Đâu rồi "vùng đệm xanh"?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Việc phát triển các đô thị vệ tinh sẽ giúp giảm áp lực lên hạ tầng các đô thị cũ (đô thị trung tâm) và giữa các đô thị này cần có một khoảng cách thích hợp (trong phạm vi từ 30-50km), một khoảng “đệm” là vùng xanh sinh thái, tạo nên một vành đai xanh chung quanh đô thị trung tâm. Nhưng, các khu vực này đang trở nên “bất khả thi” bởi sự “bành trướng” của các dự án đô thị mới.



Vành đai xanh này thường được đề xuất trồng rau, hoa, cây cảnh, phát triển vùng sinh thái, vùng canh tác nông nghiệp hoặc một số làng xóm, nhà vườn (mật độ xây dựng thấp) gắn kết với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh... Từ vành đai xanh sẽ có các đệm cây xanh tỏa sâu vào thành phố trung tâm.

Vành đai xanh có không gian đủ rộng để phát triển một mô hình nông nghiệp hiện đại, sản xuất ra những sản phẩm có giá trị cao như cây, con giống chất lượng cao, bò sữa, thủy sản, rau an toàn, cá sấu, cá kiểng, hoa, cây cảnh với chất lượng đồng bộ, năng suất cao, công nghệ sau thu hoạch hiện đại bao gồm vận chuyển, phơi sấy, bảo quản, sơ chế.

Mong manh vành đai xanh
Mong manh vành đai xanh


Vành đai xanh có khả năng khắc phục hầu hết những hạn chế phát sinh trong quá trình đô thị hóa như nông dân mất đất trở nên thất nghiệp, môi trường thiên nhiên bị khai thác triệt để dẫn đến suy thoái. Nó còn tạo ra một động lực mới khi chuyển đổi thành mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại. Để phát triển vành đai xanh đạt tới mô hình nông nghiệp hiện đại thì cần thiết chuyển đổi hàng triệu nông dân trở thành thành viên của hàng chục nghìn xí nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp sản xuất nông nghiệp mới có quy mô từ 10-100 ha mỗi đơn vị.

Chẳng hạn, với Hà Nội, không gian phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội được định hướng theo hướng đông-đông bắc, là trục hành lang công nghiệp và đô thị dọc quốc lộ 18, quốc lộ 5 hướng ra các cảng biển. Phía tây vùng này sẽ dành để phát triển các khu du lịch, nghỉ dưỡng, đào tạo, nghiên cứu công nghệ cao - hạn chế phát triển công nghiệp để khai thác tiềm năng và thế mạnh vốn có. Đây là nơi có địa hình tự nhiên và cảnh quan đẹp, lại có nhiều di tích lịch sử có giá trị, đồng thời là vùng thoát lũ cho Hà Nội.

Thực tế đang diễn ra là một chuỗi các đô thị tự nhiên hình thành theo tất cả các hướng nằm ngoài dự kiến của các nhà quy hoạch. Đã có nhiều cảnh báo cho rằng, nguy cơ vành đai xanh không thực hiện được như mong muốn bởi bị mắc kẹt giữa các kế hoạch phát triển manh mún.

Nếu vành đai xanh chỉ là một mầu xanh trên bản vẽ quy hoạch và vài dòng thuyết minh thì số phận của nó rất mong manh. “Đô thị hạt nhân” và các “đô thị chung quanh” sẽ không còn khoảng “đệm” là vùng xanh sinh thái mà chỉ còn là những vùng xen kẽ, để rồi sẽ tự dính lại với nhau, liệu xu hướng có khả thi?

Vùng xanh đi đâu?

Khi các dự án đua nhau mọc lên, đe dọa, xâm lấn vào các vùng đệm xanh liên kết giữa các đô thị thì những vùng đất ngoại ô đang là sự lựa chọn của nhiều người, đặc biệt là lớp người có thu nhập cao.

Không khó nhận ra điều này khi thời gian qua, giá đất ở nhiều khu vực ngoại thành các đô thị lớn đều tăng. Đặc biệt, với những vùng có điều kiện cảnh quan, khí hậu, thổ nhưỡng tốt, giá đất tăng đến vài ba lần so cùng kỳ năm trước. Cho đến thời điểm này, dù đã có sự can thiệp của Nhà nước bằng các chính sách cụ thể, nhưng giá đất khu vực ngoại thành các đô thị lớn vẫn có xu hướng đứng ở mức cao. Các phân tích thị trường đưa ra đều khẳng định, đất vùng ngoại ô các đô thị lớn đang hút khách.  

Vành đai xanh liên kết các vùng đô thị đang rất mong manh. Những khu vực có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tốt hầu hết đã có chủ. Còn lại, những vùng đất lúa, đất sản xuất nông nghiệp vùng ngoại thành cũng đang nằm trong tầm ngắm của một số doanh nghiệp, tập đoàn. “Vùng đệm xanh” đi đâu là câu hỏi mà nhiều người đòi hỏi những người quản lý, phát triển đô thị vẫn luôn phải tỉnh táo để đưa ra những câu trả lời.

 

Thống kê cho thấy, xu hướng ra ngoại ô ở đang là sự lựa chọn của lớp người có điều kiện kinh tế. Nhiều khu vực gò đồi, đất ven đê ở Sóc Sơn, Đông Anh (Hà Nội), Lương Sơn (Hòa Bình) một thời rất ít người quan tâm để ý, thì nay đều đã có chủ. Theo đồ án quy hoạch, Thủ đô Hà Nội sẽ có 5 đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Dự kiến, đến năm 2040, TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối vùng giữa thành phố và các địa phương lân cận. Phạm vi nghiên cứu điều chỉnh là toàn bộ ranh giới hành chính TP Hồ Chí Minh với diện tích 2.095km2 và 28,7km2 Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.


Theo NGỌC LÝ (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm