Những tên cướp tuổi thiếu niên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Câu chuyện về những tên cướp tuổi thiếu niên đã đặt ra câu hỏi nhức nhối về trách nhiệm giáo dục, quản lý của gia đình và xã hội
Với lý do "không học nổi nữa", Hậu (SN 2003), Bằng (SN 2003), Tiến (SN 2000) và Phúc (SN 2002) - cùng ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM - bỏ học từ cấp 2. Dù gia đình không khá giả nhưng cả 4 luôn được cha mẹ cưng chiều, không phải làm lụng gì nên thường xuyên tụ tập cùng nhau. Trong mắt gia đình, chúng là những đứa trẻ ngoan cho đến khi cả 4 bị bắt và bị truy tố về tội "Cướp giật tài sản".
Liều tĩnh, táo tợn
Theo cáo trạng của VKSND TP HCM, để có tiền tiêu xài, Hậu đã rủ Tiến, Bằng, Phúc sử dụng xe gắn máy để cướp giật tài sản của người đi đường. Sau khi bị bắt, chúng khai nhận chỉ trong 2 ngày đã thực hiện liên tiếp 6 vụ cướp giật tài sản, với 4 sợi dây chuyền vàng và 1 điện thoại di động, tất cả đã được tiêu thụ hết (tuy nhiên, chỉ có 1 vụ xác định được người bị hại là anh T.N.L nên tòa án xét xử vụ này).
Trả lời thẩm vấn của tòa, các bị cáo khai vì cần tiền chơi điện tử, Hậu đã rủ 3 tên còn lại cướp giật tài sản. Ngày 1-10-2019, Hậu chở Tiến chạy trước, Bằng điều khiển xe máy chở Phúc chạy phía sau. Đến khu vực quận 12, phát hiện "con mồi", Hậu vượt lên áp sát xe anh T.N.L để Tiến giật sợi dây chuyền trên cổ nhưng sợi dây chuyền bị đứt rơi xuống đường. Anh T.N.L nhặt lại rồi dùng xe máy đuổi theo Hậu và Tiến. Bằng và Phúc chạy phía sau thấy vậy đã vượt lên cản đầu xe người này để cả nhóm tẩu thoát.
Bốn bị cáo tại phiên xét xử sơ thẩm ở tòa án Tòa Gia đình và Người chưa thành niên - TAND TP HCM
Bốn bị cáo tại phiên xét xử sơ thẩm ở tòa án Tòa Gia đình và Người chưa thành niên - TAND TP HCM
Sự liều lĩnh và táo tợn của 4 tên này đã vượt xa sức tưởng tượng của những người cha, người mẹ tham dự phiên xét xử sơ thẩm hôm ấy. Ở hàng ghế dự khán, tôi nghe rõ những tiếng tặc lưỡi kinh ngạc, văng vẳng tiếng khóc rấm rứt và vẻ bàng hoàng trên khuôn mặt họ.
Vị đại diện VKS hỏi Hậu: "Bị cáo có biết mình chưa đủ tuổi lái xe?". "Dạ biết" - Hậu trả lời. "Vậy bị cáo mua xe làm gì?". "Để chạy cho vui". "Bị cáo lấy tiền đâu để mua xe?". "Anh bị cáo cho". "Mua xe với giấy tờ, biển số giả nhưng ba mẹ bị cáo vẫn đồng ý?". "Bị cáo nói dối ba mẹ là giấy tờ thật".
Những câu hỏi tương tự cũng được đại diện VKS hỏi Bằng, người sở hữu chiếc xe máy còn lại. Cũng giống Hậu, dù chưa đủ tuổi nhưng Bằng vẫn được gia đình cho tiền mua xe máy để "đi lại hằng ngày" và đó cũng là chiếc xe mang biển số, giấy tờ giả.
"Ở nhà nó hiền lắm..."
Liên quan đến trách nhiệm giáo dục, quản lý của người giám hộ, tòa hỏi vợ chồng bà Huệ (cha mẹ Hậu) về mục đích mua xe máy cho con. Bà Huệ khai mua xe vì Hậu thích chứ không biết con sẽ dùng làm phương tiện "gây họa".
Bà Huệ kể vợ chồng bà có 3 người con, Hậu là con út. "Chỉ trong mấy ngày tôi đi nuôi con gái sinh em bé và chăm chồng bị tai nạn tại bệnh viện mà thằng Hậu gây nên nông nỗi này. Không biết ai xui khiến chứ ở nhà nó hiền lắm, tôi ở nhà là nó quấn quýt cả ngày" - nói đoạn, bà òa khóc nức nở. Đứng bên cạnh, người đàn ông với một chân bước khập khiễng là cha Hậu. Ông cúi đầu rấm rứt khóc khi nghe chủ tọa phiên tòa hỏi trách nhiệm dạy dỗ con của mình.
Ngồi gần đó là mẹ Phúc, người đàn bà tiều tụy, mắt đỏ hoe không một phút rời mắt khỏi con trong suốt phiên tòa. Mới bước vào phòng xét xử, bà đã vội nhắc con: "Nhét túi quần vào trong đi con". Nghe tiếng mẹ, Phúc liền chỉnh lại một bên túi quần rồi gục mặt xuống đất.
Mẹ Phúc là một cán bộ làm công tác xã hội. Tôi hỏi bà, sao không tìm việc làm cho Phúc, bà bảo: "Có chứ!". Theo mẹ Phúc, do từ nhỏ, Phúc từng bị tràn dịch màng phổi nên khả năng lao động hạn chế. Phúc nghỉ học từ năm lớp 6, bà cố gắng tìm việc làm cho con, tránh thời gian nhàn rỗi, tụ tập bạn bè. Nhưng chỉ được một thời gian, xót con lao động vất vả, bà lại cho con nghỉ việc. "Thằng Phúc hiền lắm, tôi quản lý con 24/24 giờ. Tôi biết thằng Hậu, thấy thằng nhỏ hiền lành, tôi an tâm cho con chơi cùng, không ngờ tụi nhỏ lại tụ tập đi cướp giật" - nói dứt lời, nước mắt bà tuôn dài.
Họ đã khóc vì thương con nhưng đó còn là những giọt nước mắt xót xa khi những đứa trẻ được nuôi dưỡng với kỳ vọng trở thành người tử tế nhưng ở tuổi thiếu niên bỗng trở thành những tên cướp và phải trả giá cho hành vi phạm tội của mình.

Tạo điều kiện sửa chữa lỗi lầm

Tại phiên xét xử, HĐXX nhận định Hậu là người có vai trò đề xướng, rủ rê và Tiến trực tiếp thực hiện hành vi cướp giật tài sản của anh N.N.L nên 2 bị cáo này sẽ nhận mức án nghiêm khắc hơn so với Bằng và Phúc.

Theo đó, Tiến bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù, Hậu 3 năm tù, Bằng 2 năm 3 tháng tù và Phúc 1 năm tù cùng về tội "Cướp giật tài sản". Đây là những mức án mà theo chủ tọa phiên tòa là đã giảm nhẹ đáng kể (xem xét quyết định hình phạt đối với 3 bị cáo bằng 3/4 mức hình phạt tù mà điều luật quy định) nhằm giáo dục, tạo điều kiện cho họ sửa chữa sai lầm để trở thành người có ích cho xã hội.

Bài và ảnh: Ý Linh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm