Để nông nghiệp trở thành "mũi nhọn"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chủ trương công nghiệp hóa đất nước hiện nay bao gồm công nghệ hóa nông nghiệp, tức là nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC). Phải hiểu rằng, không có cách mạng công nghệ thì cũng không thể có công nghiệp hóa. Không thể công nghiệp hóa bằng cách nhập những nhà máy với thiết bị công nghệ cũ, lạc hậu và gây ô nhiễm môi trường, như lâu nay Việt Nam vẫn quen làm.
Mô hình trồng măng tây của Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp An Bình (thị xã An Khê). Ảnh: Phạm Ngọc
Mô hình trồng măng tây của Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp An Bình (thị xã An Khê). Ảnh: Phạm Ngọc
Trong nông nghiệp cũng vậy. Chúng ta luôn lấy công làm lời trong lĩnh vực này, luôn lấy số lượng thay chất lượng, xuất khẩu với số lượng lớn nhưng chất lượng thấp, giá rẻ, cuối cùng thu nhập của người sản xuất vẫn rất thấp, dù công bỏ ra thì rất lớn. Tuy nhiên, NNCNC lại có yêu cầu khác hẳn: dùng công nghệ cao để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đưa giá trị sản phẩm lên rất cao, bán ra thị trường cả trong nước và thế giới với sự ổn định cao, xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm và cuối cùng là mang lại lợi ích cao nhất cho người sản xuất, người lao động trực tiếp.
Muốn như thế thì các ngành khác, đặc biệt là Giao thông-Vận tải, công nghiệp hỗ trợ, phải cùng vào cuộc ủng hộ cho NNCNC, khiến giá thành sản phẩm nông nghiệp giảm, trong khi giá trị sản phẩm tăng, phần lợi nhuận khi thực hành NNCNC tăng nhanh chóng. Chỉ như thế mới thu hút được các dòng vốn đầu tư, trong đó có dòng vốn FDI.
Lâm Đồng sở dĩ trở thành địa phương thu hút được đầu tư nhiều nhất cho NNCNC vì tỉnh này có những lợi thế sẵn có để những nhà đầu tư chọn lựa. Và cũng vì những nhà đầu tư đầu tiên vào đây đã thành công lớn, điều đó càng khiến Lâm Đồng có một sức thu hút đặc biệt. Ở đâu cũng vậy, nếu đầu tư thành công, người ta sẽ đổ vốn vào, vậy thôi. Kèm theo đó là những chính sách, những ưu đãi, những thuận lợi về mặt thủ tục là không thể thiếu. Nhưng quan trọng nhất, vẫn là những nhà đầu tư lớn vào cuộc và thành công.
Vậy, làm sao thu hút được những “nhà đầu tư tiên phong” đó?
Đầu tiên là địa phương phải đặt nặng trách nhiệm phát triển NNCNC ở địa phương mình, chân thành mời gọi những nhà đầu tư chân chính-những người thực sự coi NNCNC là lĩnh vực mang lại lợi ích lớn cho mình khi đầu tư, chứ không phải “mượn gió bẻ măng” lấy cớ đầu tư NNCNC để xin cấp đất, rồi phân lô, bán nền kiếm lợi nhanh chóng và tệ hại. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, nông nghiệp chưa phải là điểm đến ưa thích của nguồn vốn FDI. Trên thực tế, dòng vốn này vẫn chỉ tập trung cho khu vực công nghiệp với tỷ trọng lên tới hơn 73%, trong khi nông nghiệp luôn là lĩnh vực ít nhận được đầu tư nhất, với tỷ trọng chỉ dưới 1%.
Cái gì cũng phải bắt đầu từ chính khát vọng của chủ thể. Nếu anh không mặn mà với NNCNC, không thấy được khả năng phát triển bền vững và không thể thay thế của nó thì sẽ không bao giờ có đủ quyết tâm làm NNCNC, vì lĩnh vực này không hề “ăn xổi”, nó đòi hỏi phải kiên trì và kỳ công. Xây dăm bảy cái resort hy vọng kiếm lời ngay thì dễ, nhưng làm những cánh đồng rau quả sạch công nghệ cao thì vừa mất thời gian, vừa tốn công sức, lại vừa phải lo tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhưng đã có những nhà đầu tư trong lĩnh vực này thành công, thậm chí rất thành công, điển hình là tại Lâm Đồng, thì tại sao mô hình này chưa được nhân rộng? Bởi, trồng cây ăn quả cũng phải mất dăm bảy năm, trồng rau sạch muốn bền vững cũng phải đầu tư dăm ba năm, thì những “tư duy ngắn hạn” không thể làm được công việc này.
Một điểm yếu lớn nhất là đa số nông dân làm nông nghiệp của chúng ta trình độ còn thấp, mà NNCNC thì lại đòi hỏi trình độ công nghệ của người sản xuất phải cao mới đáp ứng được yêu cầu công việc. Điều này phải vừa làm vừa học, chủ yếu học trên thực tế đồng ruộng, chứ không chỉ trong sách vở lý thuyết. Để có một đội ngũ “nông dân NNCNC” thì cần phải tính trong một thời gian khá dài, nhưng dứt khoát phải có bằng được, nhất định không để việc này kéo dài tới vô tận.
Để nông nghiệp thực sự thành “mũi nhọn” thì phải bắt tay vào làm NNCNC với tất cả tâm huyết và học thức, chứ không phải bằng những lời nói suông.
Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Va chạm giao thông là điều không ai mong muốn song có thể xảy ra với bất kỳ ai trên đường. Tuy nhiên, điều đáng nói là cách ứng xử giữa những người tham gia giao thông với nhau khi xảy ra những tình huống như vậy để không dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.