Cây lên xanh nhờ "hành động vô ý"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gần đây, nhiều bạn trẻ trên mạng xã hội đang hưởng ứng một phong trào khá sôi nổi, đó là trồng cây một cách “vô tình mà hữu ý” bằng cách giữ lại hạt sau khi ăn xong, gói ghém mang theo bất cứ đâu rồi vứt vào mảnh đất ít cây cối.  

“Thay vì đợi chú chim nào đó mang hạt lành như trong chuyện Mai An Tiêm, chúng mình có thể mang hạt gieo khắp mọi nơi. Hãy cùng nhau thực hiện! Nếu bạn ăn trái cây, đừng vứt hạt đi. Hãy rửa sạch và phơi khô. Bỏ chúng vào một cái hộp và để chúng trong xe, trong túi xách. Khi đi đường, hãy ném chúng ra những nơi không có cây. Tự nhiên sẽ chăm sóc chúng. Hoặc ném chúng ra ngoài khi đi bộ, đi xe đạp”-một tài khoản mạng xã hội kêu gọi.

Nếu mỗi cá nhân ý thức vai trò dù là nhỏ bé của mình trong vấn đề này, từng hành động đều nương nhẹ, đầy tình thương với tự nhiên thì “quả ngọt” màu xanh trái đất mang lại trực tiếp chính là chúng ta và thế hệ mai sau. Ảnh: Phan Lài
Trồng cây là cách cổ vũ lối sống xanh. Ảnh: Phan Lài



Cũng theo bạn trẻ này, hoạt động trên đã tồn tại hàng thế kỷ ở các quốc gia châu Á nên cây trái mọc khắp nơi. Khi đi bộ trong rừng trên dốc núi quanh các thị trấn, người ta bất ngờ thấy cây táo, mơ, mận, lê... mọc khắp nơi, muốn hái và ăn bao nhiêu tùy thích. Một tài khoản khác khẳng định, trong những năm qua, Chính phủ Thái Lan và Malaysia đã tích cực thúc đẩy sáng kiến này. Nhiều khu vực hào hứng thực hiện và đã gặt hái thành công. Số lượng cây ăn quả mọc dại tăng lên nhanh chóng, đặc biệt tại các tỉnh phía Bắc Thái Lan và phía Nam Malaysia.

Nhiều năm qua, một trong những giải pháp hữu ích được khuyến khích trong công tác bảo vệ môi trường là trồng cây để phủ xanh đất trống. Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2021, thực hiện chương trình “Trồng 1 tỷ cây xanh”, cả nước đã trồng được 277.000 ha rừng tập trung và gần 100 triệu cây phân tán (vượt 10% so với kế hoạch). Năm 2022, ngành lâm nghiệp sẽ trồng mới khoảng 230.000 ha rừng tập trung (rừng sản xuất), tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định 42%. So với các đợt phát động trồng cây xanh tập thể này, rõ ràng, việc vứt hạt giống trái cây vào nơi đất trống là hành động đơn lẻ nhưng mang ý nghĩa “góp gió thành bão”, góp phần cổ vũ lối sống xanh và bảo vệ môi trường của mỗi cá nhân, hình thành ý thức về quan hệ tương hỗ, chăm sóc và nương tựa lẫn nhau giữa con người với thiên nhiên. Không phải hạt giống nào cũng nảy mầm như kỳ vọng bởi còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, song cho dù chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ hạt giống nảy mầm phát triển thì ta cũng đã làm được điều có ích.

Xác định tầm quan trọng của những mảng xanh, ngày 28-11-2012, Liên hợp quốc đã chọn ngày 21-3 hàng năm là Ngày Quốc tế về rừng (IDF-International day of forests) với mục đích kêu gọi các quốc gia chung tay phục hồi những cánh rừng đã mất, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của rừng và đưa ra các giải pháp bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Năm 2021, Ngày Quốc tế về rừng có chủ đề: “Khôi phục rừng: con đường dẫn tới khôi phục kinh tế và hạnh phúc”.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), rừng có 5 vai trò chính gồm: nuôi dưỡng đất, lưu trữ các bon, cung cấp thực phẩm lành mạnh cho hàng triệu người, điều tiết nước và là nhà của khoảng 80% các giống loài sống trên cạn. Khoảng 1,6 tỷ người trên thế giới phụ thuộc trực tiếp vào rừng để kiếm nguồn thức ăn, nơi ở, năng lượng, thuốc men và thu nhập. Vì vậy, theo FAO, trồng rừng và quản lý rừng bền vững là cách tốt nhất để bảo vệ môi trường, đóng góp vào sự thịnh vượng, hạnh phúc của các thế hệ hiện tại và tương lai.

Nếu mỗi cá nhân ý thức vai trò dù là nhỏ bé của mình trong vấn đề này, từng hành động đều nương nhẹ, đầy tình thương với tự nhiên thì “quả ngọt” màu xanh trái đất mang lại trực tiếp chính là chúng ta và thế hệ mai sau.

 

 LAM NGUYÊN
 

Có thể bạn quan tâm