Giúp con quản lý tài chính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tại buổi giao lưu với chủ đề “Dạy con khát vọng thành công” do Câu lạc bộ Wlin Up Gia Lai (câu lạc bộ mạng lưới nữ lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu tại Gia Lai) tổ chức mới đây, TS. Tùng Phan-Giám đốc Học viện Polaris Academy chuyên đào tạo về phát triển bản thân và phát triển doanh nghiệp-khẳng định: “Việc giáo dục con cái có khát vọng thành công, mà cụ thể là dạy con cách quản lý tài chính không bao giờ là quá sớm. Bởi điều này sẽ giúp trẻ hiểu được giá trị đồng tiền, biết thiết lập nguyên tắc chi tiêu từ khi còn nhỏ, có ý thức tiết kiệm, tốt cho tương lai của trẻ”.
Theo TS. Tùng Phan, hoạt động của não bộ con người dựa trên nền tảng 5% là ý thức và 95% là tiềm thức. Việc dạy cho con cái cách quản lý tài chính ngay từ nhỏ nhằm vun đắp cho con sự thông minh về tiền bạc, giúp con trẻ biết quản lý tài chính khi được cho tiền, sớm hiểu được giá trị mà đồng tiền mang lại. Điều này sẽ hình thành thói quen quản lý tài chính tốt khi trẻ trưởng thành. 
Có mặt tại buổi giao lưu, chị Nguyễn Thái My (416 Hùng Vương, TP. Pleiku) nêu ý kiến: “Ngày trước, cha mẹ thường thay con quản lý tiền bạc, nhất là tiền mừng tuổi. Nhưng ngày nay, ở độ tuổi từ lớp 1 trở đi, các con đã ý thức được đó là tiền của mình và muốn được giữ tiền. Vậy chúng ta nên dạy con cách giữ như thế nào cho hợp lý?”.
Trả lời câu hỏi này, TS. Tùng Phan cho rằng: Cha mẹ nên xây dựng tiềm thức cho con bằng cách dạy con biết phân loại tiết kiệm. “Người lớn chúng ta vẫn thường được khuyên nên chia thu nhập hàng tháng ra theo quy tắc 6 chiếc lọ tài chính giúp kiểm soát thu chi tốt hơn thì trẻ con cũng vậy, cũng nên dạy chúng dùng tiền theo cách này”-TS. Tùng Phan nói. 
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Theo đó, quy tắc 6 chiếc lọ chính là chia thu nhập (tổng số tiền đang có) ra làm 6 phần với tỷ lệ ưu tiên khác nhau. Cụ thể: Lọ thứ 1 gọi là quỹ tự do tài chính với 10% thu nhập, dùng cho các hoạt động tạo ra thu nhập thụ động như đầu tư, góp vốn kinh doanh, gửi tiết kiệm… Lọ thứ 2 dành cho những chi tiêu cần thiết, sinh hoạt hàng ngày với không quá 50% thu nhập. Lọ thứ 3 là quỹ tiết kiệm dài hạn với 10% thu nhập, dùng cho mục đích dài hạn như mua xe, mua nhà, vào đại học…
Lọ thứ 4 là quỹ giáo dục với 15% thu nhập dùng để học thêm kiến thức, các kỹ năng. Lọ thứ 5 là hưởng thụ với 10% thu nhập, dùng để “tái tạo năng lượng”, mua sắm, hưởng thụ…, giúp bản thân được thư giãn để có động lực làm việc tốt hơn. Và lọ cuối cùng là cho đi với 5%, là khoản để làm từ thiện, tham gia các hoạt động cộng đồng.
Liên quan tới việc dạy con sử dụng tiền, chị Võ Ngọc Trâm (Công ty Bảo hiểm Xuân Thành-Chi nhánh Gia Lai) chia sẻ: “Tôi có 2 con. Mỗi tháng, tôi cho các con một khoản tiền tiêu vặt và yêu cầu ghi chép đầy đủ, cụ thể những thứ đã chi tiêu. Cuối tháng, 3 mẹ con cùng rà soát các khoản chi tiêu, xem khoản nào chưa hợp lý thì cùng trao đổi để rút kinh nghiệm. Tôi cho rằng, đây cũng là phương pháp để giúp các con tôi biết sử dụng tiền đúng cách ngay từ nhỏ”.
Tại buổi giao lưu, TS. Tùng Phan khuyến khích các bậc phụ huynh nên trao đổi, chia sẻ cùng con những vấn đề về sử dụng, quản lý tài chính hiệu quả bằng cách xây dựng được sự ổn định, an toàn về tiền bạc; trong đó, nên ưu tiên cho những thứ quan trọng vào thời điểm phù hợp, đồng thời biết “nói không” với những thứ không cần thiết. Và để làm được điều này, ngoài sự hiểu biết, cha mẹ phải biết thay đổi tư duy, hành động và thành công trong cuộc sống của mình để trở thành hình mẫu của con.
HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm