"An toàn như hàng xuất khẩu"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là lời kêu gọi của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm. “Chúng ta cần tiếp tục truyền thông mạnh mẽ, nói rõ những hành vi vi phạm an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm. Đã đến lúc cần làm sao để tất cả người dân Việt Nam được tiêu thụ thực phẩm sạch, an toàn như hàng xuất khẩu”-Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Mô hình trồng rau sạch của Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP. Pleiku, Gia Lai). Ảnh: Phạm Ngọc
Mô hình trồng rau sạch của Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP. Pleiku, Gia Lai). Ảnh: Phạm Ngọc
Khi nông sản thực phẩm Việt Nam chưa xuất khẩu mạnh sang các thị trường nước ngoài, nhất là các thị trường khó tính, thì hầu như không có tiêu chí nào để phân biệt thực phẩm sạch, thực phẩm bẩn, thực phẩm an toàn và thực phẩm độc hại. Chính yêu cầu “sạch, an toàn” từ các rào cản kỹ thuật nước ngoài khi xem xét nông sản thực phẩm Việt Nam xuất khẩu đã mang đến cho người Việt một cơ hội để có thể được tiêu thụ những sản phẩm an toàn.
Ngày trước, chuyện “rau 2 luống, lợn 2 chuồng” là tình trạng phổ biến, là “chuyện thường ngày ở nông thôn Việt Nam”, khi người sản xuất chỉ biết để dành sản phẩm sạch cho gia đình mình, còn thì “xả láng” các loại thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc độc hại cho các sản phẩm sẽ bán ra thị trường. Kết quả thì ai cũng đã rõ: ung thư từ các loại thuốc độc chẳng phân biệt ai, vì thuốc độc từ “ruộng rau bán” cũng tràn sang “ruộng rau ăn”, gia súc “nuôi để ăn” vẫn nhiễm hóa chất độc hại từ gia súc “nuôi để bán”. Cách suy nghĩ thiển cận, thiếu lương tâm ấy không chỉ làm hại xã hội, đầu độc cộng đồng mà còn gây hại cho chính người sản xuất.
Bây giờ thì đã có những điều kiện để thay đổi. Các mô hình sản xuất thực phẩm sạch, an toàn trong nước xuất hiện ngày càng nhiều. Yêu cầu đối với thực phẩm xuất khẩu ngày càng cao, kể cả những thị trường “dễ tính” ngày trước như Trung Quốc cũng đã siết chặt việc quản lý và đưa ra hàng loạt yêu cầu trong  hàng rào kỹ thuật. Theo đó, hàng kém chất lượng liên tục bị trả về dẫn đến việc người sản xuất hàng thực phẩm thiếu an toàn, không đủ độ “sạch” giẫm chân trong... thua lỗ!
Chính những điều kiện trên đã là tiền đề cho sự thay đổi trong nhận thức của người sản xuất, không chỉ vì hàng xuất khẩu yêu cầu như vậy, mà vì chính thị trường trong nước, người tiêu dùng trong nước cũng yêu cầu như vậy. Đã xuất hiện ngày một nhiều hơn những hành động tẩy chay những loại thực phẩm “bẩn”, hoặc kém chất lượng. Đã xuất hiện những bài viết trên báo chính thống và mạng xã hội tố cáo đích danh những hãng hóa chất nước ngoài chuyên sản xuất những loại “hóa chất bảo vệ thực vật” độc hại, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, tác hại trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Vụ kiện hãng hóa chất nông nghiệp Monsanto ở Mỹ (thuộc sở hữu Tập đoàn Bayer của Đức) sản xuất thuốc diệt cỏ đã gióng thêm một hồi chuông cảnh báo về mức độ độc hại của thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất Glyphosate này. Monsanto cũng là một trong những nhà cung cấp chính chất độc da cam (agent orange-AO) được Không quân Mỹ sử dụng tại Việt Nam những năm chiến tranh.  Đó chính là chất độc đã gây thảm họa cho bao nhiêu thế hệ người Việt từ cuộc chiến tranh của Mỹ cho tới ngày nay, thứ “thuốc diệt cỏ” bị cả nhân loại lên án là “thuốc độc bảng A”. 100.000 tấn hóa chất “bảo vệ thực vật” được Việt Nam nhập về hàng năm chính là tác nhân rất lớn gây ra “dịch ung thư” lan tràn ngày nay. Phải siết ngay từ các cơ quan cấp phép nhập khẩu, trước khi siết đến các doanh nghiệp nhập khẩu các loại hóa chất độc hại núp dưới tên “thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật” đó. Và phải truy tố trước pháp luật, nghĩa là phải có luật về bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, trước khi nói đến chuyện “tất cả người dân Việt Nam phải được tiêu thụ thực phẩm sạch, an toàn như hàng xuất khẩu”.
Đây cũng chính là cơ hội để mạng xã hội thường xuyên phát hiện và lên tiếng cảnh báo, kêu gọi tẩy chay những loại thực phẩm không an toàn, không sạch, sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật không được kiểm chứng và độc hại.
Cả xã hội phải có ý thức cao, thường trực cảnh giác về việc bảo vệ cho người tiêu dùng khỏi những thực phẩm không an toàn, những thực phẩm bẩn. Sự cảnh giác và lên tiếng kịp thời này là vô cùng cần thiết để môi trường tiêu thụ thực phẩm tại Việt Nam ngày càng an toàn hơn. Nó khác với những lời kêu gọi chung chung, vô thưởng vô phạt.
Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Va chạm giao thông là điều không ai mong muốn song có thể xảy ra với bất kỳ ai trên đường. Tuy nhiên, điều đáng nói là cách ứng xử giữa những người tham gia giao thông với nhau khi xảy ra những tình huống như vậy để không dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.
Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.