Sự kiện-Bình luận: Lơ là, chủ quan sẽ phải trả giá đắt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tính đến sáng 4-2, tỉnh Hồ Bắc-trung tâm dịch viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) của Trung Quốc đã có thêm 64 ca tử vong. Tỉnh này cũng ghi nhận thêm 2.345 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại đây lên 13.522 trường hợp.
Ảnh internet
Ảnh internet
Theo số liệu mới nhất của Bộ Y tế nước ta, đến chiều 4-2, toàn thế giới có 20.622 người mắc bệnh, 427 người đã tử vong (trong đó Trung Quốc là 425 trường hợp, Philippines 1 trường hợp, Hồng Kông 1 trường hợp). Tại Việt Nam, đến chiều 4-2 đã có 10 người nhiễm nCoV. Trong đó có 2 cha con người Trung Quốc (1 người đã được chữa khỏi), 5 công dân Việt Nam trở về từ Vũ Hán (1 người đã khỏi và được xuất viện), 1 công dân Việt Nam là nhân viên lễ tân khách sạn tại ở Khánh Hòa có tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc, 1 công dân Việt Nam có người nhà trở về từ Vũ Hán nhiễm nCoV và 1 công dân Mỹ đến Việt Nam nhưng trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán.
Có thể nói, sau 17 năm kể từ dịch SARS, dịch bệnh nCoV gây ra lần này đang khiến cả thế giới vô cùng lo lắng và nỗ lực tìm cách ứng phó. Điều đáng lo nhất là dịch bệnh nguy hiểm này đến nay chưa có thuốc đặc trị, mà vi rút corona lại dễ dàng tán phát qua đường hô hấp với tốc độ lây lan rất nhanh. Người ủ bệnh gần như không có triệu chứng gì trong những ngày đầu để nhận biết, cách ly. Đó là lý do tại sao chỉ trong thời gian ngắn, dịch đã lây lan ra nhiều quốc gia với gần 20.000 người nhiễm bệnh. 
Là quốc gia láng giềng với Trung Quốc, Việt Nam được dự báo là sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất từ dịch bệnh nguy hiểm này. Thực tế cho thấy, tuy chưa nhiều nhưng số người nhiễm bệnh ở Việt Nam cũng đã tăng dần cùng với thời gian. Vì vậy, chúng ta không thể chủ quan dù ngành Y tế đã khuyến cáo là “không nên hoang mang”.
Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế đã kịp thời ban hành các công văn, công điện, chỉ thị về phòng-chống dịch bệnh nCoV. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp ngày 30-1 đã nhấn mạnh quan điểm “chống dịch như chống giặc”; kiên quyết ngăn chặn dịch bệnh kể cả phải chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe nhân dân; phải chủ động, bình tĩnh, xử lý kiên quyết hơn nữa và phải có phương án, kế hoạch cụ thể để kiểm soát tốt nhất dịch bệnh này theo phương châm “4 tại chỗ”, không để dịch lan rộng.
Những ngày qua, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đều rốt ráo vào cuộc phòng-chống dịch bệnh nCoV. Các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin, cảnh báo, nhắc nhở, hướng dẫn mọi người cách phòng-chống dịch bệnh. Các lễ hội phải tạm dừng tổ chức để hạn chế tập trung đông người; nhiều địa phương đã cho học sinh, sinh viên nghỉ học, đồng thời yêu cầu mọi người đeo khẩu trang nơi công cộng để đề phòng dịch bệnh nguy hiểm này.
Cùng với cả nước, Gia Lai cũng đã huy động toàn lực cho công tác phòng-chống dịch. Chỉ trong vòng 4 ngày (từ ngày 1 đến 4-2), Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã 3 lần chủ trì hội nghị triển khai công tác phòng-chống dịch đến các sở, ngành, chính quyền địa phương trên tinh thần xem “phòng-chống dịch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị”, “chống dịch như chống giặc” bất kể thứ bảy, chủ nhật để đảm bảo an toàn tính mạng người dân theo phương châm “4 tại chỗ”. Các trường học trên địa bàn tỉnh đều đã cho học sinh nghỉ học, người dân được khuyến khích đeo khẩu trang để phòng bệnh. Tỉnh cũng đã triển khai các biện pháp tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, các đường mòn, lối mở ở biên giới nhằm cách ly nguồn lây bệnh qua đường biên; tạm dừng các hoạt động hội họp đông người cho đến khi hết dịch bệnh….
Sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và ngành chức năng là rất cần thiết. Nhưng cần hiểu rằng, việc phòng-chống dịch bệnh nCoV nói riêng và các dịch bệnh nói chung sẽ chỉ có hiệu quả nếu tất cả mọi người đều có nhận thức đúng và tự giác thực hiện các khuyến cáo của cơ quan chức năng. Bằng không, chỉ cần vài học sinh không đeo khẩu trang là cả lớp, cả trường có nguy cơ lây nhiễm bệnh, rồi ngần ấy gia đình học sinh và rất nhiều người mà họ tiếp xúc cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân.
Tự giác thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh không chỉ để giữ gìn sức khỏe, tính mạng cho bản thân mà còn là bảo vệ cuộc sống của tất cả người thân, gia đình và cộng đồng. Với dịch bệnh nCoV lần này, nếu ai đó còn lơ là, chủ quan tất sẽ trả giá đắt bằng chính sinh mạng của mình.
 NGUYỄN VÂN

Có thể bạn quan tâm

Dạy bơi trên… giấy

Dạy bơi trên… giấy

Chống đuối nước hiệu quả không chỉ là mệnh lệnh, nhưng phải bằng hành động, trong đó dạy bơi và trang bị các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ là điều rất cần phải làm.
Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).