Cần xử lý nghiêm những người thiếu trách nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chỉ vì một người thiếu ý thức với sự an toàn của bản thân và cộng đồng, khai báo y tế không trung thực mà toàn bộ nỗ lực trong công tác phòng-chống dịch Covid-19 ở nước ta có nguy cơ bị xóa nhòa. Cả nước bị cuốn vào việc chống dịch khi số bệnh nhân dương tính với Covid-19 ngày càng dài thêm và hiện đã lên đến con số 34, càng cho thấy, cần có biện pháp xử lý thật nghiêm khắc với những người thiếu trách nhiệm, che giấu thông tin, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. 
Ảnh internet
Ảnh internet
Tính đến ngày 10-3, toàn thế giới đã có 114.540 người ở 115 quốc gia và vùng lãnh thổ nhiễm Covid-19, trong đó có 4.026 ca tử vong, 64.170 ca bình phục. Như vậy là sau gần 2 tháng chống chọi, dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại mà càng lây lan rộng khắp thế giới, con số thiệt hại về nhân mạng tiếp tục tăng lên.
Đó là nỗi đau đớn, là sự mất mát khó thể đo đếm. Bởi kinh tế suy thoái thì có thể vực lại, dù thời gian ngắn hay dài. Nhưng sự mất mát con người thì không thể lấy gì bù đắp. Bài học rút ra trong công tác phòng-chống dịch Covid-19 là càng che giấu sự thật, dịch bệnh càng khó kiểm soát, thiệt hại sẽ vô cùng nặng nề. Chỉ vì không công khai, minh bạch ngay từ đầu mà Vũ Hán đã trở thành ổ dịch, khiến Trung Quốc và cộng đồng quốc tế phải vất vả vào cuộc để ngăn chặn. Nhưng xem ra, cuộc khủng hoảng này vẫn còn kéo dài và để lại hậu quả hết sức nặng nề. Tính đến nay, riêng ở Trung Quốc đã có trên 80.000 ca nhiễm với hơn 3.000 người tử vong.
Tại Việt Nam, nhờ các đối tượng đi về từ vùng dịch Vũ Hán trung thực khai báo thông tin mà chúng ta đã kiểm soát khá tốt dịch bệnh trong giai đoạn đầu. 16 ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, trong đó có những ca tuổi cao lại có nền bệnh lý nguy hiểm nhưng vẫn được điều trị khỏi và xuất viện. Ngay cả việc cách ly xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) phức tạp thế mà chúng ta cũng đã làm được là nhờ ở sự tự giác, ý thức trách nhiệm với sức khỏe chính mình và cộng đồng của mỗi người dân. Sau 20 ngày, Sơn Lôi không có thêm ca nhiễm mới và đã được xóa cách ly.
Thế nhưng, chỉ vì thiếu trung thực trong khai báo y tế khi nhập cảnh về Việt Nam sau khi đã đi du lịch qua vùng có dịch, một cô gái 26 tuổi ở phường Trúc Bạch (Hà Nội) đã trở thành bệnh nhân Covid-19 thứ 17, khiến cho các ngành từ Trung ương đến các địa phương rất vất vả trong việc kiểm soát dịch bệnh. Dù theo cơ chế lây lan thì việc có người nhiễm bệnh từ nước ngoài về đã được tính toán trong kịch bản, chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Nhưng đáng buồn là ca nhiễm này lại bắt nguồn từ sự vô trách nhiệm của chính bệnh nhân đối với sự an toàn của bản thân, gia đình và cộng đồng trong phòng-chống dịch.
Chỉ sau 4 ngày, Việt Nam đã có thêm 17 ca bệnh mới, hầu hết là những người bị lây nhiễm trên cùng chuyến bay VN0054 với cô gái này. Theo nhận định của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng-chống dịch Covid-19, trong thời gian tới, số ca mắc Covid-19 có thể tiếp tục tăng do hiện nay các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân số 17 chưa được kiểm soát triệt để.
Trong khi dịch bệnh đang gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, từng người dân đang dồn sức để chống dịch, hành động không trung thực, thiếu ý thức trong việc cách ly, khai báo, có tên trong danh sách cách ly tại nhà mà vẫn tự do đi lại nơi công cộng, thậm chí “nhờ” người đi cách ly hộ, không chỉ thiếu trách nhiệm với cộng đồng mà còn coi thường pháp luật, gây nguy hiểm, đe dọa tính mạng của nhiều người khác.
Pháp luật Việt Nam không thiếu những quy định và cả chế tài đối với hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời, không trung thực các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, không chấp hành các biện pháp phòng-chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Người có những hành vi này tùy từng trường hợp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự.
Hơn ai hết, mỗi công dân phải nhận thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc phòng-chống dịch, nghiêm túc chấp hành hướng dẫn của các cơ quan chức năng và quy định của pháp luật về phòng-chống dịch để vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, góp phần hạn chế, đẩy lùi dịch bệnh; đồng thời tránh những hậu quả đáng tiếc về mặt đạo đức và pháp lý.
Chỉ cần một cá nhân hành động thiếu trách nhiệm sẽ đe dọa đến tính mạng của cả cộng đồng. Đó là lời cảnh báo không chỉ của riêng ai!
 Nguyễn Vân

Có thể bạn quan tâm

Bao giờ hết khổ vì SIM rác!?

Bao giờ hết khổ vì SIM rác!?

Những ngày qua, không ít người dùng điện thoại di động lại lo lắng mất thời gian khi nghe tin các nhà mạng sắp triển khai chiến dịch rà soát người đứng tên từ 4 SIM trở lên dành cho thiết bị di động, nhằm đảm bảo SIM được sử dụng đúng người đã đăng ký.
Đoàn tập hợp thanh niên vì dân vì nước

Đoàn tập hợp thanh niên vì dân vì nước

Sắp tới kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26.3.1931 - 26.3.2024), chúng ta đều cảm nhận được lý tưởng và hoạt động của Đoàn suốt 93 năm qua là nhất quán, với một mục đích Đoàn tập hợp thanh niên là vì dân vì nước.
Thú cưng đâu chỉ để cưng!

Thú cưng đâu chỉ để cưng!

Trước cao điểm mùa nắng nóng năm nay, các trung tâm kiểm soát bệnh tật và bệnh viện ghi nhận nhiều ca mắc bệnh dại nhập viện và tử vong do bị chó, mèo, khỉ, chuột, thỏ… cắn, cào. Trong đó, phần lớn là trẻ em.