Sức khỏe người dân, sức khỏe doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dịch bệnh do virus corona gây ra đã làm suy giảm tiêu dùng, chuỗi cung ứng toàn cầu mà Việt Nam đang là một mắt xích.
Trung tâm thương mại vắng tanh trong mùa dịch - Ảnh: DUYÊN PHAN
Chuỗi cung ứng toàn cầu này bị gián đoạn cục bộ, lưu thông hàng hóa, dịch vụ và lao động toàn cầu không còn được như bình thường khiến cho mọi hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư không thể thông suốt và hiệu quả.
Đáng lo ngại là tất cả ảnh hưởng tiêu cực đang tác động tích lũy, liên hoàn, tạo ra "cú đấm hội đồng" giáng lên đầu nhiều doanh nghiệp.
Sức khỏe doanh nghiệp mạnh hay yếu, lâm bệnh hay vượt qua bệnh hoạn phụ thuộc vào hiệu quả phòng bệnh, chẩn đoán đúng bệnh, đưa ra phác đồ điều trị và bốc thuốc đúng liều. Trong cơn dịch, bên cạnh sức khỏe người dân, không thể quên sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp.
Giải pháp trước mắt là phải ưu tiên phòng chống dịch bệnh. Đó cũng là cách bảo vệ niềm tin lâu dài cho môi trường đầu tư kinh doanh. Nhưng cũng phải hết sức bình tĩnh, không nên vội vàng áp dụng biện pháp hành chính cứng nhắc thái quá. Cần tránh tâm lý "sợ trách nhiệm", chọn giải pháp an toàn càng tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế mà hậu quả là doanh nghiệp lãnh đủ. 
Nếu tình hình dịch bệnh ở địa phương chưa đến mức nguy cấp, trong tầm kiểm soát được mà trẻ con cứ ở trong nhà; điểm kinh doanh luôn vắng khách kéo dài thì người dân chưa mắc bệnh, doanh nghiệp đã "chết lâm sàng". Đảm bảo sức khỏe cho doanh nghiệp trong mùa dịch cũng là yêu cầu đảm bảo sức khỏe cho nền kinh tế và đời sống người dân.
Việc đóng cửa biên giới giao thương với Trung Quốc trong hiện tại, trước tình hình dịch bệnh hoành hành là cần thiết. Nhưng phải theo dõi thường xuyên, liên tục tình hình bệnh dịch để ứng phó phù hợp, đặc biệt là thông tin xuất nhập khẩu để chỉ đạo sản xuất, điều hành, phối hợp kịp thời, hiệu quả.
Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa có báo cáo đánh giá sơ bộ về ảnh hưởng của dịch virus corona đối với kinh tế - xã hội năm 2020. Với 2 kịch bản được phác thảo, kể cả khi dịch bệnh được khống chế kịp thời trong quý 1 hay kéo dài đến quý 2, khả năng chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8%/năm cũng khó đạt được. 
Tất nhiên kịch bản chỉ là kịch bản, kết quả phụ thuộc vào "đạo diễn và diễn xuất". Chỉ đạo, điều hành kinh tế, các điều kiện khách quan, chủ quan luôn diễn biến khó lường, nhưng khó khăn và thách thức là to lớn.
Trong nguy luôn có cơ, vấn đề là tìm ra cơ hội. Lâu nay xuất khẩu nông sản, nhập khẩu vật tư nông nghiệp của ta chủ yếu dựa vào Trung Quốc, nay cần có cách tiếp cận mới, tích cực hơn, tận dụng dịch bệnh lần này như một cơ hội để sửa mình. 
Cần phải định hướng lại, hướng tới phát triển bền vững nền nông nghiệp, cần các giải pháp thị trường thay thế cho các sản phẩm xuất nhập khẩu đến và từ Trung Quốc. Theo đó, nâng cấp các chuỗi giá trị nông sản, đảm bảo sức cạnh tranh, đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng nông sản vào các thị trường thay thế cấp cao hơn lâu nay lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Du lịch cũng vậy, nhiều nơi phụ thuộc du khách Trung Quốc, khi dịch corona xảy ra, khách không còn. Đây cũng là cơ hội và là bài toán để ngành du lịch cơ cấu, đa dạng lại nguồn khách.
Đó thật sự là những bài toán mới cần lời giải mới để đảm bảo sức khỏe cho doanh nghiệp trong mùa dịch.
TS Trần Hữu Hiệp (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cách đây chưa lâu, một chủ thầu xây dựng ở Singapore bị tòa án nước này phạt 25.000 USD vì đã chặt hạ một cây xanh cao 20 m. Một công dân khác chặt 1 cây xoài và 2 cây chôm chôm trong vườn nhà mình cũng bị phạt tổng cộng 6.000 USD.
Dạy bơi trên… giấy

Dạy bơi trên… giấy

Chống đuối nước hiệu quả không chỉ là mệnh lệnh, nhưng phải bằng hành động, trong đó dạy bơi và trang bị các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ là điều rất cần phải làm.