Chính sách "đẹp" nhưng...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố dự thảo Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm để xin ý kiến dư luận.



Đáng chú ý là bên cạnh học phí được miễn toàn bộ, mỗi tháng sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ phí sinh hoạt 3,63 triệu đồng, mức này được điều chỉnh từng năm theo tốc độ của chỉ số tăng giá tiêu dùng.

Dự thảo cũng đưa ra quy định chế tài đối với trường hợp không thực hiện cam kết sau khi tốt nghiệp. Cụ thể, sau khi ra trường, nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác trong ngành giáo dục không đủ thời gian theo quy định (tối thiểu gấp 2 lần thời gian đào tạo) thì sẽ phải hoàn trả cho nhà nước khoản kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt.

Những nội dung trong dự thảo nghị định nêu trên nhằm quy định cụ thể hơn điều khoản pháp lý đã có tại điều 85 Luật Giáo dục (sửa đổi) về việc hỗ trợ học phí và chi phí cho học sinh, sinh viên sư phạm...

Tất cả khoản hỗ trợ được luật hóa này là để thực hiện mục đích thu hút người tài theo học ngành sư phạm nhằm đào tạo cho xã hội nhiều thế hệ giáo viên giỏi giang, tâm huyết. Giáo viên có tài và tâm chính là nền tảng cho nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước. Bộ GD-ĐT cũng từng khẳng định có đến 50% học sinh, sinh viên chọn ngành sư phạm là nhờ chính sách miễn học phí.

Nhưng thực tế nhiều năm qua cho thấy chính sách miễn học phí đã không đạt mục đích như kỳ vọng. Điểm chuẩn đầu vào thấp, theo sư phạm bởi hoàn cảnh khó khăn chứ không vì đam mê, lượng cử nhân sư phạm thiếu việc làm (đúng ngành) quá nhiều... là những lý do khiến ngành đào tạo giáo viên lâm vào cảnh chợ chiều. Có năm, học sinh chỉ cần 9 điểm tổ hợp 3 môn cũng vào được cao đẳng sư phạm!

Và vẫn còn đó hơn 50.000 cử nhân sư phạm cả nước đang thiếu chỗ dạy hoặc phải làm trái ngành. Thế mà năm 2019 vừa rồi, ngành GD-ĐT vẫn tăng chỉ tiêu sư phạm, thêm hơn 30% so với năm 2018.

Vậy, vấn đề cốt lõi không nằm ở học phí mà là tuyển dụng, bố trí việc làm. Chỉ tiêu tuyển dụng công chức, viên chức giáo dục các cấp ở đại đa số các địa phương đều rất eo hẹp trong khi cử nhân sư phạm ùn ùn ra trường thì biết làm gì kiếm sống ngoài việc chạy xe ôm công nghệ, tiếp thị, công nhân...

Do đó, việc hỗ trợ học phí và phí sinh hoạt - học tập là rất nhân văn, đồng thời quy định thu lại các khoản hỗ trợ xem qua cũng hợp lý nhưng đối chiếu với thực tiễn thì khiên cưỡng. Cử nhân sư phạm đã "dành hết thanh xuân" cho 3-4 năm đèn sách rồi, hầu hết đều mong có việc làm đúng ngành đã được đào tạo nhưng xin không được việc thì biết làm sao? Lẽ nào vừa ngậm ngùi chạy xe ôm hoặc nai lưng dạy hợp đồng với thu nhập ốm đói chỉ để "trả nợ" thời đi học!

Khi đào tạo và tuyển dụng còn đi theo 2 đường thẳng song song như mấy năm qua thì chính sách miễn học phí và tài trợ phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm không còn mấy ý nghĩa, thậm chí sẽ thất bại.

Theo A.Q (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Va chạm giao thông là điều không ai mong muốn song có thể xảy ra với bất kỳ ai trên đường. Tuy nhiên, điều đáng nói là cách ứng xử giữa những người tham gia giao thông với nhau khi xảy ra những tình huống như vậy để không dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.