.

“Về vấn đề tuyển dụng, lần này nghị định Chính phủ đã quy định là đối với những trường hợp khi tốt nghiệp các bằng chuyên môn đã chuẩn về đầu ra ngoại ngữ, tin học theo quy định của Bộ GDĐT. Ví dụ như ngoại ngữ thuộc trình độ bậc 3 thì không cần phải yêu cầu có chứng chỉ ngoại ngữ nữa. Nếu trường đại học đã đào tạo chuẩn rồi là không cần nữa” - Bộ trưởng Bộ Nội vụ thông tin.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, để thực hiện vấn đề này, trong nghị định cũng giao cho các bộ quản lý chuyên ngành về cán bộ, công chức, viên chức sẽ ban hành thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn của ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp của viên chức. Trong đó có quy định về trình độ tin học và ngoại ngữ theo từng vị trí việc làm. Về việc tiến tới bỏ các quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong vấn đề tuyển dụng, nâng ngạch công chức và thăng hạng viên chức, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi các tiêu chí về chuyển ngạch của công chức và hạng viên chức.

Theo đó, sẽ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa, mà chỉ quy định về năng lực sử dụng ngoại ngữ và tin học, thể hiện trong các kỳ thi kiểm tra trên máy vi tính và không yêu cầu phải cung cấp văn bằng, chứng chỉ.

Bích Hà


https://laodong.vn/xa-hoi/bo-chung-chi-tin-hoc-ngoai-ngu-voi-giao-vien-loai-bo-giay-phep-con-gay-tieu-cuc-lang-phi-858257.ldo

 

Theo Đặng Chung (LĐO)


 

Có thể bạn quan tâm

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cách đây chưa lâu, một chủ thầu xây dựng ở Singapore bị tòa án nước này phạt 25.000 USD vì đã chặt hạ một cây xanh cao 20 m. Một công dân khác chặt 1 cây xoài và 2 cây chôm chôm trong vườn nhà mình cũng bị phạt tổng cộng 6.000 USD.
Dạy bơi trên… giấy

Dạy bơi trên… giấy

Chống đuối nước hiệu quả không chỉ là mệnh lệnh, nhưng phải bằng hành động, trong đó dạy bơi và trang bị các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ là điều rất cần phải làm.
Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.