Những kẻ chống lưng, những "bàn tay dưới gầm bàn"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nếu như có bao che, thông đồng, dìm giá, thậm chí bảo kê từ băng nhóm xã hội đen trong hoạt động đấu giá tài sản thì chắc chắn phải đặt ra câu hỏi: Ai chống lưng? “Bàn tay nào dưới gầm bàn”? Tháng 12.2019, Thái Bình diễn ra cuộc đấu giá lô đất số 9 khu quy hoạch dân cư phường Bồ Xuyên. Trúng đấu giá là một công dân có tên là Đạt. Chỉ ngay sau đó, vợ chồng Dương - Đường “Nhuệ” cùng đàn em đến thẳng Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình để đe doạ Đạt khiến anh buộc phải đồng ý nhượng lại.
Tại Trung tâm dịch vụ đấu giá, Giám đốc Trung tâm là Phạm Văn Hiệp đã có lời nói ra tín hiệu với thuộc cấp để đấu giá viên chuyển người trúng đấu giá lô đất từ anh Đạt sang bà Hạnh (thực chất là chuyển cho Dương - Đường).
4 bị can là Giám đốc, cán bộ Trung tâm đã bị khởi tố. Và trong bản kết luận điều tra mới nhất, Công an tỉnh Thái Bình nhận định 4 bị can này “vì động cơ cá nhân mà cố ý làm trái công vụ để thay đổi kết quả trúng đấu giá” gây thiệt hại cho người dân và ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan nhà nước. Một vụ việc không lớn, ở một tỉnh nhỏ, nhưng đang cho thấy một hiện tượng không ít nghiêm trọng. Ngoặc kép dưới đây là từ xác nhận của Bộ Tư pháp, rằng: “Có hiện tượng bao che, thông đồng, dìm giá, thậm chí có tình trạng bảo kê băng nhóm xã hội đen trong hoạt động đấu giá tài sản”.
Trong báo cáo, xuất hiện hàng loạt những từ ngữ “quân xanh, quân đỏ”, “bảo kê”, đe dọa, cưỡng ép”. Nhưng nói đến băng nhóm xã hội đen, nói đến thông đồng, bảo kê... thì phải đặt ra câu hỏi về những bàn tay chống lưng, những kẻ đứng sau mà rất dễ nhận, chắc chắn phải là những cán bộ, quan chức trong bộ máy nhà nước.
Bởi nếu không có thỏa hiệp, bảo kê, chống lưng, thậm chí thông đồng móc ngoặc để chia chác... xã hội đen làm sao mà tồn tại được.
Hãy lưu ý là vụ Đường Nhuệ, ăn chặn trên cả những xác người hỏa táng, đánh người ngay tại trụ sở công an, và đe dọa, cưỡng đoạt để trúng đấu giá... đã xảy ra từ rất lâu, trong nhiều năm, gây rất nhiều dư luận, nhưng cũng mới chỉ được “phát hiện” gần đây.
“Đất sống” cho xã hội đen không chỉ là những kẻ xấu trong bộ máy mà còn ở chỗ việc định giá khởi điểm tài sản quá bèo bọt,  chênh lệch một trời một vực với giá thị trường.
Có một con số rất kinh khủng: Tài sản đấu giá ở Việt Nam hầu hết là tài sản công, trong đó đấu giá quyền sử dụng đất chiếm hơn 90%... Cho nên, việc ngăn chặn những cú “bắt tay gầm bàn” với xã hội đen, có lẽ, phải bắt đầu từ những cá nhân đã định ra những cái giá bèo bọt công sản nhà nước. 
ĐÀO TUẤN (LĐO)

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/nhung-ke-chong-lung-nhung-ban-tay-duoi-gam-ban-821590.ldo

Có thể bạn quan tâm

Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.