Chuyện về những "đại sứ văn hóa đọc" ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không chỉ đam mê đọc sách, nhiều học sinh ở Gia Lai còn truyền cảm hứng cho mọi người xung quanh thông qua những câu chuyện, trò chơi hay công cụ khuyến đọc hữu ích. Đặc biệt, tỉnh có 4 bạn trẻ đạt giải tại cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc toàn quốc năm 2020 do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức.
Bốn thí sinh đạt giải gồm: Phạm Thảo Nguyên (lớp 12C1, Trường THPT chuyên Hùng Vương) đạt giải nhì; Huỳnh Diễm Quỳnh (lớp 12C1, Trường THPT chuyên Hùng Vương) và Lê Thị Hiếu (lớp 12A3, Trường THPT Trường Chinh, huyện Chư Sê) đạt giải ba; Đinh H’Lai (lớp 9, Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Sê) đạt giải khuyến khích.
Thay đổi nhận thức và hành vi nhờ đọc sách
Có nhiều cách để tiếp cận, khơi dậy và nuôi dưỡng niềm đam mê với sách. Tuy nhiên, 3 trong 4 bạn trẻ này đều tìm cảm hứng đọc từ những trang sách mà mình yêu thích. Với các em, sách không chỉ giúp khai sáng tri thức mà còn góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của bản thân theo hướng tích cực hơn.
Em Phạm Thảo Nguyên đã chọn cuốn “Totto-chan bên cửa sổ” của nữ nhà văn Nhật Bản Kuroyanagi Tetsuko để giới thiệu trong bài dự thi của mình. Nguyên chia sẻ, em thật sự rung động ngay lần đầu tiên đọc cuốn sách này, bởi thấy thấp thoáng hình ảnh của bản thân nơi nhân vật và cảm nhận được cách giáo dục tương đồng giữa gia đình mình với bố mẹ Totto-chan. Ngoài ra, mẫu hình trường học Tomoe cùng phương pháp giáo dục “lắng nghe trẻ em” của thầy Hiệu trưởng Kobayashi trong tác phẩm cũng để lại trong Nguyên nhiều ấn tượng.
Đôi bạn cùng lớp Phạm Thảo Nguyên (bìa phải) và Huỳnh Diễm Quỳnh (Trường THPT chuyên Hùng Vương) thường cùng nhau đọc sách tại thư viện trường. Ảnh: Hồng Thi
Đôi bạn cùng lớp Phạm Thảo Nguyên (bìa phải) và Huỳnh Diễm Quỳnh (Trường THPT chuyên Hùng Vương) thường cùng nhau đọc sách tại thư viện trường. Ảnh: Hồng Thi
“Cuốn sách có cốt truyện đơn giản nhưng lại chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Mỗi chương đều gắn liền với những kỷ niệm ấu thơ của nhà văn về bạn bè, thầy cô, trường học. Cuốn sách như một tấm vé kỳ diệu mang con người về với miền thơ ấu của chính mình. Song ở một góc độ khác, “Totto-chan bên cửa sổ” còn là nỗi tiếc nuối về một môi trường giáo dục tuyệt vời đã không còn. Không thể phủ nhận rằng, chính việc được yêu thương, giáo dục đúng cách đã trở thành động lực để cô bé Totto-chan tinh nghịch quyết tâm trở thành một cô giáo và mở trường dạy học giống Trường Tomoe mà thầy Kobayashi đã gây dựng. Đó cũng là điều vô cùng cần thiết trong xã hội ngày nay”-Nguyên bày tỏ.
Không thể hiện bằng chữ viết, em Lê Thị Hiếu mang đến cuộc thi một video clip tự sự, nói về hành trình thay đổi nhận thức của bản thân. Và “người bạn” luôn bên cạnh, đồng hành giúp em thành công chính là cuốn sách “Ping vượt khỏi ao tù” của Stuart Avery Gold. Cuốn sách kể về Ping-một chú ếch thông minh, dũng cảm với tài nhảy xa vô địch nhưng cuối cùng lại bị sức ì của thói xấu kìm kẹp. Rồi Ping quyết tâm tìm kiếm sự thay đổi từ chính nội tâm của mình.
Hiếu tâm sự: “Đọc cuốn sách này, em như nhìn thấy chính bản thân mình ở trong đó. Từ nhỏ, em đã học tốt hơn các anh chị em trong gia đình. Lớn lên trong sự tán thưởng, khen ngợi của mọi người, em rất vui và bắt đầu coi việc học như một phương thức để thể hiện bản thân, học hành một cách máy móc, mơ hồ. Cho đến năm học lớp 8, đọc được cuốn sách trên, em nhận ra rằng, sống phải có chủ đích. Em không ngừng nỗ lực để sau này có thể hiện thực hóa ước mơ trở thành một chủ doanh nghiệp may mặc lớn, tạo việc làm cho hàng ngàn người và giúp đỡ những mảnh đời khó khăn. Ping còn dạy cho em rằng, chỉ cần kiên trì, cố gắng, không quản khó khăn để theo đuổi mục tiêu thì sẽ đạt được điều mà mình mong muốn”.

Bà Nguyễn Thị Thủy-Giám đốc Thư viện tỉnh: Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc là sân chơi bổ ích, góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong các thế hệ học sinh và cả cộng đồng. Vòng sơ khảo tại tỉnh ta được tổ chức từ tháng 11-2019 đến tháng 5-2020 với hơn 14.500 bài dự thi. Sau khi tổng kết và trao giải, Ban tổ chức cấp tỉnh đã chọn 20 bài thi xuất sắc ở các nội dung gửi tham gia cuộc thi chung kết toàn quốc và có 4 em đạt giải.

Trái ngược với 2 đàn chị, Đinh H’Lai lại đặc biệt yêu thích những câu chuyện thần thoại, truyền thuyết trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. H’Lai vui vẻ nói: “Không gian đọc của em chủ yếu là ở thư viện trường. Nơi đó có khá nhiều sách mà em thích đọc liên quan đến thể loại truyền thuyết, thần thoại, truyện ngụ ngôn, kỹ năng sống… Mỗi câu chuyện là một bài học nhân văn, răn dạy chúng ta về điều hay lẽ phải, những đức tính tốt đẹp. Sách giúp em biết được việc đúng-sai, điều nên làm hay không nên làm và nâng tầm hiểu biết về thiên nhiên, con người, vũ trụ... Với em, sách vừa là bạn, vừa là người thầy đáng kính trọng, nâng niu”.

Ý tưởng khuyến đọc sáng tạo
“Đọc sách có thể không giàu nhưng không đọc chắc chắn sẽ nghèo. Việc đọc sách sẽ ý nghĩa hơn nếu lan tỏa văn hóa đọc sách đến với mọi người”. Với quan điểm chung ấy, các bạn trẻ Gia Lai đã đưa ra nhiều ý tưởng khuyến đọc hay, sáng tạo với tính khả thi cao.
Bên cạnh giải ba tại cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc toàn quốc năm 2020, em Huỳnh Diễm Quỳnh còn “ẵm” luôn giải chuyên đề “Câu chuyện khuyến đọc song ngữ hay nhất”. Câu chuyện có tựa đề “Chuyến đi” do Quỳnh sáng tác với cốt truyện dễ hiểu, ngôn ngữ thể hiện gần gũi, tự nhiên, cuốn hút người đọc.
Trong câu chuyện của mình, Quỳnh kể về một cậu bé ham chơi, nghịch ngợm và rất lười đọc sách khiến mẹ buồn lòng. Cậu bé cho rằng, bản thân có thể biết được mọi lẽ trên đời mà không cần đọc sách, vì thế đã quyết định lên đường “thu lượm” tri thức. Trên suốt hành trình của mình, cậu đã gặp nhiều người ở đủ lứa tuổi, nghề nghiệp, địa vị khác nhau, song đều có một điểm chung là không xa rời trang sách. Những lời chia sẻ, khuyên răn của mọi người đã khiến cậu bé tỉnh ngộ. Cậu trở về nhà nhận lỗi cùng mẹ và chủ động với việc đọc sách.
“Lúc nhỏ, em cũng không thích đọc sách như cậu bé. Tuy nhiên, đến năm học lớp 8, em bắt đầu tìm được tình yêu với sách nhờ chị gái mình. Chị là người rất mê sách, có thể đóng cửa phòng hàng giờ liền để đọc hết một cuốn sách. Xét ở một khía cạnh nào đó, việc đọc không chỉ đơn thuần để tiếp nhận thông tin mà là sự khơi gợi và đánh thức những suy nghĩ, cảm xúc trong ta. Thông qua câu chuyện này, em muốn khích lệ mọi người hãy đọc sách nhiều hơn nữa thay vì suốt ngày ngồi bên điện thoại với mạng xã hội và những trò chơi thiếu bổ ích”-Quỳnh tâm sự.
Em Phạm Thảo Nguyên (Trường THPT chuyên Hùng Vương; áo dài xanh) nhận giải nhì tại cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc toàn quốc năm 2020. Ảnh: Hồng Thi
Em Phạm Thảo Nguyên (Trường THPT chuyên Hùng Vương; áo dài xanh) nhận giải nhì tại cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc toàn quốc năm 2020. Ảnh: Hồng Thi
Tương tự cô bạn cùng lớp, Nguyên cũng được trao thêm giải chuyên đề về “Ý tưởng khuyến đọc có sức thuyết phục nhất”. Theo Nguyên, thời đại ngày một tiên tiến khiến nhiều người bị thu hút bởi mạng xã hội, Youtube và các trang mạng khác hơn là đọc sách.
“Cách nhìn nhận của mọi người về việc đọc sách cũng đã thay đổi rất nhiều so với trước đây. Họ không thực sự nhận ra, việc đọc hàm chứa những yếu tố mà chúng ta chưa để ý đến như: thư giãn, thưởng thức, phiêu lưu, khám phá”-Nguyên phân tích. 
Tiếp tục hào hứng kể về mô hình khuyến đọc của mình, Nguyên chia sẻ: Để tạo ra sự tò mò, thách thức, em đã xây dựng một sân chơi kết hợp việc đọc sách với mô hình Bookopoly dựa trên luật chơi của trò cờ tỷ phú Monopoly. Ở đây không có mặt của những đồng tiền giả mà là những cuốn sách thật, giúp mọi người cùng làm giàu về trí tuệ.
Mô hình này từng xuất hiện ở một số nước nhưng thiên về đọc hơn chơi, cá nhân hơn là tập thể. Vì thế, em đã cải biên, Việt hóa hơn với số lượng khoảng 4 người chơi từ 12 tuổi trở lên, bổ sung cả những thách thức đa dạng. Em cũng tính xác suất để người chơi ai cũng có thể sở hữu ít nhất một cuốn sách. Phạm vi áp dụng là trong trường học, thư viện hoặc nơi có nhiều sách. Qua đó, em muốn tạo điều kiện cho mọi người giao lưu, học hỏi lẫn nhau; khám phá được nhiều thể loại sách mà có thể trước giờ chưa từng trải qua, nhất là rèn luyện tính tự giác đối với việc đọc.
Ngày nay, những cuốn sách đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên, việc đọc sách vẫn còn là điều xa xỉ với nhiều người không có điều kiện, đặc biệt là trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trước thực tế đó, em Lê Thị Hiếu đã tích cực tham gia dự án “Loa nghe diệu kỳ” của một cô giáo trong trường.
“Chỉ cần chiếc loa nhỏ và 1 cái thẻ nhớ với dung lượng 16-32 GB, chúng ta có thể nghe được hàng trăm bộ sách nói mọi lúc, mọi nơi. Đối tượng của “Loa nghe diệu kỳ” không chỉ dừng lại ở người lớn mà còn hướng đến các bé mầm non với những bài thơ, truyện kể… Qua đó, giúp các bé, nhất là người dân tộc thiểu số tiếp cận được với sách nói, rèn luyện khả năng nghe và nói tiếng Việt”-Hiếu hồ hởi cho hay.
Có thể nói, dù ý tưởng, phương pháp có khác nhau nhưng mục đích cuối cùng mà 4 bạn trẻ hướng đến chính là mong muốn mọi người hiểu được giá trị sâu sắc mà sách mang lại, từ đó yêu sách và đọc sách nhiều hơn.
HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

Cựu cán bộ Đoàn TP. Pleiku"truyền lửa" yêu thương

Cựu cán bộ Đoàn TP. Pleiku"truyền lửa" yêu thương

(GLO)- “Kết nối tình nguyện-cháy mãi nhiệt huyết của tuổi trẻ“ là phương châm hoạt động của nhóm cựu cán bộ Đoàn cơ sở TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Sau hơn 2 năm thành lập, nhóm không chỉ mang niềm vui đến cho những hoàn cảnh khó khăn mà còn là nơi các thế hệ cán bộ Đoàn gắn kết, “truyền lửa“ tình yêu với Đoàn.
Ý nghĩa lớn từ mô hình nhỏ

Ý nghĩa lớn từ mô hình nhỏ

(GLO)- Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là một trong những nội dung được các đơn vị trường học ở huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đặc biệt quan tâm. Trong đó, mô hình “Vườn rau em chăm“ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện bữa ăn và khơi dậy tình yêu lao động trong học sinh.
Đôi vũ công đặc biệt

Đôi vũ công đặc biệt

(GLO)- Đến với khiêu vũ một cách tình cờ, đôi vận động viên (VĐV) Trần Nam Dũng-Lê Phương Thảo đã từng bước khẳng định vị thế ở môn thể thao đầy tính nghệ thuật này. Tấm huy chương bạc tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX-2022 là sự ghi nhận cho những nỗ lực không biết mệt mỏi cùng tâm huyết của các vũ công.
Tín hiệu vui cho bệnh nhân ung thư

Tín hiệu vui cho bệnh nhân ung thư

(GLO)- Với mong muốn nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư, bác sĩ Nguyễn Đình Hùng-Phó Trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã nghiên cứu, áp dụng hiệu quả các phác đồ chữa trị mới, giúp người dân sớm phát hiện và điều trị ung thư tại chỗ. Một trong số đó là hóa trị trong điều trị ung thư đại trực tràng di căn.
Tỉnh Đoàn Gia Lai tổ chức chương trình "Ấm áp mùa đông" năm 2022

Tỉnh Đoàn Gia Lai tổ chức chương trình "Ấm áp mùa đông" năm 2022

(GLO)- Hưởng ứng chương trình “Tình nguyện mùa đông“ năm 2022 và “Xuân tình nguyện“ năm 2023. Trong 2 ngày (23 và 24-12), tại xã Đất Bằng, huyện Krông Pa và xã An Thành, huyện Đak Pơ, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Gia Lai phối hợp với Đoàn công tác xã hội TP. Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình “Ấm áp mùa đông“ năm 2022.
Ngày thanh niên cùng hành động: Sôi nổi, thiết thực

Ngày thanh niên cùng hành động: Sôi nổi, thiết thực

(GLO)- Sau khi Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2022-2027) thành công tốt đẹp, 63 tỉnh, thành trong cả nước đã đồng loạt tổ chức “Ngày thanh niên cùng hành động“. Trong đó, Gia Lai là 1 trong 7 điểm cầu được lựa chọn tổ chức cấp trung ương. Chuỗi hoạt động góp phần nâng cao nhận thức, thể hiện quyết tâm của tuổi trẻ trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.
Phát động thí điểm ứng dụng kết nối thanh thiếu niên

Phát động thí điểm ứng dụng kết nối thanh thiếu niên

(GLO)- Sáng 18-12, tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Bộ Giáo dục-Đào tạo tổ chức lễ phát động thí điểm Ứng dụng kết nối thanh thiếu niên (YEA). Đây là hoạt động nằm trong dự án “Tuổi trẻ và những cung đường biết nói“ được triển khai tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Gia Lai và tỉnh Yên Bái.