Biển Đông dậy sóng và trách nhiệm của công dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gần một tháng qua, thông tin về tình hình tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc tiến hành khảo sát địa chất trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam khu vực nhà giàn DK1, trong đó có Bãi Tư Chính- Vũng Mây nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam khiến cho dư luận trong nước và quốc tế hết sức bất bình và lo ngại. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng, nguy hiểm, dễ dẫn đến leo thang ở nấc cao hơn khi Trung Quốc đưa tàu cảnh sát biển trang bị vũ khí hạng nặng vào khiêu khích xung quanh giàn khoan Hakuryu- 5 ở lô 06.01 thuộc dự án Nam Côn Sơn, liên doanh của Việt Nam với đối tác...
Việc làm sai trái này của Trung Quốc bị dư luận trong nước và quốc tế chỉ trích và lên án gay gắt, vì vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, tự do, an ninh hàng hải, an toàn biển Đông, khu vực và thế giới. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối hành động có tính chất “xâm lược” này của Trung Quốc. Giới nghiên cứu trong nước và thế giới cũng đã chỉ ra bản chất trong việc làm này của Trung Quốc với mục đích gì? Và chung quy khẳng định: tất cả đều không xuất phát từ động cơ hợp tác, xây dựng, thân thiện, đúng đắn, nghiêm chỉnh mà nhằm áp đặt một cách thô bạo, ngang ngược, vô lý lên chủ quyền một nước khác, ở đây là Việt Nam.
Một sự nối kết tự nhiên, tình hình biển Đông khiến mỗi người dân Việt đều lắng nghe, tìm hiểu, bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Người viết có may mắn từng tham gia một số chuyến công tác đến vùng biển đảo Tây Nam và Trường Sa thân yêu để thăm, chúc Tết, phản ánh hoạt động của cán bộ, chiến sỹ, nhân dân nơi “đầu sóng ngọn gió”. Những chuyến công tác ấy cho người viết biết biển trời Tổ quốc giàu đẹp, tiềm năng, giá trị to lớn không chỉ từ kinh tế biển đối với đất nước; biết cuộc sống gian nan, vất vả của cán bộ, chiến sỹ, người dân cũng như tình cảm quân dân keo sơn gắn bó như thế nào; biết cùng với thiên tai, nhân tai cũng gây ra không ít nguy hiểm khó lường trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo...Những hiểu biết và trải nghiệm đó vô cùng quý giá với bất kỳ ai một lần đến với biển đảo quê hương để biết như thế nào là chủ quyền đất nước, chủ quyền biển đảo, tất đất thiêng liêng của cha ông, cũng như thêm yếu mến, trân trọng và kính phục những con người ở trung tâm, ở mũi nhọn của cuộc sống, từng giờ, từng ngày bám đảo, bám biển xem “đảo là nhà, biển là quê hương”, chắc tay súng bảo vệ sự bình yên biển đảo và Tổ quốc thân yêu.
Tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc. Ảnh: Báo Đất Việt
Tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc. Ảnh: Báo Đất Việt
Thấy được bản chất việc làm sai trái từ hành động gây hấn của Trung Quốc thông qua hoạt động của tàu Hải Dương Địa chất 8 tiến hành khảo sát địa chất trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là cách nhận diện cần thiết để xác quyết trách nhiệm bản thân mỗi người đối với tình hình biển đảo đất nước hiện nay. Các chính trị gia, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cho rằng, hành động của Trung Quốc thể hiện sự áp đặt nước lớn, nhất quán trong âm mưu nuốt trọn biển Đông thông qua yêu sách đường lưỡi bò 9 đoạn nhằm khống chế và uy hiếp các nước trong khu vực vốn đã có từ lâu đời. Hành động đó nhằm khẳng định và tạo đối trọng nước lớn bên cạnh Mỹ trong việc gây ảnh hưởng đến thế giới. Hành động xảy ra thời điểm này cũng là một cách đối phó của Trung Quốc đối với những khủng hoảng trong nước, tìm cách chuyển sự chú ý của dư luận sang một hướng khác- hướng ra ngoài, ở đây là tranh chấp chủ quyền trên biển Đông. Hay tạo ra “điểm nóng” biển Đông, gây sức ép với các nước khu vực được Mỹ ủng hộ, Trung Quốc gián tiếp phát đi thông điệp và kiếm tìm giải pháp trong cuộc thương chiến với Mỹ vốn chịu nhiều thua thiệt hiện nay,v.v...Và cùng với việc chỉ ra hành động phi lý, các chính trị gia, các nhà nghiên cứu đều khẳng định, sớm muộn gì Trung Quốc cũng sẽ nhận lấy thất bại .
Trực tiếp ảnh hưởng đến đất nước,ở phương diện ngoại giao, Việt Nam luôn kiên định, kiên quyết với lập trường trước sau như một là bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Phát ngôn chính thức cũng như trả lời với báo chí, thông tấn nước ngoài của Bộ Ngoại giao Việt Nam liên tục nêu rõ quan điểm và khẳng định lập trường đó của chúng ta. Tất nhiên, đi liền với lời nói, chúng ta cũng sử dụng đối sách phù hợp, bằng con đường đối thoại ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của thế giới tiến bộ, đặc biệt là cơ sở pháp lý của luật pháp quốc tế. “Hành xử” đó của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là khôn ngoan, phù hợp, không bị kéo theo để rồi mắc bẫy. Với lịch sử và bề dày thành tựu trong công tác đối ngoại, kinh nghiệm ngoại giao, chúng ta luôn chủ động có giải pháp phù hợp trong mọi tình huống để bảo đảm toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ đất nước.
Như vậy là thêm một lần Đảng, Nhà nước đứng trước những vấn đề nảy sinh không mới nhưng nhạy cảm, phức tạp. Suốt 45 năm qua, âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc chưa bao giờ nguôi ngoai. Và chúng ta luôn trung trinh như nhất một lãnh thổ toàn vẹn, thống nhất gồm đất liền, vùng biển, vùng trời. Việc tàu thăm dò Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc tiến hành khảo sát địa chất trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hoàn toàn sai trái. Hơn lúc nào hết, mỗi công dân bày tỏ sự quan ngại tình hình, thể hiện lòng yêu nước, trách nhiệm của công dân là đoàn kết thống nhất, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, có suy nghĩ, lời nói, việc làm đúng đắn, bám sát thông tin định hướng của cơ quan có thẩm quyền, tránh bị kẻ xấu lợi dụng kích động, xuyên tạc làm điều sai trái, vi phạm pháp luật. Đó cũng là cách tự bảo vệ mình, bảo vệ đất nước trước sự chống phá của các thế lực thù địch thông qua sự việc phức tạp mới nảy sinh này.
Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Cần lắm mảng xanh đô thị

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cách đây chưa lâu, một chủ thầu xây dựng ở Singapore bị tòa án nước này phạt 25.000 USD vì đã chặt hạ một cây xanh cao 20 m. Một công dân khác chặt 1 cây xoài và 2 cây chôm chôm trong vườn nhà mình cũng bị phạt tổng cộng 6.000 USD.
Dạy bơi trên… giấy

Dạy bơi trên… giấy

Chống đuối nước hiệu quả không chỉ là mệnh lệnh, nhưng phải bằng hành động, trong đó dạy bơi và trang bị các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ là điều rất cần phải làm.
Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).