Lan man chuyện học…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Học thạc sĩ, tiến sĩ để làm gì? Đương nhiên là để nắm lấy “chìa khóa” bước vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học, để làm việc tốt hơn, để phục vụ bản thân, gia đình và cao hơn là để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, không hẳn ai cũng nghĩ vậy, làm vậy. Thực tế hiện nay có không ít người đã và đang theo học nhưng vô cùng lúng túng hoặc không trả lời được câu hỏi này.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Người viết bài này có một cậu em là giáo viên THPT ở TP. Pleiku. Cách đây 3 năm, trong một trò chuyện, cậu ấy khoe là mình đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ. Khi tôi hỏi: “Thế công việc có gì khác không?” thì nhận được câu trả lời: “Vẫn giảng dạy bình thường!”. Dù không nói ra nhưng tôi trộm nghĩ: Học thạc sĩ để làm gì trong khi chương trình cử nhân sư phạm đã đảm bảo đủ lượng kiến thức, phương pháp dạy học ở một trường THPT? Chưa dừng lại ở đó, mới đây, cậu ấy lại khoe đang làm nghiên cứu sinh. Lại hỏi để làm gì thì vẫn nhận được câu trả lời như trước: “Vẫn giảng dạy bình thường!”. Lần này, tôi hỏi thêm: “Cậu có công trình nghiên cứu gì không?”. Rất tiếc, câu trả lời là không.
Câu chuyện làm tôi hình dung ra một ông tiến sĩ trong tương lai với công việc hàng ngày vẫn là “gõ đầu trẻ” như bao cử nhân sư phạm khác. Hiệu quả là như vậy nhưng “hậu quả” thì mọi người cũng dễ dàng hình dung: Cậu ấy mất không dưới 7 năm “dùi mài kinh sử” và chi phí gần cả tỷ bạc cho chuyện học nâng cao. Giá như trong khoảng thời gian này, cậu ấy đầu tư nghiên cứu chuyên môn sâu lĩnh vực mình giảng dạy thì có lẽ, hiệu quả sẽ khác!
Cũng như các địa phương khác, hiện nay, phong trào học thạc sĩ, tiến sĩ ở Gia Lai đang “trăm hoa đua nở”. Cứ chiều thứ sáu hàng tuần là cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị lại khăn gói đến Kon Tum, Đak Lak, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Bình Định, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… học thạc sĩ, tiến sĩ. Ai không có điều kiện ra tỉnh ngoài thì có các lớp liên kết đào tạo thạc sĩ trong tỉnh. Ấy là chưa kể không ít sinh viên ra trường chưa có việc làm được gia đình “giải thoát” bằng cách cho học thạc sĩ. Theo một số người có kinh nghiệm về quản lý giáo dục-đào tạo, nếu không có định hướng đúng đắn thì khả năng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở tỉnh ta sẽ “thạc sĩ hóa”. Tất nhiên, trong số đó sẽ có những người tích lũy được kiến thức và trang bị phương pháp nghiên cứu khoa học, nhưng cũng có không ít người chỉ học để mà học, gây tốn kém cho bản thân, gia đình và xã hội (!)
V.I.Lênin đã khẳng định: “Học, học nữa, học mãi”. Sinh thời, Bác Hồ cũng từng dạy: “Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu khó học thì lạc hậu, mà lạc hậu thì bị đào thải, tự mình đào thải mình”. Hiếu học là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Đặc biệt, trong nền kinh tế tri thức hiện nay, nguồn lực con người là vô cùng quan trọng, trí thức là đội ngũ tiên phong trên tất cả các lĩnh vực.
Tuy nhiên, việc đào tạo phải dựa vào nhu cầu thực tiễn. Đặc biệt, công tác đào tạo chuyên sâu phải phục vụ nghiên cứu khoa học và phải dựa trên quy hoạch bài bản, dài hơi. Tương tự, việc học cũng phải mang tính thực dụng theo nghĩa tích cực, học là nhu cầu tự thân và phục vụ đời sống xã hội. Do đó, mỗi cá nhân nên tránh xu hướng chạy theo bằng cấp, học không phục vụ thiết thực cho công việc dẫn đến lãng phí thời gian và tiền bạc.
Thiết nghĩ, các cơ quan, đơn vị khi cử cán bộ, công chức, viên chức đi học nâng cao cần phải dựa trên quy hoạch đào tạo gắn với vị trí việc làm; chú trọng lựa chọn những người thực sự có năng lực học tập, nghiên cứu và áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn công việc; không vì thành tích ảo mà cử những người không đủ năng lực đi học chuyên sâu hoặc cử cán bộ, công chức, viên chức đi học những chuyên ngành ít có tính ứng dụng vào thực tiễn công tác.
Duy Lê

Có thể bạn quan tâm

Một quyết định hợp lý

Một quyết định hợp lý

UBND tỉnh Nghệ An vừa thành lập ban chỉ đạo chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng mở rộng QL1A đã thực hiện cách đây hàng chục năm nhưng người dân bị giải tỏa chưa được bồi thường.
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Bao giờ hết khổ vì SIM rác!?

Bao giờ hết khổ vì SIM rác!?

Những ngày qua, không ít người dùng điện thoại di động lại lo lắng mất thời gian khi nghe tin các nhà mạng sắp triển khai chiến dịch rà soát người đứng tên từ 4 SIM trở lên dành cho thiết bị di động, nhằm đảm bảo SIM được sử dụng đúng người đã đăng ký.
Đoàn tập hợp thanh niên vì dân vì nước

Đoàn tập hợp thanh niên vì dân vì nước

Sắp tới kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26.3.1931 - 26.3.2024), chúng ta đều cảm nhận được lý tưởng và hoạt động của Đoàn suốt 93 năm qua là nhất quán, với một mục đích Đoàn tập hợp thanh niên là vì dân vì nước.