Kiên quyết dẹp bỏ "sân sau"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tại hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước được tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại một tình trạng rất đáng lo ngại, đó là nhiều cán bộ có chức có quyền lập “sân trước, sân sau” để chia dự án, vun vén lợi ích cho cá nhân, phe nhóm. Tình trạng này phải kiên quyết dẹp bỏ để đẩy nhanh tiến trình đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Đây không phải là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ sốt ruột về tình trạng “sân trước, sân sau” ở khu vực doanh nghiệp nhà nước. Đầu tháng 2 năm nay, khi trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho ông Nguyễn Hoàng Anh, Thủ tướng nhận định, vẫn còn tình trạng “sân sau”, còn hiện tượng gia đình, bà con thân quen, dòng tộc trong các doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp lập ra các công ty của người nhà, người quen, người cùng cánh hẩu để tham gia làm “quân xanh, quân đỏ” trong các cuộc đấu thầu cung cấp nguyên liệu, vật tư… cho chính doanh nghiệp đó. Thực tế này không nói ra thì ai cũng biết.
Quyết tâm dẹp bỏ tình trạng sân trước, sân sau trong các doanh nghiệp Nhà nước. Ảnh: KT (nguồn VOV)
Quyết tâm dẹp bỏ tình trạng sân trước, sân sau trong các doanh nghiệp Nhà nước. Ảnh: KT (nguồn VOV)
“Đừng tưởng Thủ tướng không biết. Không chỉ có hai, ba cái sân sau, mà có anh có tới mười ba, mười bốn, thậm chí là mười lăm, mười sáu cái sân sau”-người đứng đầu Chính phủ đã nói như vậy trước cộng đồng doanh nghiệp. Ông cũng không quên điểm qua một số “sân sau” mà vì đó đã gây thất thoát lớn vốn, tài sản của Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, bán đất “vàng” với giá như cho không nên buộc phải thu hồi như: Hãng phim truyện Việt Nam, Cảng Quy Nhơn, Bóng đèn Điện Quang… 
Có thể nói, tình trạng “sân sau”, công ty bình phong xuất hiện phổ biến ở nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp. Đi đâu cũng gặp các công ty “sân sau”. Có những “sân sau” được lập ra chỉ với một nhiệm vụ… thắng thầu các dự án đầu tư công để bán lại kiếm lời. Nhiều lãnh đạo tỉnh có doanh nghiệp “sân sau” đặt trụ sở ngay tại chính nhà mình.
“Sân sau” còn là hiện tượng gửi con cháu, người quen vào làm việc tại các doanh nghiệp mà không cần góp vốn khiến doanh nghiệp không thể phát triển được. Tình trạng này kéo dài nhiều năm, qua nhiều vị trí khác nhau, cho đến khi “lộ sáng” thì đã gây thiệt hại vô cùng lớn, như vụ bà Phan Thị Mỹ Thanh-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai trong thời gian giữ cương vị Giám đốc Sở Công thương tỉnh này đã tham gia điều hành công ty “sân sau” do chồng bà là cổ đông sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Quản trị. 
Giống như những cái vòi của con bạch tuộc, “sân trước, sân sau”, rồi sân sau của sân sau, đang làm xuất hiện thêm những biến thể mới phức tạp như “sân liền kề”, “sân hàng xóm”, thậm chí xuất hiện cả “đại lộ”, gây thất thoát lớn vốn, tài sản của Nhà nước khi có sự thông đồng giữa các quan chức có quyền lực với doanh nghiệp. Nhất là khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì những “sân sau” này liên kết với nhau rút ruột đất công, nhà xưởng, biến của công thành... “của ông”, biến lợi ích quốc gia thành bệ đỡ, bệ phóng cho lợi ích cá nhân, phe nhóm của mình. 
Vì sao hiện tượng “sân sau” tại các doanh nghiệp nhà nước đã được bắt đúng bệnh, chỉ rõ nguyên nhân nhưng vẫn tồn tại trong thời gian dài? Đó là do chúng ta vẫn còn thiếu cơ chế. Lỗ hổng lớn nhất hiện nay là vẫn chưa có Luật Cổ phần hóa, dẫn đến thiếu những hành lang pháp lý cần thiết, thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát ở cấp cao nhất. 
Vì vậy, khi công khai nêu tình trạng “sân trước, sân sau”, lợi ích nhóm trong cổ phần hóa trước hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn truyền đi một thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ về quyết tâm chống tiêu cực, tham nhũng, dẹp bỏ những cái bắt tay dưới gầm bàn, bòn rút của công. 
Đó còn là lời cảnh báo doanh nghiệp phải tự tìm phương cách phù hợp, tự làm sạch mình trước, coi việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp là nhiệm vụ vì lợi ích của chính mình. Đồng thời, kêu gọi doanh nghiệp cùng chung sức với Chính phủ tìm giải pháp làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, tuyên chiến với tình trạng “sân sau”, nói không với những “sân sau”, công ty bình phong trong các doanh nghiệp nhà nước. 
Muốn vậy trước hết phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, công khai minh bạch các hoạt động thẩm định tài sản, phân phối cổ phần, đấu thầu công khai, công bằng. Các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Thanh tra Chính phủ phải thanh tra, chỉ rõ những cá nhân, doanh nghiệp nhà nước có tình trạng này để xử lý trên tinh thần kiên quyết, dứt khoát, không né tránh nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế nhà nước phát triển lành mạnh.
Nguyễn Vân

Có thể bạn quan tâm

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Va chạm giao thông là điều không ai mong muốn song có thể xảy ra với bất kỳ ai trên đường. Tuy nhiên, điều đáng nói là cách ứng xử giữa những người tham gia giao thông với nhau khi xảy ra những tình huống như vậy để không dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.
“Tôi yêu Tổ quốc tôi”

“Tôi yêu Tổ quốc tôi”

(GLO)- Những ngày tháng 4 lịch sử này, khi cả nước đang hướng đến chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức nhằm nhân lên tình cảm thiêng liêng dành cho Tổ quốc.