Đừng để xói mòn niềm tin của nhà đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khoảng 9 năm trước, khi ông Nguyễn Tuấn-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Tuấn Nhung (thôn 1, xã Ia Krai, huyện Ia Grai, Gia Lai) bỏ ra hàng chục tỷ đồng xây dựng chợ trung tâm xã Ia Krai, nhiều người bảo ông mạo hiểm, “chơi ngông”. Nói “chơi ngông” là bởi trước ông Tuấn, chưa có tư nhân nào trên địa bàn tỉnh bỏ tiền đầu tư xây dựng chợ nông thôn. Còn mạo hiểm thì quá rõ vì số tiền đầu tư rất lớn trong khi chuyện lời lãi sau này vẫn chỉ là dấu hỏi. Nhưng ông Tuấn vẫn quyết tâm xây chợ. 
Mới đây, khi phóng viên Báo Gia Lai Điện tử trở lại chợ trung tâm xã Ia Krai, khung cảnh nơi đây rất đìu hiu. Cả ngôi chợ khang trang rộng gần 1 ha với 1 gian trưng bày sản phẩm, 1 khu nhà lồng và 21 ki ốt không một bóng tiểu thương. Theo ông Tuấn, tình cảnh này đã diễn ra suốt từ khi chợ đi vào hoạt động đến nay. Nguyên nhân là bởi, chính quyền địa phương không dẹp được chợ tự phát gần đó, một số tiểu thương vào chợ ngày đầu không trụ nổi phải quay lại chợ cũ buôn bán. Hệ quả là sau khi xây chợ, gia đình ông Tuấn phải nai lưng trả nợ, đến giờ vẫn chưa hết.
Nhiều ki ốt ở chợ Chi Lăng (phường Chi Lăng, TP. Pleiku) đóng cửa vì không có người thuê. Ảnh: M.N
Nhiều ki ốt ở chợ Chi Lăng (phường Chi Lăng, TP. Pleiku) đóng cửa vì không có người thuê. Ảnh: M.N
Cũng bỏ tiền tỷ ra xây chợ rồi lâm vào cảnh nợ nần là trường hợp ông Hoàng Văn Trượng-Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Minh Phú Gia Lai. Năm 2015, khi chính quyền TP. Pleiku kêu gọi xã hội hóa xây chợ phục vụ nhu cầu buôn bán của tiểu thương phường Chi Lăng và các xã Ia Kênh, Chư Hdrông như một cách để giải quyết tình trạng họp chợ tự phát dọc quốc lộ 14 gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, ông Trượng đã vay tiền ngân hàng đầu tư hơn 6 tỷ đồng xây dựng chợ Chi Lăng. Và giống như chợ trung tâm xã Ia Krai, chợ Chi Lăng cũng chỉ họp được vài ngày rồi rơi vào cảnh “vắng như chùa bà Đanh” vì chính quyền địa phương không dẹp được chợ tự phát gần đó. 
Việc 2 ngôi chợ tiền tỷ được xây dựng theo hình thức xã hội hóa có chung số phận hẩm hiu là một vấn đề rất đáng để suy nghĩ. Nó cho thấy, việc xây dựng chợ không đơn thuần chỉ cần quyết tâm của chính quyền và nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp mà còn đòi hỏi sự tính toán hợp lý, khoa học nhằm đảo bảo khả năng thu hút tiểu thương vào chợ buôn bán, đồng nghĩa với sự thành công của dự án. Trong vấn đề này, rõ ràng không thể không có phần trách nhiệm của chính quyền địa phương. Bởi lẽ, đối với mỗi doanh nghiệp, hiệu quả kinh tế luôn là yếu tố hàng đầu khi họ quyết định đầu tư vào một dự án. Và trong trường hợp của ông Tuấn, ông Trượng, chắc chắn họ sẽ không mạo hiểm đầu tư xây dựng chợ nếu không nhận được sự cam kết của chính quyền địa phương, cụ thể ở đây là việc đưa tiểu thương từ các chợ tự phát vào buôn bán. Thực tế ra sao thì chúng ta đều đã rõ dù lãnh đạo huyện Ia Grai và TP. Pleiku đều cho biết, chính quyền địa phương đã “làm hết cách” để đưa tiểu thương từ các chợ tự phát vào chợ trung tâm xã Ia Krai, chợ Chi Lăng buôn bán.
Trong một bài viết đăng trên báo Gia Lai cuối tháng 9-2018 dẫn lời ông Bùi Hồng Quang-Trưởng phòng Kinh tế TP. Pleiku-cho biết: Thành phố hiện có 16 chợ và 1 trung tâm thương mại. Ngoài một số chợ đã được đầu tư xây mới như Hoa Lư, Phù Đổng, Chi Lăng thì đa số các chợ còn lại đều đã xuống cấp, không còn đáp ứng được yêu cầu phát triển hiện nay. Vì vậy, thành phố đang kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng Trung tâm Thương mại Pleiku, chợ đầu mối (chợ đêm), chợ Yên Thế và các chợ xã như: Ia Kênh, Chư Hdrông, Tân Sơn, Diên Phú và xã Gào theo hướng hiện đại, văn minh. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thành phố hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới (mỗi xã có một chợ) và phấn đấu đến cuối năm 2019 trở thành đô thị loại I.
Việc kêu gọi xây dựng chợ theo hình thức xã hội hóa trong điều kiện nguồn lực đầu tư của nhà nước còn hạn chế là một chủ trương đúng đắn không chỉ với riêng TP. Pleiku mà của các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, việc xây dựng chợ còn đảm bảo cho các địa phương hoàn thành tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, chủ trương này rõ ràng đang gặp rất nhiều khó khăn khi các nhà đầu tư nhìn vào tấm gương nhãn tiền là chợ trung tâm xã Ia Krai và chợ Chi Lăng. Bởi một khi chính quyền địa phương đã “làm hết cách” mà vẫn không dẹp được chợ tự phát, không đưa được tiểu thương vào chợ mới buôn bán thì doanh nghiệp còn biết đặt lòng tin vào đâu để đầu tư xây dựng chợ? 
Thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã có rất nhiều cơ chế chính sách ưu đãi nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực của địa phương. Rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước theo đó đã chọn Gia Lai để đầu tư và thu được hiệu quả như mong muốn. Điều này ngày càng củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư vào “mảnh đất lành” Gia Lai. Song phải thẳng thắn nói rằng, không phải dự án đầu tư nào trên địa bàn tỉnh cũng thu được thành công mà trường hợp chợ trung tâm xã Ia Krai và chợ Chi Lăng là ví dụ. Và khi có dự án đầu tư không thành công mà trách nhiệm lại thuộc về chính quyền địa phương thì dù ít hay nhiều cũng sẽ làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp vào cơ chế chính sách của tỉnh. Chuyện 2 ngôi chợ tiền tỷ bỏ hoang vì thế không chỉ còn là chuyện chợ, nó là chuyện xây dựng, củng cố, gìn giữ niềm tin của nhà đầu tư.
Vĩnh Phúc

Có thể bạn quan tâm

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Văn hóa ứng xử khi va chạm giao thông

Va chạm giao thông là điều không ai mong muốn song có thể xảy ra với bất kỳ ai trên đường. Tuy nhiên, điều đáng nói là cách ứng xử giữa những người tham gia giao thông với nhau khi xảy ra những tình huống như vậy để không dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.
Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.