Chuyện… chửi thề

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một nhóm học sinh đủ cả trai gái mặc đồng phục ùa vào quán cà phê ồn ào như vỡ chợ, kéo ghế, kéo bàn ầm ĩ như chốn không người. Chắc là học sinh năm cuối của một trường THCS gần đó. 
Hai trong số 4 nữ sinh có gương mặt son phấn lồ lộ. Ừ thôi thì còn trẻ cần sự náo nhiệt, con gái trang điểm để nhấn nhá nhan sắc chút đỉnh cũng không sao, dù có hơi sớm. Nhưng tôi thật sự choáng trước cách sử dụng ngôn từ của các cháu. Phải nói là không thể tưởng tượng được. Trai gái đều xưng hô mày tao với nhau, câu nói nào cũng đệm âm 2, 3 tiếng chửi thề rất ngọt. Những từ thô tục mà một người bình thường nào cũng phải đỏ mặt khi nghe tới được nhóm học sinh này thi triển đến mức “thượng thừa”. Các cháu đang nói về một nhân vật thứ 3 nào đó, gọi người ấy bằng “con”; nghe kỹ thì mới biết nhân vật ấy là một cô giáo, thật kinh khủng! Tôi nhận mặt một cháu gái, con của một người quen. Bố mẹ cháu thường khoe rằng ở nhà cháu rất ngoan hiền. Hôm ấy, nếu tình cờ chứng kiến con mình nói năng ở ngoài đường thế này, không biết họ có ngất đi?!
 Tranh minh họa.
Tranh minh họa.
Từ khi nào sự tục tĩu, hỗn xược đã thành tự nhiên, thành hiện tượng phổ biến của một số không nhỏ học sinh, sinh viên trong giao tiếp hàng ngày? Chẳng có trường học nào “xúi” học sinh làm chuyện không phải, nhưng chuyện dạy bảo lời ăn tiếng nói song hành có lẽ chưa đủ liều lượng chăng! Sự mẫu mực của bậc làm cha mẹ quan trọng lắm. Không ít lần tôi chứng kiến tại một giao lộ có đèn giao thông hình ảnh hàng loạt phụ huynh chở con em đi học cứ thản nhiên vượt đèn đỏ. Bản thân hành động đó đã là cái gương xấu. Người ta bảo trong mắt con trẻ, cha mẹ là thần tượng đầu đời, mà thần tượng thì đã làm gì, nói gì đều đúng, cứ thế mà noi theo. Không ít ông bố thoải mái chửi thề trước mặt con cái, vui buồn tức giận đều kèm tiếng “Đan Mạch” rất lưu loát thì làm sao mà không ảnh hưởng đến phong cách giao tiếp của con mình.
Gia đình thế nên xã hội cứ vậy mà nhân ra. Chửi thề bỗng trở thành thói quen ngôn ngữ của nhiều tầng lớp, có cả trí thức. Người ta còn phân tích có vẻ rất “khoa học” và kết luận chửi tục là một giải pháp giải quyết căng thẳng rất hiệu quả. Tôi nhớ có vài ba bài dạng này đã được đăng báo hẳn hoi, thậm chí còn thống kê rằng đa phần những người hay chửi có tính cách rất... bộc trực!?
Chửi là một phần của ngôn ngữ dân gian nhưng không thể là bộ phận của ngôn ngữ chính thống. Cũng phải thừa nhận rằng, một người đạo mạo, cẩn trọng lời ăn tiếng nói cách mấy cũng có lúc phải... chửi vì bực bội, bức xúc. Tuy nhiên nếu để những từ thô tục, những tiếng đệm chửi thề thành dấu chấm, dấu phẩy trong phát ngôn thì quả thật không hay ho chút nào. Cần phải xem đó là thảm họa của văn hóa nói dân ta.
 NGUYỄN SƠN

Có thể bạn quan tâm