Biển Đông "dậy sóng" và trách nhiệm của mỗi công dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gần đây, Trung Quốc triển khai nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Thể hiện lập trường nhất quán, khẳng định chủ quyền quốc gia đối với vùng biển thuộc lãnh thổ của mình là điều cần thiết nhất lúc này. Nhưng xa hơn là một chiến lược toàn diện cho việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển của đất nước. 
Tàu chiến, máy bay của Trung Quốc tập trận trên Biển Đông vào tháng 4.2018. Ảnh: Reuters/VIE
Tàu chiến, máy bay của Trung Quốc tập trận trên Biển Đông vào tháng 4.2018. Ảnh: Reuters/VIE
Thông tin Trung Quốc đưa tàu vào gây hấn ở vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam đã râm ran trên nhiều diễn đàn và mạng xã hội. Đây đó cũng đã có nhiều ý kiến trái chiều chê bai báo chí và cơ quan chức năng của Việt Nam “chậm chân”, “che giấu thông tin”, thậm chí có người còn nặng lời cho rằng Đảng, Nhà nước Việt Nam là “nhút nhát”, là “không quan tâm đến lợi ích quốc gia” khi để chủ quyền trên biển bị xâm phạm… Thế nhưng, có ai biết rằng, đó là thời gian chúng ta đã tận dụng tất cả các kênh khác nhau để tiếp xúc với phía Trung Quốc, “trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ 2 nước và ổn định, hòa bình ở khu vực” như lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã nói.
Không chỉ gây sự trên biển theo kiểu bá quyền nước lớn, Trung Quốc còn lu loa trên các diễn đàn, dùng truyền thông để vu vạ Việt Nam xâm phạm vùng biển của họ, gây hiểu nhầm cho dư luận trong nước và quốc tế, mặc dù khu vực bãi Tư Chính cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) hơn 600 hải lý, tức gấp 3 lần vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Trong khi địa hình thềm lục địa khu vực này cho phép Việt Nam được quyền mở rộng ngoài 200 hải lý đến vị trí mà Ủy ban Ranh giới thềm lục địa khuyến nghị.
Trên thực tế, các báo cáo quốc tế đều khẳng định rằng, khu vực bãi Tư Chính-Vũng Mây hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam (chứ không phải trên thềm lục địa Trường Sa). Vùng biển này đã được xác định bởi Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tháng 5-1977 và được khẳng định trong Luật Biển Việt Nam 2012.
Cực chẳng đã, chúng ta mới phải lên tiếng gọi đích danh, yêu cầu Trung Quốc rút tàu ra khỏi khu vực bãi Tư Chính và chấm dứt các hành động khiêu khích, cản trở hoạt động khai thác kinh tế hợp pháp của Việt Nam.
Những gì họ làm hôm nay, họ đã làm trước đó nhiều lần như kiểu cắt đứt cáp của tàu thăm dò dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển nước ta để thăm dò. Mới đây, họ cũng đã ngăn cản hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia trên thềm lục địa của nước này. Trung Quốc đang rắn lên để khẳng định quyền kiểm soát tuyệt đối “sân sau của mình”, gây sức ép để các nhà thầu nước ngoài rút lui khiến các nước trong khu vực bắt buộc phải chấp nhận sáng kiến gác tranh chấp cùng khai thác của họ.
Sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ liên quan đến biển khiến các nước nhỏ như Việt Nam sẽ luôn ở thế yếu hơn và đi sau bởi thiếu năng lực và nguồn lực để đầu tư nghiên cứu và triển khai các công nghệ hiện đại. Vì vậy, đòi hỏi Chiến lược biển mới của Việt Nam cần thay đổi tư duy, chú trọng vào việc nghiên cứu khoa học công nghệ để không chỉ giúp khai thác tốt nguồn lợi từ kinh tế biển mà còn góp phần bảo vệ môi trường biển và gìn giữ an ninh, chủ quyền quốc gia, để Việt Nam phát triển mạnh từ biển, giàu từ biển.
Biển Đông “nóng” lên là mối quan tâm của tất cả mọi người. Nhưng cần lắm một cái đầu “lạnh” bình tĩnh gìn giữ môi trường hòa bình để phát triển. Bởi một khi chiến tranh xảy ra thì tất cả đều thua! Thể hiện tình yêu nước là điều đáng trân trọng của mỗi công dân. Thế nhưng, nhân danh lòng yêu nước để xuyên tạc đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng, Nhà nước và chiến lược gìn giữ chủ quyền quốc gia là điều không nên. Tuyệt đối tin tưởng vào chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng về quốc phòng là cách thể hiện lòng yêu nước có trách nhiệm. Bởi lẽ, ai cũng phải thừa nhận rằng, gần 9 thập kỷ đồng hành cùng dân tộc, sự tồn vong của dân tộc, sự hưng thịnh của quốc gia luôn là mục tiêu sống còn của Đảng.
 NGUYỄN VÂN

Có thể bạn quan tâm

Một quyết định hợp lý

Một quyết định hợp lý

UBND tỉnh Nghệ An vừa thành lập ban chỉ đạo chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng mở rộng QL1A đã thực hiện cách đây hàng chục năm nhưng người dân bị giải tỏa chưa được bồi thường.
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Bao giờ hết khổ vì SIM rác!?

Bao giờ hết khổ vì SIM rác!?

Những ngày qua, không ít người dùng điện thoại di động lại lo lắng mất thời gian khi nghe tin các nhà mạng sắp triển khai chiến dịch rà soát người đứng tên từ 4 SIM trở lên dành cho thiết bị di động, nhằm đảm bảo SIM được sử dụng đúng người đã đăng ký.
Đoàn tập hợp thanh niên vì dân vì nước

Đoàn tập hợp thanh niên vì dân vì nước

Sắp tới kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26.3.1931 - 26.3.2024), chúng ta đều cảm nhận được lý tưởng và hoạt động của Đoàn suốt 93 năm qua là nhất quán, với một mục đích Đoàn tập hợp thanh niên là vì dân vì nước.
Thú cưng đâu chỉ để cưng!

Thú cưng đâu chỉ để cưng!

Trước cao điểm mùa nắng nóng năm nay, các trung tâm kiểm soát bệnh tật và bệnh viện ghi nhận nhiều ca mắc bệnh dại nhập viện và tử vong do bị chó, mèo, khỉ, chuột, thỏ… cắn, cào. Trong đó, phần lớn là trẻ em.