Hãy thương cho trót!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền clip một cô gái xếp hàng nhận gạo tại một cây "ATM gạo" nhưng bị từ chối. Cô gái không tin vào vận rủi đến với mình, xếp hàng đến lần thứ 3 nhưng cô đã thất vọng.

 

Nhiều người hả hê, bởi cô gái đến đây bằng xe máy tay ga, quần áo tươm tất và họ cho rằng cô gái không đáng để được giúp đỡ. Nhưng rất may vẫn có không ít người nhìn thấy sự thất vọng của cô và chia sẻ lòng cảm thông. Tuy đây là trường hợp cá biệt, và thực tế cũng có người lợi dụng lòng tốt của người khác nhưng liệu bấy nhiêu có đủ để ta cứng lòng phán xét ai là người cần được giúp đỡ và ai thì không?.

Số đông người vẫn giữ thói quen cho rằng người khó khăn là phải mặt mày tiều tụy, quần áo chắp vá, có thể là khiếm khuyết về thân thể… Có như thế "mới đáng thương", mới đáng để cho. Ít ai thử hình dung như cô gái trên có thể vừa bước ra từ bệnh viện, có thể vừa mất việc trong đợt dịch đang diễn ra, hay là con cô ấy đang nằm viện, hoặc có thể cô ấy nhận về cho một người hàng xóm không thể nhấc mình ra khỏi giường… Có hàng vạn tình huống để sẻ chia nhưng dễ dàng bị ngăn chặn bởi một thái độ: ngờ vực.

Chúng ta luôn được khuyên từ gia đình và cả nhà trường rằng không được phán xét người khác qua vẻ bề ngoài. Kinh nghiệm cuộc sống cũng dạy chúng ta rằng lời khuyên đó rất chí lý. Không ai biết bi kịch sẽ đến như thế nào và sự khốn khó sẽ mang bộ cánh ra sao, nên chỉ qua một cái nhìn mà có thể từ chối một bàn tay chìa ra là quá nhẫn tâm.

Sự giúp đỡ từ rất lâu không còn mang nghĩa là bố thí nữa rồi. Trong cuộc sống nhiều bất trắc, sự giúp đỡ đã có hàm ý chia sẻ theo cách "hãy nhận đi, bạn khó khăn hơn tôi". Bởi vậy, trong lúc bệnh dịch hoành hành đã có rất nhiều người chung tay lập các "ATM gạo" với lời nhắn: "Nếu bạn khó khăn hãy lấy một phần, còn bạn ổn xin nhường cho người khác". Tình thương có thể bị lợi dụng nhưng nó không ngăn được sự lan tỏa của tinh thần san sẻ trong cộng đồng.

Không khó thấy phong trào "ATM gạo" đã lan rộng khắp cả nước và người khó khăn mạnh dạn đến những nơi này. Trước chiếc máy mọi người bớt áy náy và ít nhiều tránh được sự tổn thương khi không phải đặt sự khốn khó của mình trong mắt người khác. Đây chính là sự tế nhị của sẻ chia và ý nghĩa thực sự của tương trợ. Không ai bày tỏ sự ban phát, không ai bình xét và không ai muốn xuất hiện như là chủ nhân của những món quà.

Trong những ngày này có rất nhiều người mang gạo đến nhưng chỉ mỉm cười không để lại tên. Có nhiều người khác hằng đêm mua thức ăn phát cho người cơ nhỡ ở các gầm cầu. Cũng có nhiều doanh nghiệp đóng góp tiền tỉ cho các quỹ tương trợ nhưng chỉ được biết qua con số của tài khoản… Người trao còn tế nhị, ngại ngần huống gì người nhận.

Bất cứ ai cũng có thể gặp khó khăn phải cần đến sự giúp đỡ, dù đó là một tỉ phú hay một người nhặt rác. Sự sẻ chia luôn hiện diện và nhân rộng. Xuất phát từ lòng tốt, nó trở thành trách nhiệm trong cuộc sống hiện đại khi mà miếng ăn không còn là nỗi ám của số đông người. Từ chối một bàn tay đưa ra thì chính chúng ta mới là kẻ đáng thương.

 

Theo Phạm Hồ (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.