Người có vị trí xã hội, người của công chúng: Cần giữ mình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bên cạnh mặt tích cực, xã hội cũng đang phơi bày nhiều “khuyết tật” rất đáng lo ngại. Có cảm giác lối sống thực dụng, bon chen, tranh thủ, chụp giật ngày càng tràn lan, nhức nhối; ai cũng muốn giành phần hơn, đã hơn rồi còn muốn hơn nữa, đã nhiều rồi còn muốn nhiều nữa; lòng tham, dục vọng vô bờ bến như thùng không đáy.  
Vì cớ gì mà xã hội này nảy nòi ra không ít chuyện bi hài, ô trọc, cứ như là đề tài cho những truyện ngắn, phóng sự để Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng tái thế cợt nhả, chế giễu, đả phá? Vì sao nhiều người lại có thể bất chấp tất cả: đạo đức, pháp luật, danh dự, uy tín... để sống theo bản năng, danh vị hão, lợi ích mười mươi tầm thường?
Nói văn nghệ sĩ là người của công chúng hoàn toàn không sai, bởi tầm phủ sóng, ảnh hưởng của họ đến người mộ điệu lan tỏa rộng lớn. Là người của công chúng nên càng nổi tiếng càng cảm giác như đánh mất “tự do”, do chịu sự quan tâm có khi là thái quá của công chúng. Nhưng để lưu giữ hình ảnh đẹp, sống mãi trong lòng công chúng, họ phải ra sức giữ mình, tránh va vấp, sai lầm làm ảnh hưởng không chỉ đến bản thân. Vậy nhưng giới này cũng gây ra lắm tai tiếng. Gần như truyền thông, báo chí, mạng xã hội không ngày nào là không có chuyện về họ, đại loại như diễn viên, MC A, Z, ăn mặc hở hang, lộ nghi vấn ngoại tình, lộ clip nóng, khoe của khoe giàu, phát ngôn bừa bãi để câu khách, tạo sự chú ý...  
Trường hợp diễn viên Kiều Thanh-Nghệ sĩ Ưu tú hẳn hoi, nghĩa là có quá trình đóng góp, có học hành, giáo dục, rèn luyện, vậy mà mới đây “nổi hứng” hay bị “ma làm” khi đại ngôn: Hãy làm “người thứ ba” như chị, được chồng yêu, con của chồng thương, gia đình chồng quý. Chuyện cứ như đùa! Chiếu theo pháp luật là có tội, xét về đạo lý, văn hóa lại càng bậy hơn. 
Dĩ nhiên, nói đến người có địa vị, có ảnh hưởng xã hội không thể không nhắc đến cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Không khoan nhượng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục, không ít cán bộ thoái hóa biến chất, hư hỏng, sa ngã đã bị phanh phui, xử lý. Đó như là vụ gian lận thi cử; sử dụng xe công làm việc tư; đi xế hộp đắt tiền, ở nhà lầu, biệt thự, giàu lên một cách “đột biến”; hay tiếp dân, nghe dân thỉnh cầu mà thái độ quan liêu, hách dịch, ăn mặc lòe loẹt, đồng hồ tiền tỷ... Cán bộ hàm Thứ trưởng, Bộ trưởng mà vẫn vi phạm quy định, tệ hơn là vi phạm đạo đức lối sống.
Dù ít dù nhiều, dù cao dù thấp, vi phạm của cán bộ, đảng viên đều để lại những hậu quả nhất định. Đã là người cán bộ thì phải thực hiện lời dạy của Bác: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, tức có vị trí, vai trò quan trọng nhất định, mà quan trọng nhất là tôn trọng nhân dân, phục vụ nhân dân. Càng là cán bộ to thì vai trò càng lớn, lời nói, việc làm liên quan đến nhiều người, nhiều tổ chức, các cấp khác nhau nên khi phạm sai lầm, khuyết điểm cũng ảnh hưởng lớn hơn, nghiêm trọng hơn.
Nói về cán bộ, Trung ương đã chỉ ra 3 mối nguy hiện nay dễ dẫn cán bộ các cấp trong hệ thống chính trị đến chỗ vi phạm kỷ luật, đó là tham vọng quyền lực, tham nhũng vật chất và suy thoái đạo đức lối sống. Trúng phải một trong 3 viên đạn “bọc đường” cực kỳ nguy hiểm này thì khó có thể tránh khỏi kỷ luật, lao lý; danh dự, uy tín, nhân phẩm gìn giữ cả đời cũng thành công cốc, tro bụi.
Làm con người bình thường đã khó, làm người có địa vị xã hội, có ảnh hưởng nhất định trong xã hội vì vậy càng khó hơn. Đảng ta chủ trương “đốt lò” với quyết tâm công phá tham nhũng, chấn chỉnh đội ngũ, phục hưng văn hóa cũng vì sự tồn vong của đất nước, của dân tộc, của Đảng. Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định rất rõ trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong lần tiếp xúc cán bộ, nhân dân tại Hà Nội mới đây đã nhấn mạnh: “Không gương mẫu thì làm cán bộ làm gì” là thêm một lần khẳng định tầm quan trọng của công tác cán bộ, trên cơ sở đó yêu cầu: cán bộ phải ra cán bộ, cán bộ phải biết nêu gương, đi đầu trong lời nói, tình cảm, hành động, việc làm.
Con người, việc mắc sai lầm, khuyết điểm cũng là chuyện bình thường, thậm chí sẽ còn mắc nhiều sai lầm, khuyết điểm. Nhưng tuyệt đối tránh sai lầm đánh đổi cả đời người! Vậy phải làm gì để tránh khuyết điểm, sai lầm? Thiết nghĩ, bên cạnh vai trò giáo dục, kiểm tra, giám sát của tổ chức và nhân dân thì sự rèn luyện, gìn giữ của bản thân đóng vai trò quyết định. Tưởng cũng nên tham khảo lời nói của Khổng Tử: “Nhất nhật khắc kỷ phục lễ, thiên hạ quy nhân yên” (Mỗi ngày khép mình làm theo lễ-điều phải, điều đúng-thì thiên hạ thái bình, yên ổn). Lời dạy này đâu phải chỉ dành cho bậc chí nhân quân tử, nó còn sâu sắc vô cùng đối với mỗi người trong xã hội hôm nay!
THẤT SƠN

Có thể bạn quan tâm

Bao giờ hết khổ vì SIM rác!?

Bao giờ hết khổ vì SIM rác!?

Những ngày qua, không ít người dùng điện thoại di động lại lo lắng mất thời gian khi nghe tin các nhà mạng sắp triển khai chiến dịch rà soát người đứng tên từ 4 SIM trở lên dành cho thiết bị di động, nhằm đảm bảo SIM được sử dụng đúng người đã đăng ký.
Đoàn tập hợp thanh niên vì dân vì nước

Đoàn tập hợp thanh niên vì dân vì nước

Sắp tới kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26.3.1931 - 26.3.2024), chúng ta đều cảm nhận được lý tưởng và hoạt động của Đoàn suốt 93 năm qua là nhất quán, với một mục đích Đoàn tập hợp thanh niên là vì dân vì nước.
Thú cưng đâu chỉ để cưng!

Thú cưng đâu chỉ để cưng!

Trước cao điểm mùa nắng nóng năm nay, các trung tâm kiểm soát bệnh tật và bệnh viện ghi nhận nhiều ca mắc bệnh dại nhập viện và tử vong do bị chó, mèo, khỉ, chuột, thỏ… cắn, cào. Trong đó, phần lớn là trẻ em.