Học để thành nhân và kiến quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành hầu hết chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 6 với nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là tiếp tục hoàn thành vai trò lập pháp với nhiều dự luật quan trọng được đưa ra thảo luận và thông qua, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Những phiên thảo luận sôi nổi, những câu chuyện nghị trường đã trở thành tâm điểm chú ý của hàng triệu cử tri, trong đó có chuyện “vì sao người Việt thích đưa con đi du học”.   
Toàn cảnh bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành hầu hết chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 6 với nhiều nội dung quan trọng. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
 Đất nước đổi mới mở cửa, người Việt ở khắp nơi trên thế giới sau bao năm bôn ba kiếm sống, người thì về nước bỏ vốn kinh doanh, người gửi tiền về hỗ trợ gia đình, người thân. Từ vài chục năm nay, năm nào lượng kiều hối gửi về cũng đều tăng. Năm ngoái, con số này là hơn 13,8 tỷ USD, tăng 1,9 tỷ USD, tương ứng với 16% so với năm 2016.
Thế nhưng, lại có những con số làm dư luận giật mình như: mỗi năm người Việt chi 8 tỷ USD đi du lịch nước ngoài, hơn 3 tỷ USD cho bia rượu, 1,4 tỷ USD cho thuốc lá… hay 3-4 tỷ USD cho khám-chữa bệnh ở nước ngoài. Đặc biệt, khi bàn đến chuyện giáo dục, không chỉ người dân mà nhiều đại biểu Quốc hội cũng tỏ ra băn khoăn khi nêu ra con số 3 tỷ USD các gia đình Việt đã chi cho con cái đi du học ở nước ngoài và cho rằng đó là hiện tượng “chảy máu” nguồn lực vì vọng ngoại.
Liệu đã công bằng chưa nếu nhìn ở góc độ người học? Bởi học tập là một nhu cầu chính đáng của con người. Tìm đến những chân trời kiến thức mới luôn là khát vọng của những người ham học. Đâu phải bây giờ mà từ hàng trăm năm trước, tuy chưa nhiều nhưng đã có những chàng trai Việt xuất dương du học. Chính họ là những chiếc cầu nối đưa tri thức tiên tiến, văn hóa, văn minh của thế giới về nước ta ngay từ thời còn là thuộc địa. Không có những chuyến du học đó, chúng ta không thể có những bậc trí thức yêu nước, sẵn sàng từ bỏ tất cả để theo cách mạng, phục vụ nhân dân, phục vụ cuộc kháng chiến kiến quốc do Bác Hồ lãnh đạo.
Vì vậy, đừng phiến diện khi chỉ nhìn vào con số 3 tỷ hay 4 tỷ USD mỗi năm các gia đình đã chi cho con cái đi du học mà hãy nhìn xa hơn vào khát vọng thực sự theo những bước chân đầy háo hức của tuổi trẻ khi muốn đến với một chân trời rộng mở hơn trên con đường chinh phục tri thức nhân loại. Cũng không có gì phải ngạc nhiên vì đâu chỉ học sinh, sinh viên Việt Nam mà giới trẻ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và nhiều nước khác cũng đều tìm đến các nước Âu-Mỹ để học tập. Đơn giản vì đó là những quốc gia có nền giáo dục chất lượng cao, đặc biệt là giáo dục đại học.
Cũng có thể trong số du học sinh Việt Nam ở nước ngoài, có em đi du học còn vì tính sĩ diện của cha mẹ, nhất là những gia đình khá giả. Nhưng số ấy không nhiều. Vì vậy, chúng ta hãy nhìn việc cho con du học tích cực hơn. Đồng thời cũng không quên đặt câu hỏi: Vì sao người Việt Nam lại đua nhau cho con du học?
Dù chưa có một kết luận chính thức nào nhưng một điều chắc chắn là người dân chưa an tâm với chất lượng đào tạo đại học của Việt Nam. Thông tin Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Hà Nội lọt vào tốp 1.000 đại học thế giới chưa đủ làm học sinh và cha mẹ học sinh yên lòng.
Không ai lại phung phí tiền bạc mình làm ra cho một việc mà họ biết trước là vô bổ. Trừ những quan chức tham nhũng, con đi học có người chi tiền, thì không ai phung phí đồng tiền do mình chắt chiu công sức làm ra. Vì vậy, nếu Việt Nam có nhiều trường đại học lọt vào tốp 200, tốp 500 đại học thế giới thì chắc dân mình sẽ suy nghĩ khác. Lúc đó, chắc chắn chỉ có những học sinh, sinh viên thực sự xứng đáng mới dám đến những trường đại học danh tiếng của các nước tiên tiến để học, chứ không phải là du học tràn lan, cốt để có cái mác nước ngoài như hiện nay.
Một khi chương trình đào tạo còn những nội dung viển vông, nặng lý thuyết, cách giảng dạy thiếu sinh động... thì sinh viên nhàm chán, không muốn học cũng là lẽ đương nhiên.
Câu hỏi “Triết lý giáo dục của Việt Nam là gì?” được nhiều đại biểu Quốc hội khóa XIV đặt ra tại kỳ họp thứ 6 đang cần những nhà giáo dục, nhà quản lý có trách nhiệm trả lời để nước ta có một triết lý giáo dục đúng tầm, đúc kết từ văn hóa truyền thống của dân tộc và mang hơi thở của thời đại, định hướng cho tương lai bằng những cam kết, chính sách nhất quán trong toàn bộ hệ thống pháp luật, bảo đảm nền giáo dục vận hành đúng tinh thần: Học để thành nhân và kiến quốc!
 Nguyễn Vân

Có thể bạn quan tâm

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Va chạm giao thông là điều không ai mong muốn song có thể xảy ra với bất kỳ ai trên đường. Tuy nhiên, điều đáng nói là cách ứng xử giữa những người tham gia giao thông với nhau khi xảy ra những tình huống như vậy để không dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.