"Không sợ thiếu người làm việc"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Đã đấu tranh thì không sợ thiếu người làm việc”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói như vậy tại phiên họp thứ 16 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng-chống tham nhũng mới đây. Câu nói phản ánh thực trạng đáng lo ngại là nạn tham nhũng đang “nuốt chửng” nhiều cán bộ lãnh đạo; đồng thời cũng cho thấy quyết tâm rất cao của Đảng ta trong việc xây dựng một bộ máy lãnh đạo trong sạch, vững mạnh, không tham nhũng, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân.     
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định tinh thần phòng chống tham nhũng không ngừng nghỉ, không chùng xuống. Ảnh: TTXVN.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định tinh thần phòng chống tham nhũng không ngừng nghỉ, không chùng xuống. Ảnh: TTXVN.
 Chẳng những “không sợ thiếu người làm việc” mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng còn khẳng định: “Tôi tin là vì nước, vì dân, vì Đảng, sẽ có nhiều người nhiệt tình làm việc”. Sở dĩ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phải nói đi nói lại ý này trong cuộc họp về công tác phòng-chống tham nhũng là bởi vì dư luận từng bất bình với lối suy nghĩ “kỷ luật cả thì lấy ai làm việc”! Dù là một câu nói lỡ lời trong một hoàn cảnh cụ thể thì phát ngôn bên lề của một vị lãnh đạo cấp cao từ khóa trước khi đề cập đến chuyện kỷ luật cán bộ cũng nói lên một thực tế là “tình trạng tham nhũng ở ta đã đến mức báo động”.
Thực tế sau 3 năm Đảng ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng đã chứng minh điều đó. Hơn 70 cán bộ lãnh đạo thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật Đảng và xử lý hình sự; hàng chục ngàn tỷ đồng, hàng trăm héc ta đất được kiến nghị thu hồi, xử lý; gần 700 tập thể và nhiều cá nhân bị kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính; gần 50 vụ với hơn 70 đối tượng được chuyển sang cơ quan điều tra, truy tố cùng nhiều con số ấn tượng được đưa ra trong phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng-chống tham nhũng. Riêng trong vòng nửa năm, đã có 7 Thứ trưởng, nguyên Thứ trưởng và 1 nguyên Phó Thủ tướng bị kỷ luật.
Không khó để giải thích cho tình trạng này. Bởi thứ nhất, tham nhũng chỉ có thể xảy ra với những người có chức vụ. Chức càng lớn, càng có điều kiện tham nhũng lớn. Nhiều người chủ động lợi dụng chức quyền để vơ vét của cải hoặc là họ bị lôi kéo vào nhóm lợi ích vì không giữ nổi mình trước sự cám dỗ của vật chất. Thứ hai là vì lâu nay, người ta mặc nhiên xem như có một vùng cấm mà những người ngồi trong đó tự cho mình cái quyền đứng trên thiên hạ, đứng trên pháp luật, ngang nhiên làm ẩu, làm sai mà không sợ ai “sờ gáy”. Bởi nếu có chăng, cũng chỉ là rút kinh nghiệm nội bộ, làm gì có chuyện công khai minh bạch, lại càng làm gì có chuyện thông báo trên truyền thông cho dân biết. 
Chỉ đến khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trực tiếp tuyên chiến với nạn tham nhũng, đưa tất cả các loại củi to, củi nhỏ, củi khô, củi tươi vào lò thì bộ mặt thật của nhiều kẻ bề ngoài nói vanh vách chủ trương, đường lối của Đảng, đi đâu cũng nhem nhẻm rao giảng đạo đức, nhưng chuyên thò tay nhận tiền bẩn dưới gầm bàn, buôn tiền vàng, đô la, đất đai, biệt thự, biệt phủ… mới bị bóc mẽ trước bàn dân thiên hạ. Những mối quan hệ chằng chịt lợi dụng quyền lực, lợi dụng kẽ hở của pháp luật, lợi dụng lòng tin của Đảng, của dân để vụ lợi mới bị phơi bày ra ánh sáng. Từ cái biển số xanh gắn trên chiếc ô tô tưởng chỉ để cho oai của Trịnh Xuân Thanh, hàng loạt vụ vi phạm làm thất thoát của Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng trong một doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí mới được phát lộ; hành vi sai trái của hàng chục người, trong đó có cả người là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Bộ trưởng… phải hầu tòa. Từ vụ đánh bạc qua mạng, từ Vũ “nhôm”, Út “trọc”, vụ Mobifone… mọi người mới ngỡ ngàng, hóa ra lâu nay đã có nhiều bàn tay của những cán bộ cấp cao, những Ủy viên Trung ương, Bộ trưởng, Thứ trưởng, tướng lĩnh Quân đội, Công an… cầm tiền tiếp tay cho tội phạm. 
Ngẫm lại, người ta lo xa “kỷ luật cả thì lấy ai làm việc” cũng có lý! Nhưng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Không sợ thiếu người làm việc”. Đất nước không thiếu người tài. Cuộc đời không thiếu người tốt. Trong hàng ngũ lãnh đạo không thiếu những người tận tâm với Đảng, với dân. Vấn đề là người làm công tác cán bộ của Đảng phải soi cho hết, lọc cho sạch ra khỏi bộ máy những con sâu, con mọt phá Đảng, phản dân hại nước, tham lam, nhũng nhiễu; phải kiên quyết không để lọt vào bộ máy những kẻ cơ hội chính trị, tham nhũng. 
Chuẩn bị cho Đại hội Đảng khóa mới là dịp để thanh lọc đội ngũ, để các cấp ủy Đảng từ địa phương đến Trung ương chứng minh vai trò lãnh đạo của mình, chứng minh phẩm chất “đạo đức”, “văn minh” của đảng viên, tổ chức Đảng trước dân. Trong đó, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng một cách liên tục, không ngưng nghỉ, không chùng tay, thậm chí quyết liệt hơn là yêu cầu cấp bách, thường xuyên của cách mạng, là đáp lại tình cảm, mong muốn của toàn Đảng, toàn dân.
NGUYỄN VÂN 

Có thể bạn quan tâm

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Va chạm giao thông là điều không ai mong muốn song có thể xảy ra với bất kỳ ai trên đường. Tuy nhiên, điều đáng nói là cách ứng xử giữa những người tham gia giao thông với nhau khi xảy ra những tình huống như vậy để không dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.
“Tôi yêu Tổ quốc tôi”

“Tôi yêu Tổ quốc tôi”

(GLO)- Những ngày tháng 4 lịch sử này, khi cả nước đang hướng đến chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức nhằm nhân lên tình cảm thiêng liêng dành cho Tổ quốc.