Chuyện nhỏ, mất lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc người đạp xích lô "chém" (mà thực chất là cướp) du khách Nhật cuốc xe 2,9 triệu đồng không chỉ gây phẫn nộ cho cộng đồng, ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước, con người VN mà còn khiến công sức xây dựng môi trường du lịch của cả xã hội ảnh hưởng nghiêm trọng.
  Tạm giữ hình sự tài xế xích lô Phạm Văn Dũng 'chặt chém' du khách Nhật 2,9 triệu đồng (ảnh: Pháp luật net)
Tạm giữ hình sự tài xế xích lô Phạm Văn Dũng 'chặt chém' du khách Nhật 2,9 triệu đồng (ảnh: Pháp luật net)
Thế nhưng chuyện này thực chất không có gì mới, nếu điểm lại lúc chỗ này, chỗ khác vẫn xảy ra liên tục. Không phải chỉ du khách nước ngoài mà ngay cả người trong nước cũng thường xuyên bị “chặt chém”, nhất là vào những mùa lễ hội. Chẳng phải chỉ đi xích lô, xe ôm hay taxi mà dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi giải trí... chỗ nào rủi ro chặt chém cũng thường trực. Có những diễn đàn du lịch quốc tế gọi đích danh VN trong những câu chuyện tương tự như một "cẩm nang" đề phòng khi tới đây. Nếu so với những nỗ lực xây dựng hạ tầng cơ sở cho du lịch; so với việc chi hàng tỉ đồng này, triệu "đô" kia để quảng bá điểm đến; so với các giải thưởng quốc tế về cơ sở lưu trú mà VN đạt được, những món ăn trong nước mà thế giới vinh danh...; những chuyện hàng rong chèo kéo, xích lô “chém đẹp”, nhà hàng “bóp cổ” khách là không lớn. Thế nhưng chuyện nhỏ mà hậu quả lớn. Môi trường du lịch thiếu an toàn thì đẹp đến đâu, đi lại thuận tiện đến đâu, ẩm thực hấp dẫn đến đâu cũng khó lòng kéo khách quay lại lần hai. Quan trọng hơn, nếu chuyện nhỏ chúng ta không giải quyết được, chuyện lớn chắc chắn cũng không xong.
Còn nhớ cách đây khoảng 3 tháng tại Diễn đàn nguồn nhân lực du lịch VN năm 2019 tổ chức tại TP.HCM, lãnh đạo một số địa phương, doanh nghiệp cho rằng nhân lực ngành du lịch thiếu và yếu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phân tích hết sức sâu sắc về vấn đề này khi yêu cầu mở rộng nội hàm của "nguồn nhân lực". Theo Thủ tướng, nguồn nhân lực không chỉ ở các công ty du lịch, đó còn là người dân và các cộng đồng, nơi diễn ra các hoạt động du lịch. "Từ những chị bán chè ven đường, những quán gánh, người lái xe taxi đến bộ phận dân cư liên quan khác đều có vai trò quan trọng, cũng là nhân lực cho phát triển du lịch chứ không chỉ có nhân lực trong các trường học", Thủ tướng nói và khẳng định, chính những cộng đồng, người dân sẽ quyết định hệ trọng đến sức hấp dẫn của du lịch VN. "Tại sao chúng ta không tìm cách phát huy nguồn lực quan trọng đó?", Thủ tướng đặt câu hỏi.
Phân tích, gợi ý và câu hỏi của Thủ tướng vẫn là tư tưởng chỉ đạo để xử lý những câu chuyện “chặt chém”, chèo kéo gây mất hình ảnh du lịch VN như nói trên. Nếu chúng ta thiếu tập trung cho việc quản lý, giám sát và đặc biệt là "biến" mỗi người dân, mỗi cộng đồng trở thành nguồn nhân lực phục vụ du lịch thì những chuyện nhỏ nhưng mất lớn sẽ vẫn còn gây bức xúc...
Nguyên Khanh (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Va chạm giao thông là điều không ai mong muốn song có thể xảy ra với bất kỳ ai trên đường. Tuy nhiên, điều đáng nói là cách ứng xử giữa những người tham gia giao thông với nhau khi xảy ra những tình huống như vậy để không dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.
“Tôi yêu Tổ quốc tôi”

“Tôi yêu Tổ quốc tôi”

(GLO)- Những ngày tháng 4 lịch sử này, khi cả nước đang hướng đến chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức nhằm nhân lên tình cảm thiêng liêng dành cho Tổ quốc.