Phú Thiện: Chú trọng xử lý rác thải độc hại trong nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian gần đây, các xã, thị trấn của huyện Phú Thiện, Gia Lai đã chủ động đầu tư kinh phí xây dựng các bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng đặt tại các cánh đồng. Việc làm này đã góp phần cải thiện vệ sinh ruộng đồng, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng cũng như xây dựng nông thôn mới.



Nỗ lực thu gom rác thải

Xã Ia Piar có diện tích đất sản xuất nông nghiệp khá lớn, lên đến hơn 2.000 ha. Thời gian qua, xã đã nỗ lực trong việc xây dựng bể thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. Ông Ksor Khanh-Phó Chủ tịch UBND xã-cho biết: Để làm các bể chứa này, ngoài nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới, xã còn vận động các doanh nghiệp hỗ trợ. Đến nay, xã đã xây được 32 bể chứa với tổng kinh phí gần 20 triệu đồng. Xã đã tích cực tuyên truyền để người dân bỏ rác đúng quy định. “Ban đầu, bà con còn bỡ ngỡ nên bỏ lẫn cả rác thải sinh hoạt vào bể chứa. Sau này, xã đẩy mạnh tuyên truyền nên người dân đã biết phân loại và bỏ rác đúng quy định”-ông Khanh cho hay.

Gia đình ông Nay Binh (làng Chrung, xã Ia Piar) có hơn 2,5 ha lúa nước 2 vụ và thường xuyên phải sử dụng thuốc BVTV trong quá trình canh tác. Trước đây, sau mỗi lần sử dụng, ông đều đào hố chôn bao bì thuốc BVTV. Từ khi xã xây dựng bể chứa, ông mang bao bì thuốc BVTV tới bỏ cẩn thận vào bể. Ông Binh chia sẻ: “Trước đây, sau khi sử dụng thuốc BVTV, mọi người đều chôn lấp bao bì hoặc vứt bừa bãi tại chân ruộng và dọc các bờ suối. Từ khi có bể rác, tôi và bà con luôn bảo nhau phải bỏ bao bì thuốc BVTV vào bể để giữ gìn vệ sinh đồng ruộng cũng như bảo vệ sức khỏe của chính mình”.

   Sau mỗi lần sử dụng, ông Nay Binh (làng Chrung, xã Ia Piar) đều bỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật vào bể chứa. Ảnh: H.T
Sau mỗi lần sử dụng, ông Nay Binh (làng Chrung, xã Ia Piar) đều bỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật vào bể chứa. Ảnh: H.T



Tương tự, xã Ia Sol cũng đã xây dựng được 21 bể chứa bao bì đựng thuốc BVTV với tổng kinh phí 17 triệu đồng. Theo chị Lê Thị Thúy Hằng-cán bộ địa chính-nông nghiệp xã, việc xây dựng bể được giao cho Hợp tác xã Nông nghiệp Ia Sol 3 và HTX Nông nghiệp Thắng Lợi phụ trách. Ủy ban nhân dân xã chỉ đạo các đoàn thể và cán bộ thôn, làng tuyên truyền cho người dân về tác hại của bao bì đựng thuốc BVTV sau sử dụng; vận động bà con nên bỏ rác vào bể. Qua đó, ý thức của người dân về việc bỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng đúng nơi quy định đã được nâng lên. Tuy nhiên, hiện một số bể chứa đã bị người dân làm hư hỏng; tình trạng người dân bỏ lẫn lộn rác thải sinh hoạt vào bể chứa vẫn còn xảy ra. “Thời gian tới, xã sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân bỏ rác đúng quy định. Đồng thời, xã cũng mong huyện hỗ trợ kinh phí để xây dựng thêm bể chứa, thu gom, xử lý rác thải theo đúng quy định”-chị Hằng cho hay.

Còn nhiều khó khăn

Trao đổi với P.V, ông Tôn Thất Tuấn-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Thiện-cho biết, việc xây dựng bể chứa bao bì thuốc BVTV sau sử dụng được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT. Khi chưa có kinh phí hỗ trợ từ các ngành, các cấp, tất cả 10 xã, thị trấn của huyện đều đã chủ động kêu gọi hoặc trích kinh phí từ chương trình xây dựng nông thôn mới để xây dựng bể chứa. Phòng Tài nguyên và Môi trường cũng đã hướng dẫn các xã xây bể chứa đúng kích thước, hình thức theo quy định. Đến nay, toàn huyện đã xây được 145 bể chứa đặt tại các cánh đồng.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, vì kinh phí eo hẹp nên đến nay vẫn chưa có địa phương nào xây được nhà lưu giữ rác thải thu gom từ các bể chứa. Đây cũng chính là lý do khiến Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện chưa ký được hợp đồng với đơn vị thu gom, xử lý rác thải. Bởi lẽ, không đơn vị nào chịu đi thu gom rác thải ở từng bể chứa. Bên cạnh đó, theo quy định, với gần 40.000 ha đất nông nghiệp, toàn huyện cần phải có gần 1.100 bể chứa bao bì thuốc BVTV. Nhưng đến nay, số bể được xây dựng còn quá ít.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đoàn thể và UBND các xã, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân phân loại và bỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng theo đúng quy định. Chúng tôi cũng mong các ngành, các cấp và chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí để các xã xây dựng bể chứa, nhà lưu giữ rác; đồng thời, hỗ trợ kinh phí để Phòng Tài nguyên và Môi trường hợp đồng với đơn vị thu gom, xử lý chất thải nguy hại này”-ông Tuấn thông tin thêm.

 HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm