Trẻ đi "bụi" do... mạng xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hiện nay, tình trạng trẻ em bỏ nhà đi “bụi” hoặc đi gặp gỡ bạn bè không rõ lai lịch, quen thông qua mạng xã hội (MXH) như Facebook, Zalo… trở nên phổ biến, khiến các bậc phụ huynh và cơ quan chức năng lo lắng, bất an.

 Ảnh minh họa
Ảnh minh họa



Điều đáng nói là việc bỏ nhà đi đã được chính các em xem như một cách thể hiện cá tính, khẳng định bản thân nên cấp thiết phải có biện pháp ngăn chặn, tránh hậu quả xấu xảy ra ngoài tầm kiểm soát.

Trường hợp gần nhất khiến cả gia đình anh Bùi Văn Thêu (36 tuổi, phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An) mất ăn, mất ngủ tìm tung tích con gái là cháu Bùi Hà Ngọc Châu (11 tuổi, học sinh Trường Tiểu học Lái Thiêu). Vào chiều 31-3, Châu ở nhà học bài một mình, đến tối cùng ngày, khi ba mẹ đi làm về không thấy con mới tá hỏa tìm kiếm thì được người hàng xóm cho biết, cháu Châu và một bạn gái cùng lớp đi theo một người đàn ông lạ mặt, không rõ danh tính. Trong khi mọi người đang tỏa đi tìm khắp nơi thì 3 ngày sau 2 bé thất thểu trở về nhà, tinh thần hoang mang, hoảng loạn khiến gia đình phải đưa đi viện trị liệu tâm lý và trấn an. Theo các cháu cho biết, được 1 người quen trên Facebook rủ đi chơi nên đã đón xe đến khu vực huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh) để gặp “bạn”, nhưng khi đến nơi thì không gặp được, trong khi số điện thoại cũng không thể liên lạc nên đã đón xe quay về.

Trước đó, ngày 6-8-2017, cũng trên địa bàn tỉnh Bình Dương, việc 3 học sinh là Phạm Thị Hồng Kim (15 tuổi), Phạm Thị Quyên (14 tuổi) và Phạm Thị Hồng (13 tuổi) được người thân báo “mất tích” khiến cả khu vực xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng không dám đưa con ra khỏi nhà, đi đâu cũng phải bố trí người đưa rước để đề phòng rủi ro. Dù gia đình 3 em này đã báo công an nhưng 3 ngày tìm kiếm vẫn không có kết quả, khiến cha mẹ các em tưởng con bị bắt cóc. Đến đêm 10-8-2017, Quyên mượn điện thoại của người dân gọi về, nói đi chơi cùng bạn mới quen và đã hết tiền mua vé xe về nên gọi ba mẹ đến đón. Được biết, 3 em này nhận lời của người bạn quen qua mạng Facebook đến huyện Tịnh Biên (An Giang) chơi. Vì thiếu tiền, cả 3 quyết định bán điện thoại di động rồi đón xe đi mà không báo cho người thân biết…

Hiện nay, các dòng thông tin nhờ cộng đồng mạng share (chia sẻ) để tìm kiếm người thân bỏ nhà đi rất dễ tìm thấy trên các diễn đàn MXH, đặc biệt ở địa bàn các tỉnh Đông Nam bộ, nơi có khá đông các gia đình nhập cư từ các tỉnh thành phía Bắc và miền Trung, lo làm ăn ít có thời gian chăm sóc, gần gũi con cái.

Việc các em nhỏ được ba mẹ cho phép sử dụng điện thoại thông minh từ sớm đã vô tình khiến con em vướng vào nhiều cạm bẫy được giăng sẵn. Nhiều trường hợp bị các đối tượng dụ dỗ, lừa tiền và tài sản có giá trị như điện thoại, máy tính, thậm chí có nguy cơ bị xâm hại tình dục hoặc bị bắt cóc đòi tiền chuộc, hay đưa qua biên giới bắt lao động nặng nhọc… Một lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian gần đây đơn vị thường xuyên nhận được các thông tin hỗ trợ tìm kiếm trẻ “mất tích” do liên quan đến MXH, tuy chưa có hậu quả xấu xảy ra, nhưng đã là lời cảnh báo đến các bậc cha mẹ về nguy cơ mất an toàn cao khi trẻ bị dụ dỗ qua MXH.

Xuân Trung (sggp)

Có thể bạn quan tâm