'Hết hồn' với vườn nông sản sân thượng bội thu của mẹ bỉm sữa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tranh thủ lúc nửa đêm chăm con, chị Bùi Thị Thương lên sân thượng chăm sóc vườn nông sản, đến lúc thu hoạch, thành quả ngoài cả mong đợi.

Vườn nông sản sân thượng trĩu quả của mẹ bỉm sữa TP.HCM- Ảnh: Hoa Nữ
Vườn nông sản sân thượng trĩu quả của mẹ bỉm sữa TP.HCM- Ảnh: Hoa Nữ


Đó là câu chuyện của chị Bùi Thị Thương (Bình Tân, TP.HCM), với niềm đam mê trồng cây, trồng rau, chị đã biến sân thượng của mình thành vườn nông sản với đa dạng các loại như dưa lưới, bắp cải, su hào, súp lơ, cà chua, bầu bí, mướp, rau cải các loại... tất cả đều trĩu quả và xanh mướt đáng ngưỡng mộ.
 

 
 Vườn nông sản bội thu của chị Thương
Vườn nông sản bội thu của chị Thương


“Nhiều người nói mình là trời hành!”

Bắt đầu trồng rau trên sân thượng từ năm 2015, chị Thương cho biết do xuất thân từ nhà nông, lúc còn ở quê đã thích trồng hoa, trồng cây. Khi lên thành phố và lập gia đình, muốn có một nguồn rau sạch cho gia đình ăn mỗi ngày nên chị quyết định biến sân thượng thành vườn cây.


 

 
 


Chị Thương kể ban đầu chị nghĩ việc trồng rau đơn giản lắm là chỉ cần thùng xốp, đất và phân bón....Thế rồi chị đi xin thùng xốp về đục lỗ ở đáy thùng và mua đất bán sẵn, sau 1 tháng đã có rau thu hoạch và tiếp tục gieo trồng vụ tiếp mà không có xử lý đất cũ. Vì thế rau không lên được vụ thứ hai nên chị lại đi mua đất mới và mang thêm đất thịt dưới quê lên trộn thêm vào. Nhưng rồi cũng chỉ trồng được 1 lần, sau đó rau không lên nữa và chị đã bỏ cuộc vì nhận ra trồng rau trên sân thượng không hề đơn giản như trồng ở quê.

 

 
 
 


“6 tháng sau, vào nhiều hội trồng cây trên sân thượng để học hỏi mỗi người một chút, sau đó mình quyết tâm đầu tư lại tất cả từ kệ, chậu, tự trộn giá thể trồng (hoàn toàn không dùng đất), phân mình cũng không dùng phân hóa học nữa mà mua các nguyên liệu hữu cơ về tự ủ. Từ đó thì kết quả thu được sau mỗi vụ là ngoài cả mong đợi”, chị Thương chia sẻ.

 

 
 

 
Sân thượng của chị rộng khoảng 60 m2, chị Thương chia làm 3 khu. Sân trước trồng cà chua, súp lơ và các loại rau gia vị, sân sau chị trồng các loại mai, sân trên cùng chị trồng các loại giàn leo và rau ăn lá.

 

 
 


“Trồng rau ban đầu chủ yếu để gia đình có nguồn thực phẩm sạch. Sau đó vì đam mê nên cứ thế mà trồng, thậm chí nhiều người nói mình là trời hành vì thực chất trồng cây trên sân thượng không hề đơn giản mà phải bỏ ra rất nhiều công sức. Mình lại có con nhỏ, suốt ngày bận lu bu chăm con mà cũng cố tranh thủ thời gian để trồng cây. Nửa đêm lúc 2 giờ sáng dậy vắt sữa cho con rồi sau đó tranh thủ lên sân thượng tưới và chăm cây. Ngày cuối tuần có chồng ở nhà phụ trông con thì mình tranh thủ lên làm đất, tưới phân, cắt tỉa các kiểu”, chị Thương kể.

Bí quyết trồng cây không cần đất

Dù bị nhiều người nói là trời hành vì phải tốn nhiều công sức để trồng cây trên sân thượng, nhưng đến khi thu hoạch thì ai cũng phải ngưỡng mộ.


 

 
 
Thành quả mỗi lần thu hoạch
Thành quả mỗi lần thu hoạch


“Thu hoạch gia đình ăn không hết 1 phần 3 vì quá nhiều. Nhưng đừng ai hỏi mình có bán rau không vì mình sẽ trả lời không. Nhiều người lại nói trồng nhiều như vậy dư ăn không hết thế sao không bán? Nhưng câu trả lời thì chỉ có nông dân sân thượng với nhau mới hiểu được trồng nhiều dư để làm gì. Vì chả mấy ai lấy thời gian nghỉ ngơi và hy sinh nhiều dịp đi chơi để đi vác đủ thứ lên sân thượng rồi phơi nắng mưa để có thành quả như vậy đâu. Nên những lần ăn không hết mình đều biếu mỗi người ít chứ không bán”, chị Thương giải bày.

 

Mọi người nói chị là trời hành nhưng trồng cây là niềm vui của chị, hơn nữa gia đình của chị cũng có được thực phẩm sạch ăn mỗi ngày. Vì con mà chị Thương có thể làm được tất cả
Mọi người nói chị là trời hành nhưng trồng cây là niềm vui của chị, hơn nữa gia đình của chị cũng có được thực phẩm sạch ăn mỗi ngày. Vì con mà chị Thương có thể làm được tất cả


Chia sẻ về bí quyết trông cây trên sân thượng không cần đất mà vẫn thu về sản lượng nông sản đáng ngưỡng mộ, chị Thương cho biết sau nhiều lần thất bại với việc trồng rau sân thượng bằng đất mua tại các cửa hàng, thì chị khuyên mọi người nên lên mạng tìm hiểu để học cách làm giá thể trồng cây mà không cần đất. Giá thể đó bao gồm phân bò hoai mục (dinh dưỡng cho cây), trấu hun và vỏ đậu (giúp giá thể tơi xốp), mùn dừa (giữ độ ẩm cho cây). Như thế thì trong vườn tất cả rau và cây ăn trái đều không cần sử dụng đất, sẽ giảm tải được sự chịu đựng của nền nhà và cũng dễ dàng cho việc bưng bê, thay vì vác đất lên đến sân thượng.

 

 
 
 
 



Cũng theo chị Thương trước khi bước vào làm nông trên sân thượng thì quan trọng nhất là xem vị trí, diện tích, nắng gió trong ngày ở sân thượng nhà bạn là như thế nào. Thiết kế sao cho hợp lý với nắng của sân thượng nhà mình, ví dụ như nắng cả ngày và sân thượng không có bờ tường bao xung quanh thì làm các kệ tầng, còn bị hạn chế nắng thì tuyệt đối không làm kệ tầng vì những tầng dưới nắng không chiếu vào được thì cây sẽ không lớn.

 

 
 
 



Chị Thương cũng “bật mí” thêm bí quyết để chị có vườn nông sản bội thu như vậy là: “Sau khi thu hoạch phải luôn xử lý thật kỹ bằng vôi và phơi vài ngày luân phiên rau trồng. Đối với rau ăn lá thì tuần nào cũng vun gốc, cây leo giàn bầu bí, mướp bắt buộc khoanh gốc. Đối với bầu bí mướp khi cây ra trái thì 1 ngày 1 cây cần khoảng 16-20 lít nước, và đấy cũng chính là lý do cây cho trái nhiều và lâu tàn”.

 

 
 Ngoài nông sản chị Thương cũng trồng rất nhiều hoa
Ngoài nông sản chị Thương cũng trồng rất nhiều hoa
Chính niềm vui trồng cây giúp chị tránh được stress sau sinh và thấy yêu đời hơn mỗi ngày - Ảnh: HOA NỮ
Chính niềm vui trồng cây giúp chị tránh được stress sau sinh và thấy yêu đời hơn mỗi ngày - Ảnh: HOA NỮ


Chị Thương cũng cho biết cách để cải tạo giá thể sau thu hoạch cho vườn nông sản sân thượng là nếu giá thể không bị nhiễm bệnh thì chỉ cần nhặt sạch phần rễ cây trong đó, làm tơi giá thể, rắc vôi bột và phơi khô vài ngày. Sau đó, bổ sung thêm ít phân bò hoặc phân gà, bánh dầu… để trong 3 ngày mới gieo hạt hoặc cấy cây con. Nếu giá thể có mầm bệnh thì phải phơi khô và ủ trong một tháng. Để tăng thêm lượng dinh dưỡng cho giá thể, bạn có thể lấy sẵn lá cây cắt tỉa trong vườn, còn không thì phần rau bỏ đi, cắt nhỏ để bón cho giá thể.

Theo HOA NỮ (TNO)

Có thể bạn quan tâm