Nghe dân để lựa chọn cán bộ tốt cho Đảng, cho nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lại một lần nữa, chuyện đức, tài của cán bộ lãnh đạo được nêu ra với những yêu cầu, tiêu chuẩn cụ thể. Trong bối cảnh thời gian tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng không còn nhiều, công việc chuẩn bị hết sức khẩn trương, việc đặt ra những tiêu chí cụ thể như vậy sẽ giúp Đảng ta chọn được những cán bộ ưu tú nhất vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các vị trí lãnh đạo chủ chốt của đất nước.

Khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 12. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 12. Ảnh VGP/Nhật Bắc



Trong lời phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 12, khi gợi ý về công tác nhân sự Đại hội nhiệm kỳ XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Ai làm việc có lợi cho nước, cho dân, cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, có uy tín trong dân thì người đó vào Trung ương”. Câu nói vo giữa chừng được người đứng đầu Đảng ta thể hiện một cách rành rọt, khúc chiết với ánh mắt, cử chỉ hết sức chân thành và nhiệt huyết, có sức thuyết phục rất lớn với hàng triệu cán bộ, đảng viên khi chạm đến tâm tư, nguyện vọng của họ trước một vấn đề đặc biệt hệ trọng của Đảng. Bởi lẽ, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền. Không chọn được một đội ngũ lãnh đạo xứng tầm với nhiệm vụ mà đất nước và nhân dân giao phó đồng nghĩa với chấp nhận sự trì trệ, tụt hậu, thậm chí là mất cả sự nghiệp mà chính chúng ta đã không tiếc máu xương, đấu tranh giành được.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, “người vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự khách quan, công tâm, trong sáng, gương mẫu chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Đảng, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của dân tộc lên trên hết, trước hết”. Đó là nguyên tắc cần phải kiên quyết thực hiện. Bởi đã có một thời gian dài, mà nhất là nhiệm kỳ XII này, Đảng ta phải chứng kiến sự “ra đi” của không ít cán bộ lãnh đạo cao cấp là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh… Đó là chưa kể một số lãnh đạo bộ, ngành tuy chưa đến mức phải “ra đi” nhưng tính hiệu quả trong việc điều hành cơ quan, lĩnh vực mình phụ trách chưa cao, chưa được dân hài lòng. 

Đó là bài học đau đớn về công tác nhân sự. Nếu chúng ta làm tốt công tác sàng lọc, giới thiệu từ cấp ủy cơ sở; nếu những đại biểu đi dự đại hội Đảng các cấp có tinh thần trách nhiệm cao, sáng suốt, công tâm trong việc bầu chọn thì có lẽ không có những cán bộ chưa đủ chín được “đẩy” lên Trung ương, được “đưa” vào Bộ Chính trị, được ngồi vào vị trí lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, mà chỉ sau một thời gian ngắn đã lần lượt “rơi rụng” vì tha hóa biến chất, tham nhũng, lạm quyền, phe nhóm, vi phạm nguyên tắc sinh hoạt Đảng, để cơ quan, đơn vị mình phụ trách xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực, mất đoàn kết, mất dân chủ…

Đảng luôn lấy việc giáo dục tư tưởng, chính trị, đề cao tinh thần tự giác, tính tiên phong gương mẫu, trách nhiệm, tinh thần tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên làm mục tiêu xây dựng tổ chức ngày càng trong sạch vững mạnh. Thế nhưng, nhiều cán bộ lãnh đạo chưa thực sự làm được điều này. Chẳng những không nêu được tấm gương sáng mà họ còn để lại tiếng xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng với nhân dân. Điều đó cho thấy, tinh thần trách nhiệm của những cán bộ, cơ quan chuẩn bị nhân sự cho Đảng là hết sức quan trọng, không thể để lọt vào Trung ương những người có biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, tham nhũng, lợi ích nhóm. Chỉ những ai làm việc có lợi cho nước, cho dân, cho sự nghiệp xây dựng, phát triển, bảo vệ Tổ quốc, có uy tín trong dân, thực sự tiêu biểu, gắn bó đoàn kết thành một khối thống nhất thì mới được vào Trung ương như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định.

Muốn vậy, Đảng phải tin dân, dựa vào dân để lựa chọn cán bộ. Chỉ có dân là biết rõ cán bộ nào nhiều nhà đất, biệt thự, biệt phủ, đi xe sang. Điều quan trọng là Đảng cần có cơ chế để người dân được nói, được phản ánh với Đảng. Cơ chế thuận lợi, công khai và tinh thần cầu thị, biết lắng nghe luôn là cách để Đảng gần dân và được nghe dân nói thật. Càng quan liêu, khép kín, chỉ tin vào quy trình và những cánh tay biểu quyết trong phòng lạnh (mà nhiều khi chỉ là hình thức), e rằng, những sai sót về công tác lựa chọn, giới thiệu cán bộ cho Đảng sẽ vẫn còn xảy ra.

Không chỉ lựa chọn cán bộ cho Đảng, Hội nghị Trung ương lần này còn bàn về việc chuẩn bị nhân sự cho Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Nếu không thực sự tin dân, dựa vào dân để lựa chọn người có đủ đức, đủ tài giới thiệu và bầu vào các cơ quan này thì chuyện bãi miễn tư cách đại biểu của người này người kia e rằng vẫn cứ còn tiếp diễn.

 

 ĐÌNH CƯƠNG 



 

Có thể bạn quan tâm

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Va chạm giao thông là điều không ai mong muốn song có thể xảy ra với bất kỳ ai trên đường. Tuy nhiên, điều đáng nói là cách ứng xử giữa những người tham gia giao thông với nhau khi xảy ra những tình huống như vậy để không dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.
Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.
“Tôi yêu Tổ quốc tôi”

“Tôi yêu Tổ quốc tôi”

(GLO)- Những ngày tháng 4 lịch sử này, khi cả nước đang hướng đến chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức nhằm nhân lên tình cảm thiêng liêng dành cho Tổ quốc.