115 ngày chữa trị cho phi công người Anh: Hành trình bản lĩnh và nhân ái

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đêm qua, phi công người Anh đã được chữa khỏi Covid-19, rời Việt Nam về Anh quốc, kết thúc một hành trình cam go mang tính sinh tử. 115 ngày kể từ khi được phát hiện nhiễm bệnh, ông đã được trở về nhà khỏe mạnh, bình yên.

Để có được kết cục mỹ mãn như hôm nay, có thể nói viên phi công người Anh và đội ngũ y - bác sĩ Việt Nam ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực sự chung chiến tuyến đối đầu với một trong những dịch bệnh kinh hoàng nhất lịch sử loài người. Một dịch bệnh mà cho đến nay nền y học của thế giới còn hiểu về nó chưa nhiều, chưa tìm ra vắc-xin phòng ngừa và phương án điều trị phổ quát hữu hiệu. Cũng chính căn bệnh này đã cướp đi hàng trăm ngàn sinh mạng và vẫn đang hoành hành khắp thế giới.

 


Từ trong nguy nan bởi dịch bệnh, thế giới xích lại gần hơn, con người xích lại gần hơn, chia sẻ nhiều hơn và sẵn sàng hy sinh vì người khác. Câu chuyện về hành trình chữa bệnh cho viên phi công người Anh tại Việt Nam đã minh chứng sinh động cho sự cưu mang, đùm bọc giữa những người làm nghề y, các nhà quản trị xã hội, cộng đồng người dân trong cả một thời gian dài. 115 ngày tuy rất ngắn so với đời người nhưng với viên phi công người Anh, đây là cả một quãng đường gian nan, chông chênh giữa sự sống và cái chết. Nhiều lần tưởng chừng mọi chuyện đã kết thúc nhưng các y - bác sĩ nỗ lực hết mình để có thể đoạt lại sinh mạng của ông từ tay thần chết.

Những bước chân vững vàng của ông khi rời giường bệnh cũng cho thấy sự thành công và bản lĩnh của đội ngũ y - bác sĩ Việt Nam trước những thách thức y khoa từ dịch bệnh. Cho đến nay, Việt Nam là một trong số ít quốc gia không có người chết vì Covid-19.

Ngay từ tháng 2-2020, Việt Nam đã thành công trong việc điều trị bệnh Covid-19. Phác đồ điều trị đã được công bố để các nước khác tham khảo, trao đổi kinh nghiệm. Trong cuộc gặp gỡ giữa Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (US CDC) vào thời gian này, các quan chức của 2 tổ chức này bày tỏ sự thán phục và muốn học hỏi kinh nghiệm phòng ngừa, điều trị bệnh của Việt Nam.

Đại diện US CDC, ông Mathew Moore mong muốn Việt Nam tiếp tục chia sẻ thông tin, kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh Covid-19 với cộng đồng quốc tế; chia sẻ thông tin về bản đồ gien của virus gây bệnh ở Việt Nam; đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các biện pháp để kiểm soát rủi ro; đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục cộng tác chặt chẽ với các cơ quan hữu quan của Việt Nam trong ứng phó dịch bệnh.

Chữa khỏi bệnh cho một người thực ra cũng không phải là câu chuyện quá lớn lao đối với một nền y học nhưng cứu sống viên phi công người Anh là điển hình cho một câu chuyện lớn hơn, là tinh thần nhân ái, nỗ lực vượt bậc đối với cộng đồng quốc tế. Nó biểu thị thái độ của một quốc gia luôn muốn sẻ chia, của vùng đất đẹp đẽ yên bình, của môi trường thân thiện, an toàn cho bất cứ vị khách nào đến thăm.

Khi viên phi công này đặt chân xuống mảnh đất quê hương Anh quốc cũng là lúc kết thúc một câu chuyện diệu kỳ nhưng đồng thời mở ra một chương mới cho tinh thần quốc tế đại đồng.

Theo Hồ Phi (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cách đây chưa lâu, một chủ thầu xây dựng ở Singapore bị tòa án nước này phạt 25.000 USD vì đã chặt hạ một cây xanh cao 20 m. Một công dân khác chặt 1 cây xoài và 2 cây chôm chôm trong vườn nhà mình cũng bị phạt tổng cộng 6.000 USD.
Dạy bơi trên… giấy

Dạy bơi trên… giấy

Chống đuối nước hiệu quả không chỉ là mệnh lệnh, nhưng phải bằng hành động, trong đó dạy bơi và trang bị các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ là điều rất cần phải làm.