Sử dụng điện thoại trong lớp: Coi chừng học ít chơi nhiều

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Người lớn ngồi trong phòng họp còn nghịch điện thoại, rất mất tập trung, huống chi các em học sinh. Cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp là việc cần cân nhắc.

 

 Từ ngày 1.11.2020, Bộ GDĐT cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp. Ảnh: M.H
Từ ngày 1.11.2020, Bộ GDĐT cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp. Ảnh: M.H


Thông tư 32 của Bộ GDĐT quy định học sinh có thể sử dụng điện thoại di động vì mục đích học tập. Theo quan điểm của Bộ GDĐT, đây là cách ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.

Rất đồng ý. Khai thác các công cụ như iPhone, iPad, máy tính xách tay, máy tính bàn để học, tra cứu, tiếp cận với thông tin, tri thức là cần thiết. Nhưng không gian sử dụng lại là chuyện khác.

Thử hình dung, trong một lớp học có khoảng 40 - 50 học sinh, chỉ một thầy hoặc cô giáo, liệu có thể kiểm soát được tất cả học trò của mình đang làm gì trên chiếc điện thoại hay không?

Chắc chắn là không. Khi thầy giáo cho phép các em sử dụng điện thoại để tra cứu một thông tin, thì không ai chắc những chiếc máy điện thoại đó đều được sử dụng đúng mục đích. Biết đâu có nhiều em gửi tin nhắn, gửi hình ảnh trong lớp, trêu chọc nhau, đó là điều khó tránh khỏi.

Internet có quá nhiều cái để học, nhưng cũng có quá nhiều thứ xấu xa. Nếu cho phép sử dụng điện thoại trong lớp, các em có thể tìm kiếm thông tin phục vụ cho việc học, nhưng cũng có thể chơi Facebook, “chat chít” rất mất thì giờ, mất tập trung. Giữa hai điều tốt xấu này, ai dám đảm bảo cái tốt nhiều hơn. Và ngay cả có một phần xấu khi sử dụng điện thoại trong lớp, thì cũng nên xem lại quy định này.

Có một thực tế mà thầy cô giáo và phụ huynh đều thấy rõ, đó là thế hệ trẻ bị ảnh hưởng tiêu cực từ chiếc điện thoại di động. Có nhiều em suốt ngày cắm mặt vào điện thoại, về nhà cũng không nói chuyện với ba mẹ, mất nhiều thì giờ cho thế giới ảo.

Chính vì lẽ đó, hãy tạo cơ hội cho các em thoát ra khỏi chiếc máy điện thoại di động, đừng cột thêm vào nữa.

Một vấn đề khác cần lưu tâm, đó là không nên để cho học sinh quá lạm dụng Internet. Cái gì cũng dựa vào các công cụ thông minh hỗ trợ, dần dần sẽ hình thành thói quen bị động, lười suy nghĩ, “độc lập suy nghĩ” là điều mà lứa tuổi của các em rất cần rèn luyện.

Cả ngày ôm điện thoại, vào lớp cũng ôm điện thoại nữa thì các em sẽ là những con robot, thân xác ở trên mặt đất nhưng não thì treo trên không gian ảo.

Tạo điều kiện cho học sinh khai thác các công cụ công nghệ để học tập là điều nên làm, nhưng làm như thế nào, có cách gì để kiểm soát được chất lượng của việc sử dụng điện thoại trong học tập hay không?

Nếu nhà trường, thầy cô không có khả năng kiểm soát được việc sử dụng điện thoại trong lớp của học sinh thì không nên áp dụng. Coi chừng học ít chơi nhiều.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/su-dung-dien-thoai-trong-lop-coi-chung-hoc-it-choi-nhieu-837820.ldo

Theo LÊ THANH PHONG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cách đây chưa lâu, một chủ thầu xây dựng ở Singapore bị tòa án nước này phạt 25.000 USD vì đã chặt hạ một cây xanh cao 20 m. Một công dân khác chặt 1 cây xoài và 2 cây chôm chôm trong vườn nhà mình cũng bị phạt tổng cộng 6.000 USD.
Dạy bơi trên… giấy

Dạy bơi trên… giấy

Chống đuối nước hiệu quả không chỉ là mệnh lệnh, nhưng phải bằng hành động, trong đó dạy bơi và trang bị các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ là điều rất cần phải làm.