Bắt tay vì tương lai nền nông nghiệp hiện đại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỷ lệ nguồn nhân lực qua đào tạo của ngành nông-lâm-ngư nghiệp sẽ tăng từ 15,5% năm 2010 lên khoảng 50% vào năm 2020. Tuy nhiên, dự báo đến năm 2020, ngành này sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Vì vậy, gắn kết giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp là xu thế tất yếu để đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp trình độ cao đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. 
Từ một nước thiếu đói, nhờ công cuộc đổi mới, Việt Nam đã vươn lên thành một nước có sức sản xuất nông nghiệp đáp ứng đủ lương thực cho 100 triệu dân, xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới. Mà cũng không chỉ gạo, kim ngạch xuất khẩu của ngành nông-lâm-ngư nghiệp chục năm trở lại đây liên tục tăng trưởng với những thành tích đầy ấn tượng, trong đó năm 2018 đạt hơn 40,2 tỷ USD. Sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã xuất đi 185 thị trường trên thế giới và chinh phục được những thị trường rất khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU…
D:\1BG-23-4-2019\Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Gia Lai- Ảnh Lê Nam.jpg
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Lê Nam
Làm nên kỳ tích đó, không gì khác ngoài sự quyết định của yếu tố con người. Dư địa tăng trưởng của ngành Nông nghiệp được nhận định là còn rất lớn. Nhất là khi nước ta đang ở vào thời kỳ dân số vàng, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và các doanh nghiệp ngành Nông nghiệp cũng luôn chủ động thích ứng.
Mỗi năm, nước ta có 1,5-1,6 triệu người bước vào độ tuổi lao động. Tuy nhiên, lực lượng này vẫn chưa tạo nên sức bật mạnh mẽ cho nền kinh tế vì có tới 75% là lao động giản đơn. Ngành Nông nghiệp đang trên đà phát triển mạnh với sự ra đời nhiều doanh nghiệp có tên tuổi trên các lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất rau, hoa quả, cà phê, hồ tiêu, sữa, nuôi trồng và chế biến thủy sản… Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh, thành Đông Nam bộ, Tây Nguyên là những vùng sản xuất và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp chủ yếu của đất nước. Vì vậy, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển lĩnh vực nông nghiệp của khu vực này nói riêng và cả nước nói chung là rất lớn.
Tuy nhiên, dự báo đến năm 2020, tức là chỉ còn 2 năm nữa, ngành nông nghiệp nước ta sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Trong khi đó, việc tuyển sinh vào các trường nông nghiệp những năm qua rất khó khăn. Trên 50 cơ sở giáo dục đại học trong nước mỗi năm đào tạo hàng vạn sinh viên các ngành liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, việc đào tạo nguồn lao động chất lượng cao cho ngành này được cho là còn bị động, tính dự báo còn hạn chế. Các trường hiện chỉ chú trọng đào tạo những gì được coi là thế mạnh của mình mà chưa chú trọng những ngành về công nghệ mới phục vụ cho nền nông nghiệp hiện đại; chương trình đào tạo chưa sát thực tiễn, sản phẩm đào tạo chưa thích nghi, doanh nghiệp phải mất công đào tạo lại. Phương thức tổ chức đào tạo cũng vẫn chủ yếu bó hẹp trong nhà trường, chưa tạo ra được hệ sinh thái đào tạo khiến nhiều sinh viên ra trường còn ngơ ngác như khẳng định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.
Về lý thuyết, khi tận dụng tối đa lợi thế của thời kỳ dân số vàng, chúng ta sẽ huy động được trí tuệ và sức lao động của lực lượng lao động trẻ để làm ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ, tạo nên giá trị tích lũy lớn cho tương lai. Sự phát triển thần kỳ về kinh tế ở một số nước châu Á cho thấy cơ hội “dân số vàng” khi được tận dụng có hiệu quả đã đóng góp khoảng 30% vào tăng trưởng kinh tế của Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Riêng Trung Quốc, 15% tăng trưởng kinh tế trong 20 năm qua là nhờ tận dụng cơ hội này. Vấn đề là chúng ta phải biết cách để “đẻ” ra lực lượng lao động vàng. Cần những cái bắt tay giữa doanh nghiệp với các trường đại học để đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho nền nông nghiệp hiện đại. Không dừng lại ở “cây gì, con gì” mà phải là ứng dụng công nghệ cao để có những sản phẩm nông nghiệp đủ sức cạnh tranh toàn cầu.  
Xây dựng kế hoạch đào tạo sát với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn mới để có mô hình đào tạo nhân lực hiệu quả nhất, giúp các cơ sở sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, chất lượng cao hơn; đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp với các nông trại, trang trại, tạo chuỗi liên thông từ sản xuất, bảo quản, chế biến, thương mại, tiêu thụ… là cách mà các trường đại học có thể đào tạo được một nguồn nhân lực nông-lâm-ngư nghiệp chất lượng, đáp ứng sự mong mỏi “mỗi nhân lực của nền nông nghiệp thời công nghệ phải tạo ra giá trị 100.000 USD một năm” như một doanh nghiệp nông nghiệp đã phát biểu trong một hội thảo gần đây.
 NGUYỄN VÂN

Có thể bạn quan tâm

Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.