Lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Triển lãm sen đá, xương rồng và cây mọng nước Gia Lai-Kon Tum lần 2 diễn ra trong 2 ngày 7 và 8-5 tại quán Classic Coffee (369 Lê Duẩn, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) với chủ đề tái chế rác thải đã góp phần truyền đi thông điệp “hồi sinh” những vật dụng cũ, chung tay bảo vệ môi trường.
Để chuẩn bị cho triển lãm, cách đây vài ngày, các thành viên của Hội sen đá, xương rồng và cây mọng nước Gia Lai-Kon Tum đã tất bật với công việc tiếp nhận, bố trí và sắp xếp các tác phẩm. Trong không gian rộng rãi, thoáng đãng của quán Classic Coffee, Ban tổ chức triển lãm sắp xếp cho các chủ các nhà vườn bày bán, giới thiệu sen đá dọc theo lối đi để khách tiện tham quan, thưởng lãm. Hàng trăm loài sen đá, xương rồng, các loài cây mọng nước được trưng bày với đủ kiểu dáng, màu sắc đã thu hút không ít những người yêu cây cảnh tìm đến chiêm ngưỡng. Đặc biệt, với chủ đề tái chế rác thải, triển lãm đã tổ chức cuộc bình chọn các tác phẩm sen đá, xương rồng được tận dụng trồng trong các vật dụng cũ, hư hỏng. Có 20 tác phẩm của các thành viên trong Hội đến từ Gia Lai và Kon Tum tham gia. Khách tham quan sẽ là giám khảo, bình chọn 10 chậu cây đẹp nhất vào vòng 2. Tại vòng 2, Ban tổ chức sẽ tiến hành chọn ra các tác phẩm xuất sắc nhất dựa trên tiêu chí sáng tạo, độc đáo và hữu ích. 
Không gian trưng bày của triển lãm với nhiều tác phẩm sen đá, xương rồng độc đáo thu hút khách đến tham quan. Ảnh: Phương Vi
Không gian trưng bày của triển lãm với nhiều tác phẩm sen đá, xương rồng độc đáo thu hút khách đến tham quan. Ảnh: Phương Vi
Anh Đặng Hồng Thân-Ban Chủ nhiệm Hội sen đá, xương rồng và cây mọng nước Gia Lai-Kon Tum, đại diện Ban tổ chức triển lãm-cho hay: “Năm nay Hội quyết định chọn chủ đề tái chế rác thải với mong muốn khích lệ, lan tỏa phong trào tái chế, đặc biệt là rác thải nhựa. Bằng việc sử dụng các vật dụng đã bị hư hỏng, không thể sử dụng, các thành viên cũng như nhiều người chơi sen đá, xương rồng có thể tận dụng làm chậu, thỏa sức sáng tạo để có một tác phẩm mới lạ, độc đáo. Qua triển lãm, chúng tôi muốn nhân lên tình yêu đối với cây cối, thiên nhiên và góp thêm tiếng nói, kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường”. 
Quả vậy, những vật dụng thường ngày như ấm nước, niêu đất, một mảnh vỡ của bình gốm, lốp xe cũ, thậm chí là nồi cơm điện hay phin chế cà phê cũ đã được các tác giả tận dụng triệt để trồng cây. Từ một vật dụng thô cứng, không còn giá trị sử dụng, các đồ vật như được “hồi sinh”. Mỗi năm, gia đình chị Phạm Thị Xuân Thơ (01 Bế Văn Đàn, TP. Pleiku) lại thay mới lốp xe ô tô. Nhận thấy những chiếc lốp cũ không thể sử dụng tiếp mà chỉ có thể thải ra môi trường, chị Thơ rất trăn trở. Sau khi tìm hiểu, chị quyết định dùng để làm chậu trồng sen đá. Tận dụng đường cong của lốp, chị Thơ đã thiết kế thành chậu cây “có một không hai” mang hình dáng tựa một chiếc giỏ xách. Chị đã dùng thêm sơn trắng và dây thừng để trang trí, khiến chiếc lốp xe thô ráp trở nên mềm mại, đẹp mắt. Bên cạnh đó, chị Thơ còn khéo léo kết hợp trồng hàng chục cây sen đá trên chiếc chậu độc đáo ấy. “Thực ra mỗi ngày chúng ta thải ra môi trường rất nhiều rác, trong đó có các loại chai, lọ, lốp xe, xoong, chảo, tô, chén cũ… Tôi nghĩ chỉ cần chúng ta có thêm một chút sự sáng tạo và yêu thích trồng cây, những đồ dùng ấy sẽ được “tái sinh”, có thêm một cuộc đời mới, làm đẹp cho không gian của gia đình”-chị Thơ tâm sự. 
Các tác phẩm sen đá đẹp mắt được trồng trong các vật dụng tái chế. Ảnh: Phương Vi
Các tác phẩm sen đá đẹp mắt được trồng trong các vật dụng tái chế. Ảnh: Phương Vi
Chiếc giỏ xách sen đá độc đáo do chị Thơ sáng tạo từ lốp xe cũ. Ảnh: Phương Vi
Chiếc giỏ xách sen đá độc đáo do chị Phạm Thị Xuân Thơ (TP. Pleiku) sáng tạo từ lốp xe cũ. Ảnh: Phương Vi
Một hoạt động khác của triển lãm cũng khá hấp dẫn là đổi giấy, vỏ lon lấy cây. Chương trình đầy ý nghĩa này không chỉ thu hút sự tham gia nhiệt tình của cộng đồng chơi sen đá, xương rồng mà cả các em học sinh. Bẽn lẽn đem đến 100 vỏ lon bia, nước ngọt đổi 5 cây sen đá, em Nguyễn Bảo Nhi (lớp 4, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, TP. Pleiku) chia sẻ: “Khi biết thông tin hôm nay có chương trình đổi giấy, vỏ lon lấy cây, em đã cố gắng gom góp để đem đến tham gia. Em sẽ chăm sóc các cây sen đá này thật tốt để chúng có thể phát triển, nảy nở thêm nhiều cây khác nữa”. 
Em Nguyễn Bảo Nhi (lớp 4, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, TP. Pleiku) thích thú khi nhận đổi được những cây sen đá xinh xắn. Ảnh: Phương Vi
Em Nguyễn Bảo Nhi (lớp 4, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, TP. Pleiku) thích thú khi đổi vỏ lon được những cây sen đá xinh xắn. Ảnh: Phương Vi
Không khí rộn ràng tràn ngập khắp không gian của buổi triển lãm. Khách đến quán uống cà phê cũng cảm thấy rất thích thú khi được nhìn thấy nhiều loài sen đá lạ mắt cũng như cảm nhận được thông điệp mà các thành viên của Hội sen đá, xương rồng và cây mọng nước Gia Lai-Kon Tum muốn truyền tải. Chị Nguyễn Thị Huệ (104 Phan Đình Phùng, TP. Pleiku) tâm sự: “Tôi thấy chương trình này rất hay và ý nghĩa. Là một người yêu thích chăm sóc cây cối, nhất là sen đá, tôi cũng thường tận dụng các vật dụng bỏ đi của gia đình để làm chậu trồng cây, vừa tiết kiệm, vừa độc, lạ mà lại bảo vệ môi trường. Đây có lẽ là cách hữu hiệu nhất để góp sức giảm thiểu phát thải rác, góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống”. 
Theo Ban Chủ nhiệm Hội sen đá, xương rồng và cây mọng nước Gia Lai-Kon Tum, 2 năm qua, thành viên của hội đã tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Các thành viên không chỉ đầu tư vào kỹ thuật chăm sóc, sưu tầm các loài cây độc đáo, lạ mắt mà còn tích cực ứng dụng việc trồng cây gắn với bảo vệ môi trường, nhân lên tình yêu nuôi dưỡng, chăm sóc cây cối. Hội sẽ duy trì triển lãm hàng năm, tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho cộng đồng những người yêu thích sen đá, xương rồng và cây mọng nước trong và ngoài tỉnh; đồng thời sẽ có thêm nhiều hoạt động để tiếp tục lan tỏa những giá trị tốt đẹp.
PHƯƠNG VI

Có thể bạn quan tâm