Một lễ kỷ niệm đáng nhớ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bây giờ có ai đó hỏi ngày 19, 20, 22-12 là những ngày lễ kỷ niệm gì, có lẽ sẽ không có nhiều người trả lời chính xác, ngoại trừ ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12.
Thời trước 30-4-1975, khi tôi còn trong căn cứ thì chưa có quy định như bây giờ là việc tổ chức kỷ niệm các ngày lễ phải nhằm vào năm chẵn: 5, 10, 15... còn gọi là ngày lễ lớn. Khi ấy, cứ đến ngày lễ là các cơ quan, đơn vị đều tổ chức sinh hoạt tập thể, ôn lại truyền thống, phát động thi đua lập thành tích... Do vậy mà trong mỗi chúng tôi luôn nhớ về những ngày lễ, không phân biệt lớn-nhỏ, lễ trọng, lễ “không trọng”.
Một góc làng Đê Chơ Gang (ảnh internet)
Một góc làng Đê Chơ Gang (ảnh internet)
Ngày 20-12 là ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (năm 1960). Sau Hiệp định Genève 1954, nếu chính quyền gia đình trị Ngô Đình Diệm (cộng với sự can thiệp của chính phủ Mỹ) không trắng trợn phá hoại Hiệp định thì 2 năm sau đó sẽ tiến hành tổng tuyển cử. Nhưng với Luật 10/59, Mỹ-Diệm đã ra sức đàn áp, bắt bớ, tù đày, lê máy chém khắp miền Nam với chính sách “thà giết nhầm hơn bỏ sót”. Những gia đình, người thân, cán bộ cách mạng, rộng hơn là nhân dân miền Nam và cả phong trào cách mạng miền Nam bị chính quyền Ngô Đình Diệm dìm trong bể máu. Trong bối cảnh phong trào cách mạng miền Nam “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng ta đã chủ trương thành lập một mặt trận liên hiệp nhiều thành phần, đảng phái, tôn giáo, tầng lớp... để đối diện, công khai chống lại chính quyền Sài Gòn và sự xâm lược của đế quốc Mỹ. Đó là Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Những năm trước ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mỗi khi đến ngày này, các cơ quan K8 (huyện An Khê) lại tổ chức lễ kỷ niệm rất long trọng. Còn ngày 19-12 cũng là ngày có ý nghĩa lớn lao-ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (năm 1946). 
Trung tuần tháng 12-1970, trong rừng già, sau dãy Hãnh Hót ở phía Đông Nam trung tâm hành chính thị xã An Khê ngày nay, dưới sự chủ trì của các vị lãnh đạo K8, một cuộc mít tinh có băng rôn, khẩu hiệu cổ động, nhằm kỷ niệm các ngày lễ (19, 20, 22-12) được long trọng tổ chức, cũng đầy đủ diễn văn ôn lại truyền thống, phát động lòng căm thù Mỹ-ngụy, thi đua diệt giặc, rèn luyện, học tập, lao động sản xuất trong toàn đơn vị. Trước lễ cả tuần, chúng tôi được nghỉ làm việc, các cán bộ, chiến sĩ phía trước đa số được triệu tập về phía sau, chỉ để lại một số ít người giữ liên lạc với cơ sở bên trong vùng địch tạm chiếm và nội thị An Khê. Các buổi sinh hoạt chi bộ, chi đoàn, nhất là chi đoàn thanh niên của đơn vị chúng tôi gác lại chuyện kiểm điểm, đánh giá, tổng kết, bình bầu, phê bình, tự phê bình. Nội dung sinh hoạt là... tập văn nghệ, làm báo tường, chuẩn bị cho đêm liên hoan và hái hoa dân chủ. Bộ phận hậu cần cũng làm việc tích cực, đánh bắt cá từ suối Đak H'Way để cải thiện bữa ăn, phân công người vào các làng đồng bào Bahnar mua, đổi heo, gà, rau củ quả... Cả một cánh rừng già nơi chúng tôi đứng chân cứ như diễn ra những ngày hội, tiếng nói cười của mọi người như to hơn, vang hơn và... ấm áp nghĩa tình hơn. Chủ đề của những “trò chơi”, như đã nói, không ngoài nội dung giúp cho mọi người cơ hội tìm hiểu về ý nghĩa lịch sử, các mốc thời gian, sự kiện quan trọng của cách mạng từ những ngày kỷ niệm nói trên. Mãi cho tới ngày nay, trong ký ức của lớp chúng tôi thời ấy, bao chuyện cứ hiện về mồn một mỗi khi đến những ngày 19, 20, 22-12.
Tôi nhớ, sau lễ kỷ niệm (về nội dung, tinh thần) năm ấy là một cuộc liên hoan (về vật chất) rất... to. Thủ trưởng Nguyễn Văn Hào và thủ trưởng Nguyễn Văn Thực giao nhiệm vụ cho quản lý Trần Nhị tính toán, cân đối lương thực, thực phẩm, đảm bảo cho bữa liên hoan mà vẫn đủ chu cấp cho nhà bếp những ngày tiếp sau khi đơn vị còn tập trung đông quân số. Chẳng biết quản lý Nhị “tính toán, cân đối” thế nào mà... “vỡ trận”. Sau bữa liên hoan, đơn vị phải rút bớt tiêu chuẩn hàng ngày, nhất là lương thực của cán bộ, chiến sĩ để duy trì bữa ăn cho anh em qua hết mấy ngày nghỉ lễ. Không biết có phải vì thiếu hụt lương thực hay không mà dịp ấy, lẽ ra chúng tôi được nghỉ ngơi, vui chơi cho đến Tết Dương lịch nhưng phải rút ngắn thời gian, tỏa ra phía trước làm nhiệm vụ sớm hơn dự kiến đến cả tuần lễ.  
Sau này tôi mới biết nguyên nhân của “sự cố” nói trên. Theo dự kiến, hôm liên hoan, đơn vị chỉ mời khách là đại diện già làng, cán bộ, du kích của 2 làng Bahnar trong vùng lân cận. Nói là làng, chứ khi ấy, cả Đê Chơ Gang (thuộc K8), người lớn lẫn trẻ nhỏ có vài ba chục người, còn làng Bung (K7-huyện Kông Chro) nhiều hơn chút ít. Có điều, “đã mời làng, là phải đi hết người trong làng chứ”-một anh du kích bảo thế. Anh còn nhấn mạnh: Mấy khi người làng được ăn Tết đoàn kết với bộ đội. Không phát sinh “sự cố” trong buổi liên hoan mới là chuyện lạ. Thủ trưởng Thực-chính trị viên đơn vị chỉ thị cho bộ phận nuôi quân: “Còn gì đem ra hết, đoàn kết quân dân mà!”. Đó cũng là một trong những lần tổ chức lễ kỷ niệm đáng nhớ nhất của chúng tôi!    
ĐOÀN MINH PHỤNG

Có thể bạn quan tâm

Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.
“Tôi yêu Tổ quốc tôi”

“Tôi yêu Tổ quốc tôi”

(GLO)- Những ngày tháng 4 lịch sử này, khi cả nước đang hướng đến chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức nhằm nhân lên tình cảm thiêng liêng dành cho Tổ quốc.