Tạo điều kiện để doanh nghiệp "sống khỏe"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu và thực hiện kịch bản phục hồi, phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư có kế hoạch tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp 6 tháng đầu năm.

Tham dự buổi gặp mặt dự kiến có 100 đại biểu là lãnh đạo doanh nghiệp đại diện cho các dự án được nhà đầu tư quan tâm và các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh. Sự kiện này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đối với hoạt động của doanh nghiệp, khi nội dung hội nghị tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình nghiên cứu, triển khai dự án đầu tư, cũng như làm rõ những nội dung liên quan đến công tác hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp.

Bên cạnh công tác hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, các ngành, các cấp luôn tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả. Ảnh: Hà Duy
Bên cạnh công tác hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, các ngành, các cấp luôn tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả. Ảnh: Hà Duy

Những năm qua, cấp ủy và chính quyền các cấp trong tỉnh luôn xem doanh nghiệp là “lực lượng tiên phong trên mặt trận kinh tế”. Vì vậy, bên cạnh công tác hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, các ngành, các cấp luôn tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh đã có 6.373 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 98.990 tỷ đồng. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng số doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm nay vẫn tăng khá cao. Một trong những “thước đo” về sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền đối với doanh nghiệp là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) không ngừng được cải thiện qua các năm. Năm 2019, chỉ số PCI của Gia Lai vươn lên xếp thứ 30 toàn quốc, đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên và tăng 3 bậc so với năm 2018. Không thỏa mãn với những kết quả đạt được, tỉnh đang đặt mục tiêu vào top 20 về chỉ số PCI trong tương lai gần. Mặt khác, UBND tỉnh cũng đang tích cực chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nỗ lực cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Cùng với các cơ chế nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, những năm gần đây, UBND tỉnh cũng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực, nhất là về tiếp cận nguồn vốn, đầu tư hạ tầng và các chính sách ưu đãi về thuế. Đặc biệt, mới đây, UBND tỉnh đã đồng ý điều chỉnh đưa ra khỏi kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với 748 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Mục đích của việc làm này là nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tập trung phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Có thể khẳng định, chưa khi nào doanh nghiệp được tạo điều kiện phát triển như hiện nay. Tuy vậy, với đặc thù là tỉnh miền núi, ngoài khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, tiếp cận vốn, tìm kiếm nhân sự thích hợp, tìm kiếm đối tác kinh doanh và biến động thị trường thì doanh nghiệp ở Gia Lai còn phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Theo đó, do hạn chế về hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics nên chi phí sản xuất cũng như giá thành sản phẩm ở Gia Lai thường cao hơn những nơi khác, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, do chủ yếu ở quy mô nhỏ và vừa nên dễ bị tổn thương dưới tác động của thị trường cũng như năng lực cạnh tranh không cao. 

Tuy chủ trương “trải thảm đỏ” của tỉnh đã phát huy tác dụng trên thực tế, nhưng không ít doanh nghiệp vẫn phải đối diện với những “lực cản” từ các cấp chính quyền và ngành chức năng ở địa phương. Thực tế ấy đòi hỏi cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm tạo điều kiện hơn nữa đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn. Trong một hội nghị gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh: Chúng ta phấn đấu nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh và chỉ số cải cách hành chính không phải để cho đẹp các bản báo cáo mà quan trọng hơn là tạo môi trường thật tốt để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả! Đây là quan điểm rất đúng và phù hợp với chủ trương của Chính phủ. Bởi lẽ, doanh nghiệp có “sống khỏe” thì nguồn thu ngân sách nhà nước mới tăng, người lao động sẽ có việc làm và công tác an sinh xã hội sẽ được quan tâm thực hiện.

 DUY LÊ

 

Có thể bạn quan tâm

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Va chạm giao thông là điều không ai mong muốn song có thể xảy ra với bất kỳ ai trên đường. Tuy nhiên, điều đáng nói là cách ứng xử giữa những người tham gia giao thông với nhau khi xảy ra những tình huống như vậy để không dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.
Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.
“Tôi yêu Tổ quốc tôi”

“Tôi yêu Tổ quốc tôi”

(GLO)- Những ngày tháng 4 lịch sử này, khi cả nước đang hướng đến chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức nhằm nhân lên tình cảm thiêng liêng dành cho Tổ quốc.

Để TP.HCM là nơi đáng sống

Để TP.HCM là nơi đáng sống

Có lẽ không nên ngạc nhiên lắm về thông tin TP.HCM đứng đầu danh sách các địa phương mà người dân cả nước muốn di cư đến, theo Báo cáo 'Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở VN (PAPI): Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân, năm 2023' vừa công bố ngày 2.4.