Bẫy và con mồi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những ngày qua, dư luận khá quan tâm đến vụ một cảnh sát giao thông của TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa bị tố gạ tình một cô gái vi phạm. Hiện Công an TP Nha Trang đang điều tra và chính cô gái cũng đã trần tình vụ việc với báo chí.

Theo lời "tố cáo", cảnh sát này gạ gẫm cô gái đi khách sạn, đổi lại, anh ta sẽ đóng thay 600.000 đồng tiền phạt vi phạm. Sau đó, 2 người bị bắt quả tang trong khách sạn và những hình ảnh này đã được tung lên mạng xã hội. Trả lời báo chí về việc này, CSGT nói trên cho rằng chính anh bị gạ gẫm trước, bị gài bẫy. Có người đứng sau giật dây vụ việc để hại anh ta. Dù sao vụ việc cũng đã diễn ra, bẫy hay không thì cũng không thể lảng tránh được những bằng chứng mà cơ quan chức năng đã thu thập.

Cũng liên quan đến tuyên bố bị cài bẫy, cách đây không lâu, một lãnh đạo Huyện ủy Krông Ana (Đắk Lắk) bị phát hiện đi vào nhà nghỉ với một nữ cán bộ. Vị này cho rằng mình bị gài bẫy khi vào nhà nghỉ "giúp đỡ" nữ cán bộ trên khi bà bị... đau bụng. Dù Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk đã vào cuộc làm rõ nhưng vụ việc cũng chỉ dừng ở đó. Cả 2 người được yêu cầu "nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, không tái phạm" và chuyển công tác khác phù hợp hơn. Cho rằng bị cài bẫy nhưng vị cán bộ trên cũng khó chỉ ra được ai là người đặt bẫy. Đường đường chính chính thì chẳng việc gì phải ngại những chiếc bẫy được đặt ra. Còn ngược lại, có khác gì chính mình đặt bẫy bản thân mình.

Tại Bình Định có một vụ án đưa và nhận hối lộ kéo dài 3 năm qua nhưng các cấp tòa vẫn chưa đưa ra được bản án cuối cùng, trong khi bị cáo luôn tuyên bố mình bị cài bẫy. Bị cáo nguyên là cán bộ Cục Thuế tỉnh Bình Định, khi nhận 2 túi đựng tổng cộng 130 triệu đồng của một chủ doanh nghiệp tại quán cà phê thì bị công an bắt. Người này cho rằng không hề biết trong 2 túi trên có tiền, tưởng rằng doanh nghiệp cho 2 túi kẹo nên ông mang về cho cháu (!). Trong khi đó, đại diện doanh nghiệp khai trước tòa: Cán bộ này làm trưởng đoàn thanh tra thuế tại doanh nghiệp. Phát hiện sai phạm, ông ta yêu cầu đưa 130 triệu đồng để bỏ qua mức phạt và truy thu thuế đến 1,4 tỉ đồng. Khi trao tiền thì Công an tỉnh Bình Định bắt quả tang. Ở phiên sơ thẩm, TAND tỉnh Bình Định tuyên phạt cán bộ này 8 năm tù về tội "Nhận hối lộ". Ông kháng cáo, cho rằng mình bị cài bẫy nên trong phiên xử phúc thẩm vào tháng 11- 2019, Tòa án Cấp cao tại Đà Nẵng tuyên hủy bản án sơ thẩm, làm rõ hành vi đưa hối lộ của những người liên quan ở doanh nghiệp và chuyển hồ sơ vụ án cho VKSND tỉnh Bình Định để điều tra bổ sung.

Có bẫy hay không, ai là người đặt và ai là con mồi trong vụ án này quả thật ly kỳ. Nhưng thiết nghĩ, phức tạp thế nào thì vụ án này không thể vượt quá tầm điều tra của một cơ quan công an cấp tỉnh.

Bẫy người thì thiên hình vạn trạng nhưng ngẫm lại, sẽ chẳng có chiếc bẫy nào sập nếu không có kẻ hám mồi.

Theo Hồ Phi (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Dạy bơi trên… giấy

Dạy bơi trên… giấy

Chống đuối nước hiệu quả không chỉ là mệnh lệnh, nhưng phải bằng hành động, trong đó dạy bơi và trang bị các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ là điều rất cần phải làm.
Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).