Khi trẻ học online

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Học online được xem là giải pháp thay thế trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đó là cơ hội tận dụng internet trong kết nối vạn vật, khai thác những thế mạnh mà khoa học công nghệ mang lại. 
Gia đình tôi sống ở Phố núi Pleiku, mỗi người một laptop nên có thể dễ dàng cho con mượn để “học tạm”. Nhưng không phải nhà nào cũng có đủ điều kiện như vậy. Chưa nói đến vùng sâu, vùng xa. Trong khi Gia Lai là một tỉnh có 46,23% người dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó phần lớn bà con có điều kiện kinh tế khó khăn, không có đủ tiền để mua thiết bị công nghệ hoặc chưa biết sử dụng, chưa được tiếp cận với internet. Có một gia đình hàng xóm nhà tôi, 3 bà cháu sống với nhau, bà không dùng điện thoại, lâu lâu, bà sang nhà hỏi tôi: “Cháu có biết khi nào học sinh đi học lại không?”. Trong khi nhà tôi cách trung tâm thành phố 4 km.
Chứng kiến con em học online, tôi không hiếm lần phải bật cười. Mấy hôm đầu có mẹ bên cạnh thì cháu rất háo hức. Nhưng hôm sau, thấy máy không vào được, cháu gào lên: “Cô ơi, máy con không vô được (cháu không biết là cô không nghe thấy). Gọi cô không được, đứa bé quay sang gọi mẹ (may sao lúc đó tôi ở nhà). Tôi phải dặn con rất kỹ không được đụng vào các thiết bị điện trong nhà vì rất nguy hiểm. Nhưng có một hôm, cháu tự ý tắt wifi rồi bật lại (vì có lần cháu chứng kiến bố làm như thế). Tôi giật mình lo lắng dặn con: “Nếu lần sau không vào được thì thôi nhé, đừng đụng vào bất kỳ cái gì liên quan đến điện”. Cháu trả lời: “Con sợ cô la, sợ các bạn học hết!”.
Hôm rồi, đứa cháu bạn tôi, lớp 4, khi học trực tuyến đã nói qua camera với cô: “Cô ơi, con quên thụt vô 2 ô ly rồi”. Thằng anh nó học THCS, tinh ranh hơn, cứ tắt camera, chạy xuống mở tủ lạnh ăn thứ gì đó, nhồm nhoàm nhai, rồi bật camera lại ngồi học… Một hôm, tắm cho con, đứa bé tiểu học nói với tôi: “Mẹ ơi, con thấy trên máy tính nói: “Không cần học, chơi game cũng có tiền đó mẹ”. Tôi giật mình hỏi: “Con thấy khi nào?”. Cháu trả lời: “Con thấy trên Youtube nói”…
Trẻ con chưa có đủ kỹ năng, kiến thức để có thể ứng xử với kho kiến thức khổng lồ trên mạng xã hội và internet. Bắt chước triệt để những điều mình nhìn thấy và làm theo là đặc điểm chung của trẻ em. Chính vì vậy, trong quá trình cho trẻ tiếp cận với internet, các bậc phụ huynh cần chú trọng để có thể sắp xếp thời gian bên cạnh con em mình.
Tôi cũng là một người trẻ, là nhà giáo, nhưng tôi không ủng hộ học online với nhóm học sinh nhỏ tuổi. Bởi lẽ, với tôi, tuổi thơ của con cần nhất là những kỹ năng giao tiếp, kết nối giữa người và người, tạo lập mối quan hệ để chơi mà học, học mà chơi. Trẻ cần có môi trường để thực hành kỹ năng nếu không thể đến trường thì cha mẹ cần tạo được môi trường để bù đắp một phần kiến thức kỹ năng cho trẻ qua trò chuyện, đọc sách, học, chơi cùng con. 
TÚ UYÊN

Có thể bạn quan tâm