Chuyện ít biết về vị Vua Nước cuối cùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2010, theo sự chỉ dẫn của ông Kpah Măng-con rể của Vua Nước thứ 7 Rơ Chăm Bo, tôi đến làng Thơ Ga (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) để tìm ông Rơ Châm Chuých, người được coi là vị Vua Nước thứ 8. Nhà ông ở giữa khu vườn điều và hồ tiêu. Ông đang ngồi thái thuốc lá tự trồng trước hiên bằng một cây rựa dài, mình khoác hờ chiếc áo màu gạch non nhăn nhúm, điếu thuốc sâu kèn ngậm lút miệng phả khói khét lẹt. Một nụ cười ngỡ ngàng mở ra thay lời chào. Mấy người hàng xóm đang ngồi chơi tròn mắt ngạc nhiên khi nghe tôi gọi ông Rơ Châm Chuých là “vua”. Hóa ra, ở làng Thơ Ga này chẳng còn ai nhớ gì về Vua Nước. Người ta chỉ biết đây là ông Rơ Châm Chuých bên Plei Tao bắt vợ ở làng này, từng bị “mất thần kinh” nên tính tình hơi lẩn thẩn một chút, thế thôi.

Nhưng với dân làng bên Plei Tao, nơi cư trú truyền đời của các Vua Nước trong quá khứ, Rơ Châm Chuých đích thực là vị Vua Nước cuối cùng. Ông Kpah Măng kể rằng, ông Chuých là người được nhắm ngôi vị Vua Nước vào khoảng năm 1965, lúc mới hơn 20 tuổi. Mọi nghi thức đã chuẩn bị nhưng chưa kịp làm lễ thì ông Chuých bỗng bị bệnh thần kinh. Một thời gian sau thấy đỡ, ông trốn nhà đăng lính công binh Quân đội Sài Gòn. “Thằng Chuých đi lính sa vào chuyện rượu chè trai gái bậy bạ rồi sẽ hỏng mất con người vua”-già làng nói vậy và dẫn dân làng lên đòi ông Chuých về. Người ta làm lễ “kế vị” rồi bắt vợ cho “vua”.

  Ông Rơ Châm Chuých và vợ. Ảnh: Ngọc Tấn
Ông Rơ Châm Chuých và vợ. Ảnh: Ngọc Tấn

Trong hơn 20 mùa rẫy, người vợ sinh 11 đứa con nhưng chỉ nuôi được 5. Chiến tranh bom đạn, làm ăn khó khăn, thấy làm “vua” chẳng được gì mà chỉ cúng lễ tốn kém, người vợ thường kiếm chuyện gây gổ với chồng. Khổ chuyện nhà, bất chấp mọi quy ước kiêng cữ như các vị “vua” tiền bối, ông lén đi uống rượu nhà mả, ăn cả con chuột, con ếch; nhìn cả người chết nên bị điên trở lại. Vợ đã khổ vì con đông nay lại phải gánh thêm “vua điên” nên bỏ. Dân làng thấy vậy cho là “Yàng không muốn Chuých làm “vua” nên xui ra thế” và từ đó họ không còn coi ông là “vua” nữa… 3 năm sống lang thang một mình, bỗng nhiên bệnh ông lại đỡ. Nhờ người mai mối, ông làm quen rồi “bắt” bà Siu A Lol cùng ở làng Thơ Ga làm vợ. Trước khi “bắt” lại ông Chuých, bà A Lol đã qua 2 đời chồng. Chồng đầu bỏ, được 3 đứa con; chồng thứ 2 bị điên chết, bỏ lại 2 con.  Ông Chuých “bắt” về cũng như góp gạo vào một nồi nấu chung cho vui vậy thôi… Câu chuyện đượm bi kịch pha chút hài hước về “vua” thật trái với sự tín ngưỡng nghiêm cẩn từng diễn ra với cả một vùng đất rộng lớn cách đây chưa lâu.

Tôi cứ đinh ninh sẽ khai thác Rơ Châm Chuých được ít nhiều tư liệu về các đời Vua Nước trước, hóa ra ông chẳng biết được mấy. Nguyên do cũng có thể bởi tại căn bệnh thần kinh dạo trước của ông. “Bây giờ đã khỏi bệnh rồi, sao không nói dân làng cho trở lại làm Vua Nước?”. Nghe hỏi, sau thoáng ngần ngừ, ông buông một câu khiến tôi phải bất ngờ: “Làm “vua” khổ lắm, làm con người thường sướng hơn. Không phải riêng Chuých đâu, mọi người đều nghĩ thế cả. Cúng làm sao tới trời được, đó là vì ngày xưa ông bà mình nghĩ thế thôi”.

Quả là một ông vua “bất trị” thật, nhưng ngẫm điều ông nói cũng không phải không có lý: Vua Nước thực ra chỉ là hiện tượng tín ngưỡng của một thời.

 

NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.