Nữ chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam làm lay động trái tim bao người Nam Sudan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Là nữ sĩ quan đầu tiên của Việt Nam được cử đi làm nhiệm vụ gìn giữ hoà bình tại Nam Sudan, Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga làm lay động con tim bao người dân nơi đây.


Nhìn lại khoảng thời gian công tác tại Phái bộ gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên hợp quốc (LHQ) tại Nam Sudan, sau hơn nửa năm kể từ ngày hoàn thành nhiệm vụ, trở về Việt Nam, Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga khẳng định 1 năm đó tuy ngắn ngủi nhưng lại là khoảng thời gian “đáng quý và đáng trân trọng nhất” trong cuộc đời quân ngũ của mình.

“Nếu như không có công việc này, tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ có cơ hội trải nghiệm như vậy. Trước khi lên đường nhận nhiệm vụ tôi có đọc tài liệu và được tìm hiểu qua về Nam Sudan, nhưng khi đặt chân đến nơi, mọi thứ tôi hình dung và chuẩn bị trước đó là hoàn toàn khác, nhất là khi bắt tay vào công việc, tận mắt chứng kiến những khó khăn mà đồng nghiệp và người dân nơi đây phải vượt qua”, - Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga chia sẻ.

Nhiệt huyết tràn đầy

Không ai ngờ cô gái sinh năm 1981 tại Hà Nội lại có một nhiệt huyết tràn đầy đến thế. Sự nghiệp quân ngũ “bén duyên” với chị Nga vào năm 2004. Nhưng con đường đến với lực lượng GGHB của LHQ và có mặt tại những vùng chiến sự lại là một ngã rẽ bất ngờ.


 

Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga nấu ăn cùng người dân bản địa.
Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga nấu ăn cùng người dân bản địa.




Khi Bộ Quốc phòng tổ chức triển khai thực hiện chủ trương này, nhận thấy Trung tá (khi đó là Thiếu tá) Đỗ Thị Hằng Nga có tố chất đối ngoại, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Đại tá Hoàng Kim Phụng (nay là Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng) tạo điều kiện tối đa để chị theo học tiếng Anh và tham gia các khóa đào tạo về chuyên môn GGHB.

Trong hơn một năm sau đó, chị Nga được cử đi học, bồi dưỡng các khóa tập huấn về sĩ quan tham mưu các hoạt động quân sự, liên lạc, quan sát viên, thông tin, quan hệ quân – dân sự LHQ tại Uganda, Hàn Quốc, Sri Lanka, Trung Quốc, Hà Lan...

“Trước đó, chưa bao giờ tôi được học nhiều thứ đến vậy. Tôi học không vì thành tích mà học để đảm nhận nhiệm vụ. Sợ bị gia đình ngăn cản nên tôi im lặng giấu cả nhà” - Trung tá Nga chia sẻ.

Cũng trong khoảng thời gian huấn luyện này, chị Nga hiểu rằng việc thực hiện nhiệm vụ tại châu Phi sẽ rất khổ cực và nguy hiểm, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng do mất an toàn an ninh hay dịch bệnh. Tuy nhiên, những điều đó vẫn không làm chùn bước người phụ nữ đã có gia đình và 2 con nhỏ.

Trung tá Nga tiết lộ, thực ra ban đầu chị không phải là lựa chọn đầu tiên cho sứ mệnh này: có vài nữ sĩ quan giỏi ngoại ngữ hơn chị, lại được đào tạo đúng chuyên ngành đối ngoại quốc phòng. Tuy nhiên, với lòng nhiệt huyết và sự quyết tâm không ai bằng, chị là người được chọn.

“Tôi đi vì yêu công việc gìn giữ hòa bình. Biết là sẽ đầy gian khổ, nhưng tôi vẫn quyết đi. Đây là cơ hội để làm gì đó vượt khả năng của mình mà tôi phải nắm bắt” - chị Nga nhớ lại.

Ngày 30/10/2017, có lẽ là một ngày đáng nhớ với chị Nga. Bộ Quốc phòng trao quyết định của Chủ tịch nước về việc cử Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga sang Nam Sudan làm nhiệm vụ GGHB của LHQ. Khi đó, chị là sĩ quan thứ 20 của Việt Nam nhận nhiệm vụ đặc biết này nhưng là nữ sĩ quan đầu tiên.

Vượt quá giới hạn bản thân

Mặc dù được huấn luyện kỹ càng, được tìm hiểu trước về tình hình ở Nam Sudan qua lời kể của các sĩ quan đã hoàn thành nhiệm vụ về nước, tuy nhiên nữ sĩ quan đầu tiên của Việt Nam vẫn không tránh khỏi những bỡ ngỡ ban đầu khi bắt tay vào công việc, tận mắt chứng kiến những khó khăn mà đồng nghiệp và người dân nơi đây phải vượt qua.

Theo sự phân công nhiệm vụ của Phái bộ GGHB LHQ tại Nam Sudan, Trung tá Nga sẽ đảm nhiệm vị trí của một sỹ quan tham mưu các hoạt động quân sự. Một ngày làm việc của chị khá vất vả, với cường độ làm việc liên tục 14 đến 16 tiếng, và thường phải trực ca đêm kéo dài từ 4 giờ chiều đến 8 giờ sáng hôm sau.

Cũng giống như các đồng nghiệp khác, một khi đã nhận bàn giao nhiệm vụ, chị sẽ không được nghỉ về ăn bữa trưa hoặc tối, mà phải mang theo đồ ăn chuẩn bị trước.

“Công việc đòi hỏi phải xử lý nhanh và kịp thời, luôn gặp nhiều căng thẳng, áp lực do diễn biến phức tạp từ tình hình thực tế tại địa bàn. Thời gian xung đột cao điểm, có khi cả tuần chúng tôi phải ở yên trong văn phòng, về nhà chỉ để thay quần áo và lấy thêm đồ ăn” - Trung tá Nga chia sẻ.

Không những thế, theo Trung tá Nga, người dân Nam Sudan cũng rất dễ biểu tình, kích động. “Căng thẳng nhất là lúc 2 bộ tộc sống trong Khu bảo vệ thường dân của LHQ xảy ra xích mích, họ dùng cả vũ khí để tấn công nhau. Không dàn xếp được, họ xông đến cổng trụ sở Phái bộ LHQ khiến trụ sở phải đóng cửa để đảm bảo an toàn cho nhân viên. Lần đó, chúng tôi phải trực tăng cường cả ngày lẫn đêm, bên người lúc nào cũng phải có sẵn passport, ID của LHQ và một ít tiền để sẵn sàng di tản bất cứ lúc nào” - chị Nga nhớ lại.

Phải làm việc giữa những người đồng đội đa quốc tịch, nữ sĩ quan Việt không tránh khỏi những lúc cảm thấy cô đơn. Tuy nhiên, với quyết tâm cùng với cả sự “sĩ diện” muốn khẳng định hình ảnh của nữ sĩ quan Việt Nam, chị Nga đã vượt qua mọi thử thách và được chỉ huy Phái bộ đánh giá cao.

Tuy môi trường làm việc khắc nghiệt, song mỗi khi nhớ lại, chị luôn cảm ơn khoảng thời gian đó đã giúp mình trưởng thành hơn rất nhiều, bởi trong thời gian công tác tại Việt Nam, công việc của chị chưa bao giờ căng thẳng, áp lực đến vậy.

“Sứ giả hòa bình”

Là sĩ quan tham mưu, Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga chỉ đảm nhiệm công việc thuần túy tại Phái bộ, tuy nhiên, ngoài giờ làm việc chị lại muốn đến với những người dân nghèo tại Nam Sudan để tìm hiểu về cuộc sống nơi đây và giúp đỡ người dân.

“Bộ đội ta luôn có truyền thống dân vận rất tốt, gần gũi nhân dân. Đó là lý do tại sao tôi muốn dành phần lớn thời gian rảnh của mình để tiếp xúc với người dân bản địa. Thời gian đầu mới sang, việc tìm hiểu cuộc sống của họ cũng giúp tôi vơi đi nỗi nhớ nhà. Khi chơi với lũ trẻ ở đây tôi có cảm giác như đang chơi với các con ở nhà” - Trung tá Nga chia sẻ.


 

  Người dân, đặc biệt các em nhỏ Nam Sudan rất yêu mến Trung tá Nga.
Người dân, đặc biệt các em nhỏ Nam Sudan rất yêu mến Trung tá Nga.


Thấy tình trạng vệ sinh của các em nhỏ không được tốt, chị đã hướng dẫn chúng cách giữ vệ sinh cho bản thân, chia sẻ khó khăn với các bà mẹ. Không những thế, Trung tá Nga còn quyên góp được nhiều đồ dùng, quần áo, sách báo để tặng cho trường học và các hộ gia đình tại đây.

Hành động tuy nhỏ nhưng xuất phát từ tình cảm chân thành, được chị làm hàng ngày, bất kể khó khăn, đã làm lay động trái tim của người dân ở đất nước châu Phi xa xôi. Từ đó, rất nhiều người dân nơi đây đã biết đến hình ảnh nữ sĩ quan Việt Nam giàu tình thương, họ ví chị như một “sứ giả hòa bình” và coi chị không khác gì người thân trong gia đình.

Khi biết chị sắp kết thúc nhiệm kỳ, trở về nước, các em bé đã khóc, có đứa thì dành thời gian rảnh vẽ tranh, đứa thì làm những chiếc túi nhỏ xinh tặng chị và nói với chị rằng: “Đỗ, hãy nhớ tới chúng em, đem những món quà này về và trân trọng chúng nhé!”.

“Một năm thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan giúp tôi học được rất nhiều kiến thức bổ ích. Quan trọng nhất là tôi đã góp được một phần nhỏ bé của mình vào việc giới thiệu hình ảnh con người Việt Nam, một dân tộc yêu chuộng hòa bình, một quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, đến với bạn bè thế giới” - nữ sĩ quan đầu tiên của Việt Nam tham gia lực lượng GGHB LHQ tại Nam Sudan tâm sự.

Văn Đức (VTC News)

Có thể bạn quan tâm

Cựu cán bộ Đoàn TP. Pleiku"truyền lửa" yêu thương

Cựu cán bộ Đoàn TP. Pleiku"truyền lửa" yêu thương

(GLO)- “Kết nối tình nguyện-cháy mãi nhiệt huyết của tuổi trẻ“ là phương châm hoạt động của nhóm cựu cán bộ Đoàn cơ sở TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Sau hơn 2 năm thành lập, nhóm không chỉ mang niềm vui đến cho những hoàn cảnh khó khăn mà còn là nơi các thế hệ cán bộ Đoàn gắn kết, “truyền lửa“ tình yêu với Đoàn.
Ý nghĩa lớn từ mô hình nhỏ

Ý nghĩa lớn từ mô hình nhỏ

(GLO)- Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là một trong những nội dung được các đơn vị trường học ở huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đặc biệt quan tâm. Trong đó, mô hình “Vườn rau em chăm“ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện bữa ăn và khơi dậy tình yêu lao động trong học sinh.
Đôi vũ công đặc biệt

Đôi vũ công đặc biệt

(GLO)- Đến với khiêu vũ một cách tình cờ, đôi vận động viên (VĐV) Trần Nam Dũng-Lê Phương Thảo đã từng bước khẳng định vị thế ở môn thể thao đầy tính nghệ thuật này. Tấm huy chương bạc tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX-2022 là sự ghi nhận cho những nỗ lực không biết mệt mỏi cùng tâm huyết của các vũ công.
Tín hiệu vui cho bệnh nhân ung thư

Tín hiệu vui cho bệnh nhân ung thư

(GLO)- Với mong muốn nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư, bác sĩ Nguyễn Đình Hùng-Phó Trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã nghiên cứu, áp dụng hiệu quả các phác đồ chữa trị mới, giúp người dân sớm phát hiện và điều trị ung thư tại chỗ. Một trong số đó là hóa trị trong điều trị ung thư đại trực tràng di căn.
Tỉnh Đoàn Gia Lai tổ chức chương trình "Ấm áp mùa đông" năm 2022

Tỉnh Đoàn Gia Lai tổ chức chương trình "Ấm áp mùa đông" năm 2022

(GLO)- Hưởng ứng chương trình “Tình nguyện mùa đông“ năm 2022 và “Xuân tình nguyện“ năm 2023. Trong 2 ngày (23 và 24-12), tại xã Đất Bằng, huyện Krông Pa và xã An Thành, huyện Đak Pơ, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Gia Lai phối hợp với Đoàn công tác xã hội TP. Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình “Ấm áp mùa đông“ năm 2022.
Ngày thanh niên cùng hành động: Sôi nổi, thiết thực

Ngày thanh niên cùng hành động: Sôi nổi, thiết thực

(GLO)- Sau khi Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2022-2027) thành công tốt đẹp, 63 tỉnh, thành trong cả nước đã đồng loạt tổ chức “Ngày thanh niên cùng hành động“. Trong đó, Gia Lai là 1 trong 7 điểm cầu được lựa chọn tổ chức cấp trung ương. Chuỗi hoạt động góp phần nâng cao nhận thức, thể hiện quyết tâm của tuổi trẻ trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.
Phát động thí điểm ứng dụng kết nối thanh thiếu niên

Phát động thí điểm ứng dụng kết nối thanh thiếu niên

(GLO)- Sáng 18-12, tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Bộ Giáo dục-Đào tạo tổ chức lễ phát động thí điểm Ứng dụng kết nối thanh thiếu niên (YEA). Đây là hoạt động nằm trong dự án “Tuổi trẻ và những cung đường biết nói“ được triển khai tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Gia Lai và tỉnh Yên Bái.