Học sinh 'chạy đua' thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tận dụng xu hướng các trường đại học tuyển người giỏi ngoại ngữ, ngày càng nhiều thí sinh sớm lên kế hoạch “chinh phục” các chứng chỉ quốc tế để gia tăng cơ hội.
Chọn ôn thi từ lớp 10
Đặt lịch thi IELTS vào đầu tháng 1.2022, Tô Võ Ngọc Vĩ (Trường THPT chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi) cho biết đã dành 3 năm ôn luyện cho chứng chỉ này, ngay từ khi vừa vào lớp 10. “Em đặt mục tiêu đạt được thang điểm từ 8 đến 9 để có lợi thế khi xét tuyển vào chuyên ngành ngôn ngữ Anh của các trường”, nam sinh này nói.
Là học sinh (HS) lớp chuyên Anh, Vĩ kể rằng phần lớn bạn cùng lớp đều dự định thi lấy chứng chỉ IELTS. Vĩ cho biết: “Khó khăn lớn nhất là phải cân bằng quỹ thời gian giữa việc học và kiểm tra ở trường, ôn thi ĐH, ôn thi HS giỏi các cấp và cả IELTS cùng một lúc”.
 
Học sinh đang có xu hướng mua sách IELTS về tự học, tự làm bài tại nhà và tham khảo thêm bài giảng từ internet. Ảnh: Ngọc Long
Học sinh đang có xu hướng mua sách IELTS về tự học, tự làm bài tại nhà và tham khảo thêm bài giảng từ internet. Ảnh: Ngọc Long
Cũng ôn luyện IELTS từ năm lớp 10, Huỳnh Minh Triết (lớp 12A1, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM) cho biết đã thi được hai lần và cuối cùng cũng đạt mức 7, đáp ứng tiêu chí xét tuyển vào ngành logistics Trường ĐH RMIT, cũng như quy đổi thành điểm 10 tiếng Anh khi nộp hồ sơ vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.
“Em thi vào khoảng thời gian cuối năm lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12, đa số các bạn khác trong lớp cũng thế. Em chọn thi sớm để dành thời gian “nước rút” ôn thi ĐH, cũng như đề phòng rủi ro nếu kết quả không đạt yêu cầu”, Triết chia sẻ.
Nở rộ Xu hướng tự học
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp dẫn đến đóng cửa lớp học trực tiếp, cùng với việc dạy trực tuyến có nhiều bất lợi, nhiều HS đang dần chuyển sang tự học tại nhà thay vì đến trung tâm luyện thi.
Lựa chọn tự học IELTS qua bài giảng trên YouTube và những nguồn mở khác từ nhiều tháng nay, Trần Lâm Nam Bảo (Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai) cho biết mình đã vững điểm 7 ở hai phần đọc và nghe. “Em nhắm đến thang điểm trung bình 7 đến 7,5”, Bảo nói.
Nam sinh nhận định quá trình tự học không gặp nhiều khó khăn vì trên internet học liệu khá dồi dào, cũng như có sẵn hệ thống thi thử miễn phí giúp tự đánh giá thực lực. “Các bạn thi trước cũng chỉ dẫn em nhiều mẹo và lưu ý khi thi”, Bảo kể và cho biết thêm khi gần thi có dự định đến trung tâm học cải thiện hai kỹ năng nói và viết để được góp ý và sửa bài kỹ hơn.
Bên cạnh IELTS hay SAT, nhiều trường ĐH ngoài công lập cũng đang mở ra cơ hội cho các loại chứng chỉ mới, đơn cử như bằng DET (Duolingo Englist Test).
“DET chấm trên thang điểm 160 cho 4 kỹ năng. Ưu điểm của nó là thủ tục nhanh chóng, chi phí phải chăng và có thể thi trực tuyến mọi lúc, mọi nơi”, Nguyễn Hoàng Minh Châu (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) giải thích.
Theo Châu, hiện chưa có trung tâm nào chuyên về ôn luyện DET nên em tự học hoàn toàn tại nhà, và được bố mẹ ủng hộ. Nữ sinh chia sẻ: “Mỗi tuần em dành 2 đến 3 ngày để làm bài thi thử, chứ không có lộ trình ôn luyện chuyên biệt. Em tin thời lượng học tiếng Anh ở trường là đủ để có thể hoàn thành tốt bài thi”.
Đăng ký ứng tuyển học bổng ở trường ĐH Fulbright và RMIT, Châu hy vọng mình sẽ đạt được 130 điểm trở lên, tương đương thang điểm 7,5 của IELTS, trong kỳ thi vào giữa tháng 1 năm sau.
Gia sư luyện thi
Song song với các trung tâm, lớp học chứng chỉ ngoại ngữ, sinh viên gia sư cũng đang dần trở thành một lực lượng quan trọng, mang đến làn gió mới cho thị trường luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Với thành tích IELTS 8,0 sau thời gian dài tự học, Lương Thục My (sinh viên năm 2, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) quyết định đăng tin dạy kèm khi vào năm nhất và hiện đang sở hữu hơn một năm kinh nghiệm làm gia sư tiếng Anh nhiều trình độ, trong đó có IELTS. “Đa số các bạn tôi dạy kèm là HS khối 10 và 11, lớp 12 là thiểu số. Các bạn thường đặt mục tiêu thang điểm 6 đến 6,5 để phục vụ mục tiêu xét tuyển ĐH”, My nói.
Theo My, cơ hội việc làm trong thị trường IELTS nói riêng và tiếng Anh nói chung dành cho những bạn sinh viên khá rộng mở, chỉ cần đạt đủ điều kiện về kiến thức chuyên môn. Cô chia sẻ: “Có IELTS trong tầm 7,5 trở lên là bạn đã có thể trở thành gia sư. Phương pháp thì mỗi người một khác, của tôi là hướng dẫn cho người học phân tích bài và gợi ý hướng tư duy”.
Bên cạnh làm gia sư, một số sinh viên còn ứng tuyển vào vị trí trợ giảng bán thời gian ở các trung tâm Anh ngữ để có nguồn thu nhập ổn định. Dành khoảng 18 - 25 tiếng mỗi tuần để dạy học ở một cơ sở tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM), Nguyễn Vũ Hoàng Dương (sinh viên năm 3, Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết nhận được từ 3 - 5 triệu đồng, tùy số giờ lên lớp.
Theo Dương, việc xét tuyển giáo viên không yêu cầu quá cao về chuyên môn cũng như bằng cấp. “Trung tâm chỉ cần chứng chỉ IELTS tối thiểu 6,5, trường hợp không có sẽ được làm bài kiểm tra mô phỏng IELTS kết hợp phỏng vấn”, nam sinh chia sẻ.
Theo Ngọc Long (TNO)

Có thể bạn quan tâm