Mất việc, cái khó, cái đói tới ngay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thật sự là choáng váng khi có tới 7,8 triệu lao động bị mất việc, gần 31 triệu người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. 31 triệu, có nghĩa là bằng gần một phần ba dân số.

 

Hiền là nhân viên điều hành tour một công ty du lịch trên phố cổ Hà Nội. Từ Tết đến giờ, khách du lịch nước ngoài không vào Việt Nam, chị chính thức mất việc.

Mất việc là mất toàn bộ nguồn thu 10 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi cơm thì vẫn phải ăn. Tiền điện, tiền nước, tiền nọ tiền kia vẫn phải đóng không thiếu đồng nào.

Ở tuổi 40, Hiền chỉ đành trông chờ vào tiền trợ cấp thất nghiệp. Và chờ đợi. Chờ đợi 2 tuần để được nhận kết quả trả hồ sơ xin trợ cấp. Chờ để dịch bệnh thực sự qua đi.

Ở Hà Nội, cao điểm nhất có những ngày cả nghìn người như Hiền nộp hồ sơ tới xin trợ cấp thất nghiệp.

Ở TPHCM, đã có tới hơn 327.000 lao động mất việc. 14.000 DN bị ảnh hưởng COVID-19, 8.400 DN có khả năng dừng hoạt động phải cắt giảm lượng lớn lao động... trong một tình cảnh mà Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội Lê Minh Tấn mô tả là “chưa bao giờ (có số người mất việc) nhiều đến thế”.

Trên cả nước, thị trường lao động tan tác vì dịch bệnh khi Cục việc làm ước tính có tới 31 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực ở các mức độ từ mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập... 57,3% trong đó bị giảm thu nhập, chiếm tỉ trọng lớn nhất.

Những lao động như Hiền phải chờ đến bao giờ?

Câu trả lời là những cái lắc đầu, ngay cả khi ngành Du lịch khởi động lại với thị trường khách du lịch trong nước.

Bởi dẫu đây là khu vực chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất với 72% các DN khốn đốn... nhưng giờ, việc tiếp cận vốn vay ngân hàng, thậm chí ngay từ tiền ký quỹ của mình cũng đang tắc tị.

TPHCM chẳng hạn, DN đang phải đóng ký quỹ ngót 472 tỉ đồng. Chính quyền và các DN đều đang mong muốn ngành Du lịch cho DN được rút khoản ký quỹ này để trang trải cho các hoạt động. Nhưng theo quy định hiện hành: “Trước hết, DN phải làm thủ tục để xin dừng hoạt động, nghĩa là trả giấy phép kinh doanh lữ hành cho cơ quan quản lý. Sau đó, 6 tháng sau, họ mới nhận được tiền ký quỹ. Như vậy, DN phải “chết” mới nhận được tiền”.

Câu chuyện tiền ký quỹ chỉ là rất nhỏ, nhưng đang là một thứ nguồn sống của hơn 1.100 DN du lịch TPHCM. Và họ cần nhiều hơn thế, kể cả những khoản vay để trả lương từ gói 16.000 tỉ đồng chưa giải ngân được xu nào.

Tình trạng thất nghiệp chỉ có thể ngăn chặn khi DN tồn tại. Mà muốn tồn tại thì việc hỗ trợ ít nhất phải bắt đầu từ sự tháo gỡ, sự sẻ chia chứ không thể là đánh đố.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/mat-viec-cai-kho-cai-doi-toi-ngay-817685.ldo

Theo Đào Tuấn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.