Phải giám sát lời hứa của Trung Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong 30 năm qua Trung Quốc tích nước nhiều hơn là xả nước để phục vụ lợi ích quốc gia.

Hội nghị Mekong - Lan Thương lần 3 ngày 24-8 diễn ra trong thời điểm các đập thủy điện và hồ trữ nước nhân tạo của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong bị chỉ trích là nguyên nhân gây ra dòng chảy thấp kỷ lục ở Mekong trong 2 năm liên tiếp và tình trạng hạn hán nặng nề ở các quốc gia hạ nguồn.

Báo cáo ngày 7-8 của Ủy hội sông Mekong (MRC) dự báo khô hạn nghiêm trọng sẽ gia tăng cường độ tại các phụ lưu sông Mekong ở khu vực đông bắc Campuchia. Đặc biệt, mực nước tại Biển Hồ ở mức thấp nhất từ năm 1997. Bên cạnh đó, MRC cũng dự báo khô hạn đối với miền trung Lào và đông bắc Thái Lan.

MRC cũng kiến nghị nếu dòng chảy vẫn ở mức thấp, bốn nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam nên yêu cầu Trung Quốc xả thêm nước như năm 2016, đặc biệt là trong mùa khô sắp tới.

Trong đợt hạn hán nghiêm trọng năm 2016, mà ĐBSCL của Việt Nam là "nạn nhân" chính, các chuyên gia phân tích có hai nguyên nhân chính gây ra hạn hán. Đầu tiên là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Hai là lượng nước đổ về ĐBSCL từ sông Mekong bị giảm mạnh do hệ thống các đập thủy điện được nhiều quốc gia xây dựng trên dòng chính của con sông.

Tháng 4-2016, Trung Quốc thông báo sẽ xả nước ở đập thủy điện Cảnh Hồng để giúp chống hạn ở hạ lưu sông Mekong. Tuy nhiên, ông La, trạm trưởng trạm thủy văn Cảnh Hồng, xác nhận với phóng viên Tuổi Trẻ rằng lượng nước xả của Trung Quốc chỉ là 2.300m3/s, thấp hơn nhiều so với lượng xả nước từ đập này vào tháng 6-2015 là 3.800m3/s. Hơn 4 năm sau, hơn chục con đập thủy điện của Trung Quốc chắn ngang thượng nguồn sông Mekong tiếp tục bị giới chuyên gia cho là nguyên nhân gây hạn hán. Ấy thế mà giới nghiên cứu Trung Quốc lại cố chứng minh điều ngược lại mới đây khi cho rằng các đập do nước này xây trên sông Mekong đang giúp giảm nhẹ hạn hán thông qua việc trữ nước vào mùa mưa và xả nước vào mùa khô.

Lập luận này ngay lập tức bị giới nghiên cứu quốc tế phản bác. Ông Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu Stimson (Mỹ), chỉ ra rằng hạn hán xảy ra cả vào mùa mưa, và báo cáo khoa học của Trung Quốc đã không đề cập điểm này. Nhà nghiên cứu Sebastian Biba của Đại học Goethe Frankfurt (Đức) cũng cho rằng các đập Trung Quốc làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán.

Mới đây, ngày 17-8, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết 63% lượng nước sông của Việt Nam phụ thuộc vào các nước bên ngoài.

Do đó, để bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia trong bối cảnh phụ thuộc lớn vào các nước bên ngoài là bài toán nan giải. Và sự phối hợp, chia sẻ thông tin minh bạch giữa các quốc gia Mekong là vô cùng quan trọng.

Vì vậy, cần hoan nghênh việc Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cam kết chia sẻ dữ liệu thủy văn thượng nguồn Mekong để giải quyết tốt hơn các vấn đề biến đổi khí hậu cũng như lũ lụt và hạn hán ở hạ nguồn.

Tuy nhiên, theo ông Brian Eyler, trong 30 năm qua Trung Quốc tích nước nhiều hơn là xả nước để phục vụ lợi ích quốc gia.

Do đó, các nước thành viên Mekong cũng như các tổ chức cần phải liên tục giám sát việc Trung Quốc thực thi lời hứa này, nhất là ngày 20-8 vừa qua, Việt Nam phải bị động đối phó khi Trung Quốc xả lũ hồ thủy điện Mã Đồ Sơn khiến mực nước sông Hồng tăng cao nhưng không cung cấp cho nước ta về lưu lượng nước sẽ xả.

Theo QUỲNH TRUNG (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cách đây chưa lâu, một chủ thầu xây dựng ở Singapore bị tòa án nước này phạt 25.000 USD vì đã chặt hạ một cây xanh cao 20 m. Một công dân khác chặt 1 cây xoài và 2 cây chôm chôm trong vườn nhà mình cũng bị phạt tổng cộng 6.000 USD.
Dạy bơi trên… giấy

Dạy bơi trên… giấy

Chống đuối nước hiệu quả không chỉ là mệnh lệnh, nhưng phải bằng hành động, trong đó dạy bơi và trang bị các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ là điều rất cần phải làm.
Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.