Cuộc hồi sinh của người trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một cô bé lớp 5 và một cậu lớp 10. Họ là hai trong nhiều người đã may mắn nhận được trái tim của người khác. Cuộc đời của họ gọi là hồi sinh cũng đúng mà tái sinh cũng chẳng sai với trái tim của một người xa lạ đập trong lồng ngực.
 

Cơ đang sống một cuộc đời mới cùng mẹ với trái tim của một người lạ tốt bụng đập trong lồng ngực - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Cơ đang sống một cuộc đời mới cùng mẹ với trái tim của một người lạ tốt bụng đập trong lồng ngực - Ảnh: ĐOÀN NHẠN



Họ là minh chứng về câu nói cho đi là còn mãi. Thay vì trở thành một phần thân xác tan vào hư vô thì trái tim, lá phổi, quả thận... giúp một cuộc đời được tái sinh.

 


“Mình biết ơn lắm. Mình sẽ sống thật ý nghĩa chừng nào tim còn đập để không phụ sự giúp đỡ của các bác sĩ, gia đình và đặc biệt là người đã tặng trái tim cho mình".

PHẠM VĂN CƠ


Trao yêu thương nối dài sự sống

Trong ngôi nhà tình thương lụp xụp ở ngoại thành Đà Nẵng một chiều cuối năm, bạn Phạm Văn Cơ (17 tuổi) đang cùng mẹ nhặt nấm, bóc hành chuẩn bị cho buổi xay cá thuê ngày mai ở chợ.

Khi Cơ 15 tuổi, bạn được cứu sống nhờ trái tim của một người hiến tặng. Trái tim được vận chuyển từ Hà Nội vào Huế sau hàng loạt nỗ lực của các chuyên gia. Nhắc lại ca ghép tim gần hai năm trước, bà Ánh nước mắt lưng tròng.

Bà nhớ như in đó là ngày 13-6-2018, ngày mà bà run rẩy ký vào tờ giấy xác nhận ghép tim cho con với hi vọng cuối cùng khi trong túi không có nổi vài trăm nghìn đồng. Trái tim hiến từ Hà Nội được giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cấp tốc đưa về, nhờ sự hỗ trợ của các y bác sĩ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia. Quả tim về đến Bệnh viện Trung ương Huế lúc 23h. Ca phẫu thuật cho Cơ kéo dài suốt đêm đến sáng.

Suốt đêm Cơ nằm trên bàn mổ, bà Ánh chỉ biết nguyện cầu bởi Cơ là hi vọng cuối cùng của bà. Anh cả của Cơ mất năm 15 tuổi cũng vì bệnh giãn cơ tim. Năm Cơ chưa đầy 1 tuổi, cha cũng qua đời. Nếu trời có lấy đi Cơ thì bà làm sao sống nổi. Dù cơ hội sống của con chỉ là 2% bà vẫn hi vọng. 9h sáng 14-6, Cơ ra khỏi tình trạng hôn mê, hai mẹ con được gặp nhau. Bà Ánh chỉ biết ôm con mà khóc.

Mọi chuyện vừa qua như một giấc mơ. Từ thân hình gầy yếu 38kg, nay Cơ đã là cậu học trò lớp 10 rắn rỏi. Bạn bảo rằng mỗi ngày sau giờ học chính khóa, bạn tham gia học nghề pha chế, học nấu ăn ở một cơ sở dạy nghề trong thành phố. Chiều đến Cơ phụ mẹ chuẩn bị đồ cho buổi chợ sáng hôm sau.

"Mình biết ơn lắm. Trước đây khi đau không thở nổi, mình nghĩ thôi mình chết đi cho xong. Nhưng khi được nhận trái tim và sống lại khỏe mạnh, mình càng yêu quý cơ thể của mình. Mình sẽ sống thật ý nghĩa chừng nào tim còn đập để không phụ sự giúp đỡ của các bác sĩ, gia đình và đặc biệt là người đã tặng trái tim cho mình" - Cơ rụt rè thổ lộ.

Chi đã hồi sinh

Gặp cô bé Hà Ngọc Chi (11 tuổi) ở căn nhà nhỏ áp ngay lưng núi ở Na Sầm (Lạng Sơn) những ngày giáp tết. Là con thứ hai trong một gia đình có hai anh em bị bệnh cơ tim giãn bẩm sinh, tưởng chừng em đã nối bước người anh trai lớn hơn em 7 tuổi đã ra đi sau ba năm đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Nhưng cơ duyên đã giúp em nhận được trái tim phù hợp từ một người xa lạ để được hồi sinh.

Hai tháng sau ca ghép tim, cô bé đáng yêu, xinh xắn vẫn còn phải đeo khẩu trang và đang háo hức để trở lại trường sau nhiều tháng phải tạm nghỉ để thực hiện ca mổ. Khi chúng tôi đến, chị Nguyễn Thị Hường (48 tuổi), mẹ Chi, đang chọn cho con một cái áo ấm vì tiết trời đã trở lạnh. "Mấy bữa trước đi Hà Nội ở nhà mưa lũ đổ xuống, ướt hết cả quần áo trong tủ. Phải giặt rồi phơi lại hết", chị kể. Nỗi đau khi Mạnh, đứa con trai lớn của chị, mới mất cách đây chín tháng vẫn còn đó nhưng những gì Chi nhận được với gia đình chị vẫn là một phúc lành.

"Mạnh phát hiện mắc bệnh năm 2015. Đến tháng 7-2018, bệnh viện phát hiện Chi mắc cùng một căn bệnh với Mạnh trong một đợt sốt. Vợ chồng tôi quay cuồng với những chuyến đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác để chạy chữa cho hai con", chị kể.

Tháng 2-2019 Mạnh ra đi. Đám tang cho đứa con đầu vội vã giữa những đợt điều trị cho đứa con gái thứ hai. Chi bị tràn dịch đa màng, cứ 2-3 ngày phải hút dịch một lần. "Các bác sĩ gọi tôi vào nói rằng giờ chỉ có ghép tim mới cứu được con. Nhưng giờ có 1 tỉ đồng cũng không thể có tim ngay được mà phải chờ người hiến phù hợp", chị kể.

Từ tháng 2-2019 đến tận tháng 9-2019 là khoảng thời gian chờ đợi đằng đẵng. Chi được cho về nhà nhưng nguy hiểm dồn dập: không còn đáp ứng thuốc, bụng có dịch, gan to phải nhập viện cấp cứu liên tục. "Ngày 3-9, bệnh viện báo có tim để ghép cho Chi, chúng tôi liền đưa con đi ngay nhưng lần đó không lấy được. Tôi hụt hẫng và lo sợ tột độ, sợ con không chờ được", chị nhớ lại.

Rồi đến ngày 30-9, bệnh viện thông báo lần nữa. Một người đàn ông 37 tuổi gặp tai nạn giao thông đã không thể qua khỏi. Gia đình anh đã tình nguyện hiến toàn bộ nội tạng. Sau khi rà soát, các chỉ số của anh trùng khớp với bé Chi. Ca ghép được tiến hành. Mất bảy tiếng trong phòng phẫu thuật, đến ngày thứ tư Chi mới mở mắt, dây nhợ khắp người. "Sau này con kể lúc đó đã tỉnh lâu rồi, con đói lắm mà dây nhợ trong miệng nhiều quá nên con không nói được", chị nhớ lại. Chi đã hồi sinh với trái tim của một người xa lạ đập trong lồng ngực.


 

Chi may mắn không phải chờ đợi lâu

"Bác sĩ bảo tôi rằng người hiến nội tạng bây giờ ngày càng nhiều nên Chi mới may mắn được cứu sống, không phải chờ đợi vô vọng như trước kia nữa. Hồi xưa ai cũng nghĩ là chết thì thân thể phải được nguyên vẹn. Nếu ai cũng nghĩ như thế thì con đâu có được cơ hội sống", chị Hường, mẹ của Chi, xúc động chia sẻ.

Theo Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, từ năm 2018 đến nay số người hiến tạng đã tăng lên nhanh chóng. Tính đến nay có trên 31.000 người đã đăng ký hiến tạng, trong đó chỉ riêng năm 2019 có khoảng 19.000 người. "Trung tâm được thành lập từ năm 2013, đến cuối năm 2014 chỉ có khoảng 265 người đăng ký. Trước đây mỗi khi có người chết não, trung tâm phải đến tận nơi vận động hiến tạng. Nhưng hiện nay người tự đến đăng ký nhiều và gia đình có người chết não cũng tự đề xuất nhiều hơn. Đó chính là thay đổi lớn nhất" - bà Phượng Hoàng, cán bộ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, chia sẻ.

 

V.THỦY

Theo VŨ THỦY  - ĐOÀN NHẠN (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu cán bộ Đoàn TP. Pleiku"truyền lửa" yêu thương

Cựu cán bộ Đoàn TP. Pleiku"truyền lửa" yêu thương

(GLO)- “Kết nối tình nguyện-cháy mãi nhiệt huyết của tuổi trẻ“ là phương châm hoạt động của nhóm cựu cán bộ Đoàn cơ sở TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Sau hơn 2 năm thành lập, nhóm không chỉ mang niềm vui đến cho những hoàn cảnh khó khăn mà còn là nơi các thế hệ cán bộ Đoàn gắn kết, “truyền lửa“ tình yêu với Đoàn.
Ý nghĩa lớn từ mô hình nhỏ

Ý nghĩa lớn từ mô hình nhỏ

(GLO)- Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là một trong những nội dung được các đơn vị trường học ở huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đặc biệt quan tâm. Trong đó, mô hình “Vườn rau em chăm“ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện bữa ăn và khơi dậy tình yêu lao động trong học sinh.
Đôi vũ công đặc biệt

Đôi vũ công đặc biệt

(GLO)- Đến với khiêu vũ một cách tình cờ, đôi vận động viên (VĐV) Trần Nam Dũng-Lê Phương Thảo đã từng bước khẳng định vị thế ở môn thể thao đầy tính nghệ thuật này. Tấm huy chương bạc tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX-2022 là sự ghi nhận cho những nỗ lực không biết mệt mỏi cùng tâm huyết của các vũ công.
Tín hiệu vui cho bệnh nhân ung thư

Tín hiệu vui cho bệnh nhân ung thư

(GLO)- Với mong muốn nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư, bác sĩ Nguyễn Đình Hùng-Phó Trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã nghiên cứu, áp dụng hiệu quả các phác đồ chữa trị mới, giúp người dân sớm phát hiện và điều trị ung thư tại chỗ. Một trong số đó là hóa trị trong điều trị ung thư đại trực tràng di căn.
Tỉnh Đoàn Gia Lai tổ chức chương trình "Ấm áp mùa đông" năm 2022

Tỉnh Đoàn Gia Lai tổ chức chương trình "Ấm áp mùa đông" năm 2022

(GLO)- Hưởng ứng chương trình “Tình nguyện mùa đông“ năm 2022 và “Xuân tình nguyện“ năm 2023. Trong 2 ngày (23 và 24-12), tại xã Đất Bằng, huyện Krông Pa và xã An Thành, huyện Đak Pơ, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Gia Lai phối hợp với Đoàn công tác xã hội TP. Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình “Ấm áp mùa đông“ năm 2022.
Ngày thanh niên cùng hành động: Sôi nổi, thiết thực

Ngày thanh niên cùng hành động: Sôi nổi, thiết thực

(GLO)- Sau khi Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2022-2027) thành công tốt đẹp, 63 tỉnh, thành trong cả nước đã đồng loạt tổ chức “Ngày thanh niên cùng hành động“. Trong đó, Gia Lai là 1 trong 7 điểm cầu được lựa chọn tổ chức cấp trung ương. Chuỗi hoạt động góp phần nâng cao nhận thức, thể hiện quyết tâm của tuổi trẻ trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.
Phát động thí điểm ứng dụng kết nối thanh thiếu niên

Phát động thí điểm ứng dụng kết nối thanh thiếu niên

(GLO)- Sáng 18-12, tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Bộ Giáo dục-Đào tạo tổ chức lễ phát động thí điểm Ứng dụng kết nối thanh thiếu niên (YEA). Đây là hoạt động nằm trong dự án “Tuổi trẻ và những cung đường biết nói“ được triển khai tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Gia Lai và tỉnh Yên Bái.