Chặt "vòi" nhũng nhiễu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, thời gian qua, tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng đã được quan tâm xử lý. Đặc biệt, nhiều vụ việc nhận hối lộ, tham nhũng liên quan đến cán bộ cao cấp đã bị đưa ra ánh sáng và nhận sự trừng trị nghiêm minh của pháp luật. Nói một cách hình ảnh thì “lò lửa” chống tiêu cực, tham nhũng vẫn đang cháy, nó sẵn sàng biến thành tro những củi khô, củi tươi vì sự trong sạch vững mạnh của chế độ, của đất nước.

Một cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Một cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo. Ảnh: internet


Trên thực tế, tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu vốn có “họ hàng” với nạn hối lộ, tham nhũng. Chưa bao giờ công cuộc phòng-chống nhũng nhiễu, hối lộ, tham nhũng được Đảng và Chính phủ quan tâm chỉ đạo như hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn âm ỉ như căn bệnh đến hồi di căn. Không chỉ cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước, tình trạng nhũng nhiễu để được hối lộ còn xảy ra đối với bộ phận vốn được coi là thanh sạch, liêm khiết như: Thanh tra, Kiểm toán, Công an, Tòa án… thậm chí trong giới báo chí. Vụ việc gây nhũng nhiễu, đòi hối lộ của đoàn thanh tra Bộ Xây dựng tại huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) vừa qua là một hồi chuông cảnh báo về đạo đức công vụ của những người làm công tác bảo vệ pháp luật. Tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, nó làm xói mòn niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào bộ máy công quyền.


Ở Gia Lai, mặc dù chưa có nhiều vụ việc bị lôi ra ánh sáng pháp luật nhưng tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp để được hối lộ, lót tay vẫn xảy ra dưới nhiều hình thức. Dư luận xã hội vẫn xì xào, nghi ngại về việc một số quan chức giàu lên nhanh chóng. Trong khi đó, với đồng lương của một công chức và các nguồn thu nhập khác không thể chứng minh tính hợp pháp của khối tài sản đang sở hữu.


Từ lâu, Đảng và Nhà nước ta coi nhũng nhiễu, tham nhũng là “quốc nạn”, là một trong những nguy cơ trực tiếp ảnh hưởng đến sự tồn vong của đất nước, của chế độ. Tuy nhiên, làm gì để chống nhũng nhiễu, tham nhũng là bài toán vô vùng nan giải. Bởi vậy, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Không dừng lại ở đó, ngày 27-6, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng-chống tham nhũng đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng. Trong Chỉ thị, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của thủ trưởng các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Đây là vấn đề không mới nhưng vô cùng cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Bởi lẽ, chỉ có người đứng đầu mới có thể quán xuyến và chịu trách nhiệm về những vấn đề xảy ra trong cơ quan, đơn vị mình. Đặc biệt, chỉ có người đứng đầu mới có đủ thẩm quyền xử lý cán bộ, công chức, viên chức gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp.


Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, ngày 18-6 vừa qua, UBND tỉnh có Công văn số 1361/UBND-NC về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ. Đặc biệt, tại hội nghị sơ kết công tác phòng-chống tham nhũng 6 tháng đầu năm, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã chỉ đạo: Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tập trung xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm tại cơ quan, đơn vị mình.


Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, “chiếc vòi” nhũng nhiễu trong thi hành công vụ sẽ bị chặt đứt, tình trạng hối lộ, lót tay sẽ được ngăn chặn, niềm tin của người dân vào bộ máy công quyền sẽ được củng cố.


Duy Lê

Có thể bạn quan tâm

Dạy bơi trên… giấy

Dạy bơi trên… giấy

Chống đuối nước hiệu quả không chỉ là mệnh lệnh, nhưng phải bằng hành động, trong đó dạy bơi và trang bị các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ là điều rất cần phải làm.
Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).