Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Quyết tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là thiết thực tạo động lực cho sự phát triển. Đó là tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương khi tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong nửa đầu năm nay mới đạt 1/3 kế hoạch. Điều đó đòi hỏi sự thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhất của người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương.   
Không ai có thể phủ nhận nỗ lực của Chính phủ trong việc tìm giải pháp giữ cho nền kinh tế đất nước trụ vững trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Cũng không ai không hiểu sự sốt ruột của Thủ tướng Chính phủ trước những khó khăn của người dân khi mất thu nhập vì sản xuất bị đình đốn, sự lo lắng của ông khi tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm đạt thấp, mà một trong những nguyên nhân là do giải ngân các dòng vốn đầu tư đều chậm, thấp so với nhiệm vụ kế hoạch. Trong đó, vốn đầu tư công chỉ mới giải ngân được xấp xỉ 34%.
Điều đáng nói là các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ điểm tên trong danh sách các địa phương chậm giải ngân vốn đầu tư công kèm theo câu hỏi: “Làm gì để miền Trung-Tây Nguyên không trì trệ, tăng trưởng thấp?”, trong khi đây là vùng đất giàu tiềm năng với 9 sân bay, 14 cảng biển, 9 khu kinh tế, nhiều khu công nghiệp, có hạ tầng tốt, nhiều sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh trên thị trường, có bờ biển là sản phẩm du lịch đặc sắc…
Theo cách tính toán của Tổng cục Thống  kê, cứ 1% đầu tư thì sẽ góp phần tăng 0,06% GDP. Vì thế, không đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh đồng nghĩa với không tạo nên giá trị tăng trưởng cho nền kinh tế đất nước.
Không có tiền đầu tư thì đã đành. Đằng này, có tiền rồi, Chính phủ đã phân bổ nguồn vốn khoảng 28 tỷ USD cho cả nước, trong đó, 80% là các địa phương, nhưng đã nửa năm sao mới giải ngân được có 1/3. Nghĩa là 2/3 số vốn cho đầu tư, tức 2/3 cơ hội phát triển cho đất nước đang bị đóng gói trong kho bạc. Đó là điều cần phải suy nghĩ.
Ảnh minh họa: INTERNET
Ảnh minh họa: INTERNET
Một trong những công việc rất quan trọng của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương là tìm nguồn lực cho phát triển, trong đó có việc xin tiền Chính phủ cho các dự án đầu tư công. Nhưng xin có vốn rồi, mà lại không biến những đồng vốn quý giá ấy thành công trình, tạo động lực cho nền kinh tế thì đó là lỗi của người điều hành bộ, ngành, địa phương. 
Có nhiều nguyên nhân được nêu tại các cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ vừa rồi. Đơn cử như do ảnh hưởng của dịch Covid-19, do cơ chế chính sách, do vướng giải phóng mặt bằng… Nhưng có một điều chắc chắn là có nguyên nhân nằm ở câu chuyện sợ trách nhiệm. Đây không phải là lời nhận định chủ quan của ai đó, mà là lời bộc bạch của Chủ tịch UBND một tỉnh ở miền Trung: “Anh em sợ lắm. Không làm thì không sai. Làm thì sẽ có đúng có sai. Mà trong bối cảnh thời gian qua, nhiều cán bộ bị kỷ luật, bị truy tố quá, thành ra anh em sợ!”.
Sợ là có thật. Sợ là đúng. Làm cán bộ lãnh đạo, có quyền lực trong tay, một chữ ký có thể ảnh hưởng đến nhiều người. Nhất là quyết định phê duyệt các dự án đầu tư công có giá trị lớn, nếu không biết “sợ”, e là sẽ khó tránh khỏi sự chủ quan, thậm chí là lạm quyền, nếu không muốn nói là dễ bị các nhóm lợi ích mua chuộc, lung lạc ý chí dẫn đến sai phạm. Chuyện lãnh đạo một số tỉnh bị kỷ luật, bị khai trừ Đảng, bị truy tố thời gian gần đây vì những sai phạm liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công đã cho thấy điều đó. Nhưng “sợ” đến nỗi không dám làm gì thì thà không làm lãnh đạo nữa còn hơn. Làm việc với tỉnh Đồng Nai về tiến độ giải phóng mặt bằng cho dự án Sân bay Long Thành sáng 21-7, Thủ tướng Chính phủ đã thẳng thắn phát biểu: “Ai không làm thì đứng ra một bên cho người khác làm” .
Nếu mọi dự án đầu tư công được tính toán kỹ trước khi trình Chính phủ về mục đích, quy mô, giải pháp thực hiện… Nếu không cố tình “vẽ” dự án to hơn thực tế, xin vốn nhiều hơn nhu cầu thì sợ gì không giải ngân hết vốn. Nếu giám sát, quản lý tốt thì sợ gì bớt xén, tham nhũng trong sử dụng vốn đầu tư công.
“Phải sờ gáy những người làm trực tiếp. Động viên là cần thiết, nhưng phải quy trách nhiệm rõ ràng người đứng đầu”. Thủ tướng đã nói như vậy với hy vọng từ nay đến cuối năm sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc giải ngân vốn đầu tư công, để nguồn lực quốc gia được dùng đúng chỗ, đúng lúc, tạo động lực thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển.
Hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu để không phụ sự kỳ vọng của Thủ tướng! 
ĐÌNH CƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Va chạm giao thông là điều không ai mong muốn song có thể xảy ra với bất kỳ ai trên đường. Tuy nhiên, điều đáng nói là cách ứng xử giữa những người tham gia giao thông với nhau khi xảy ra những tình huống như vậy để không dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.
Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.